Theo các nhà khoa học, có nhiều nguyên nhân khiến biến thể Omicron lây lan nhanh chóng, bao gồm đột biến của biến thể và thời gian ủ bệnh - tức là thời gian một người xuất hiện các triệu chứng bệnh sau khi bị nhiễm virus.
Đối với các biến thể trước của SARS-CoV-2, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã không tích chi tiết về thời gian ủ bệnh của từng biến thể mà ước chừng thời gian "kéo dài đến 14 ngày, với thời gian trung bình là 4-5 ngày kể từ khi tiếp xúc tới khi các triệu chứng xuất hiện".
Tuy nhiên, các nghiên cứu mới của Viện Y tế Cộng đồng Na Uy hồi tháng 11 chỉ ra thời gian ủ bệnh của biến thể Omicron đã thu ngắn hơn so với các biến thể trước, chỉ trong khoảng 72 giờ kể từ khi một người nhiễm virus. Trao đổi với The Atlantic, nhà dịch tễ học Jennifer Nuzzo cho biết thời gian ủ bệnh ngắn có nghĩa là mọi người có thể dễ lây bệnh hơn, từ đó khiến dịch bệnh bùng phát và lan nhanh hơn. Và đó là những gì đang xảy ra, không chỉ tại Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo các chuyên gia y tế, cách tốt nhất để bảo vệ sức khoẻ trước làn sóng dịch bệnh vẫn là tiêm vaccine ngừa COVID-19 và tăng cường sức khoẻ. Tiến sĩ Michael Teng, một nhà virus học và phó hiệu trưởng trường Đại học Y của USF, nhận định: "Những người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine và tiêm mũi vaccine tăng cường thường chỉ mắc các triệu chứng nhẹ. Hiện nay, phần lớn những người phải nhập viện điều trị là nhóm người chưa được tiêm chủng".
Minh Hạnh (Theo WTSP)