Hồi giữa tháng 5 vừa qua, Phần Lan và Thuỵ Điển đã chính thức tuyên bố kết thúc hàng thập kỷ trung lập và bày tỏ mong muốn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Động thái này của 2 quôc gia Bắc Âu được coi là một sự thay đổi về an ninh và địa chính trị trong khu vực.
Trước đó, dù không chính thức gia nhập NATO nhưng Phần Lan và Thuỵ Điển đã duy trì quan hệ đối tác chiến lược với liên minh này trong khi thận trọng theo dõi thái độ từ phía Nga. Tuy nhiên, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Phần Lan và Thuỵ Điển đã cân nhắc quyết định từ bỏ tình trạng trung lập.
Theo CNN, NATO vốn có một "chính sách mở cửa" đối với các thành viên mới. Trong đó, bất kỳ quốc gia châu Âu nào cũng có thể nộp đơn xin gia nhập khối miễn là đáp ứng các tiêu chí nhất định của NATO và nhận được sự chấp thuận của toàn bộ các thành viên chính thức.
Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, một quốc gia không "nộp đơn" gia nhập NATO. Điều 10 của hiệp ước quy định nêu rõ khi một quốc gia bày tỏ sự quan tâm và mong muốn gia nhập NATO, các quốc gia thành viên hiện tại "có thể, bằng một thoả thuận nhất trí, gửi lời mời tới quốc gia châu Âu để tiếp tục các bước gia nhập khối".
Các nhà ngoại giao của NATO từng cho biết việc phê duyệt một thành viên gia nhập khối có thể mất tới hơn 1 năm vì cần có sự đồng thuận của toàn bộ các nước thành viên (ở thời điểm hiện tại là 30 nước thành viên).
Được biết, cả Phần Lan và Thuỵ Điển hiện đều đã đảm bảo các tiêu chí để trở thành thành viên NATO, bao gồm một hệ thống chính trị dân chủ hoạt động dựa trên nền kinh tế thị trường; đối xử công bằng với các nhóm dân tộc thiểu số; cam kết giải quyết các xung đột một cách hòa bình; khả năng và sự sẵn sàng đóng góp quân sự cho các hoạt động của NATO; và cam kết thực hiện các quan hệ và thể chế dân chủ-quân sự.
Theo đó, khi 2 quốc gia Bắc Âu bày tỏ sự quan tâm tới việc gia nhập NATO, nhiều quốc gia thành viên bao gồm Mỹ, Anh, Pháp đã nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ và hy vọng quá trình kết nạp 2 quốc gia này vào khối sẽ diễn ra nhanh chóng.
Tuy nhiên, con đường gia nhập NATO của Phần Lan và Thuỵ Điển lại không "bằng phẳng" khi họ vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng tuyên bố ông sẽ không có cái nhìn tích cực về việc Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập khối và cáo cuộc 2 quốc gia này cung cấp nơi ở cho nhóm người Kurb, bị Ankara coi là khủng bố.
Sau một thời gian đàm phán, ngày 28/6 (giờ địa phương), ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Madrid (Tây Ban Nha), Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã ký một bản ghi nhớ ba bên với Phần Lan và Thuỵ Điển. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các bên đã thống nhất rằng Helsinki và Stockholm sẽ không hỗ trợ các lực lượng người Kurd, bao gồm Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd, còn được gọi là YPG, bị Ankara coi là khủng bố.
Ngoài ra, Phần Lan và Thụy Điển cũng đã xác nhận Đảng Công nhân người Kurdistan thuộc phe ly khai, còn được gọi là PKK, là một "tổ chức khủng bố bị cấm" và cam kết sẽ ngăn chặn các hoạt động "của PKK và tất cả các tổ chức khủng bố khác cũng như các nhánh mở rộng". Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã coi PKK là một tổ chức khủng bố.
Theo phía Thổ Nhĩ Kỳ, ba nước cũng đạt được đồng thuận về việc không có các lệnh cấm vận vũ khí giữa họ. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển cam kết thiết lập một cơ chế chia sẻ thông tin tình báo để mở rộng quy mô hoạt động chống khủng bố và chống tội phạm có tổ chức.
Như vậy, với thoả thuận này, Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng cũng đã dành sự ủng hộ với việc Phân Lan và Thuỵ Điển gia nhập khối. Điều này có nghĩa là cánh cửa gia nhập NATO của 2 quốc gia Bắc Âu đã rộng mở hơn.
Lý do hầu hết các nước gia nhập NATO là vì Điều 5 của hiệp ước, quy định về vấn đề phòng thủ chung. Điều 5 đã là nền tảng của liên minh kể từ khi NATO được thành lập vào năm 1949 với tư cách là một đối trọng với Liên Xô.
Điểm đặc biệt của NATO và Điều 5 là nhằm ngăn chặn Liên Xô. Điều 5 đảm bảo các nguồn lực của toàn liên minh - bao gồm cả quân đội khổng lồ của Mỹ - có thể được sử dụng để bảo vệ bất kỳ quốc gia thành viên nào, chẳng hạn như các quốc gia nhỏ hơn sẽ không thể tự vệ nếu không có đồng minh. Ví dụ như Iceland không có quân đội thường trực.
Cựu lãnh đạo Thụy Điển Carl Bildt nói với CNN rằng ông không thấy các căn cứ quân sự lớn mới được xây dựng ở một trong hai quốc gia nếu họ gia nhập NATO. Ông cho biết việc tham gia liên minh có thể đồng nghĩa với việc lập kế hoạch và huấn luyện quân sự chung giữa Phần Lan, Thụy Điển và 30 thành viên hiện tại của NATO. Các lực lượng của Thụy Điển và Phần Lan cũng có thể tham gia vào các hoạt động khác của NATO trên toàn cầu, chẳng hạn như ở các nước Baltic, nơi một số căn cứ có quân đội đa quốc gia.
Việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển cũng sẽ có lợi cho liên minh và gây ảnh hưởng tới Nga. Cả hai đều là những cường quốc quân sự nghiêm túc, mặc dù dân số của họ nhỏ.
Nga đã chỉ trích định gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov đã gọi động thái này là một "sai lầm" với "hậu quả sâu rộng".
Nga hiện có chung đường biên giới trên bộ với 5 thành viên NATO. Việc Phần Lan gia nhập có nghĩa là thêm một quốc gia khác có chung biên giới với Nga sẽ trở thành thành viên liên minh quân sự của Mỹ. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói rằng ông không "có vấn đề gì" với việc Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập NATO.
Tuy nhiên, phát biểu tại Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể ở Moscow (Nga), ông Putin nhấn mạnh: "Nhưng việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự vào lãnh thổ này chắc chắn sẽ gây ra phản ứng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét đáp trả dựa trên các mối đe doạ có thể gây ra với đất nước chúng tôi".
Minh Hạnh (Theo CNN)