Ngày 1/7, trên trang Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nhấn mạnh: "Chủ nghĩa thực dụng của Mỹ và việc đạt được những đảm bảo ổn định cho lợi ích kinh tế đầy đủ của Iran từ thỏa thuận hạt nhân có thể giúp các cuộc đàm phán đạt được kết quả thành công".
Cũng theo ông Amir-Abdollahian, với sự phối hợp đầy đủ của ông, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran Ali Bagheri Kani sẽ tiếp tục đàm phán một cách nghiêm túc, hợp lý và tích cực để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
"Chúng tôi tiếp tục các nỗ lực của mình bằng sức mạnh và sự logic", Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Iran nói thêm.
Ông Amir-Abdollahian đưa ra các phát biểu trên sau các cuộc đàm phán gián tiếp kéo dài hai ngày giữa Iran và Mỹ tại thủ đô Doha của Qatar hồi đầu tuần này.
Hai bên kết thúc đàm phán mà không đạt được thỏa thuận nào nhằm giải quyết những khác biệt còn tồn tại, giữa lúc cộng đồng quốc tế đang thúc đẩy các nỗ lực nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, được biết đến là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Trước đó, rrong vòng đàm phán tại Vienna (Áo) hồi tháng 3 vừa qua, Iran đưa ra một số điều kiện, trong đó có yêu cầu Mỹ đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố, nhưng chỉ nhận được sự cự tuyệt của Washington, dẫn tới đàm phán tiếp tục bế tắc.
Theo Tổng thống Iran Ebrahim Raeisi, Iran sẽ không từ bỏ các cuộc đàm phán để gỡ bỏ những lệnh trừng phạt nhằm vào nước này. Các lệnh trừng phạt cần được gỡ bỏ càng sớm càng tốt. Mỹ và các nước châu Âu cần tuân thủ đầy đủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân 2015.
Ông Ali Shamkhani, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao của Iran, tuyên bố Tehran sẽ tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân đến khi nào phương Tây thay đổi “cách hành xử".
Trước đó, theo Reuters, Iran đã bắt đầu lắp đặt các máy ly tâm tiên tiến tại một nhà máy làm giàu uranium dưới lòng đất. Theo một báo cáo của IAEA, hiện có sự gia tăng hoạt động hạt nhân ở Iran. Các chuyên gia của IAEA đã phát hiện dấu vết uranium ở 3 cơ sở hạt nhân mà Iran không khai báo.
Ngày 9/6, Iran đã tắt các camera giám sát được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) sử dụng để giám sát hoạt động tại các cơ sở hạt nhân quan trọng của nước này. Động thái này được cảnh báo có thể giáng một “đòn chí mạng” vào các cuộc đàm phán tìm cách hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran.
Động thái cứng rắn của Iran được cho là cách để nước này tạo sức ép lên đối phương trên bàn đàm phán, tuy nhiên, tiền lệ đã chứng minh những động thái phô trương như vậy chẳng mang lại lợi ích gì. Hơn lúc nào hết, giờ là lúc cả Iran và Mỹ cũng như các đối tác đàm phán khác phải có các bước đi thực chất hơn để giải quyết những bất đồng để tránh cho các vòng đàm phán rơi vào nghịch lý càng đàm phán càng bế tắc thêm.
Mộc Miên (T/h)