(ĐSPL) - Hiện, giá thịt nhập ngoại vẫn rẻ hơn thịt nội, mặt khác, tâm lí lo lắng các loại thịt "đội lốt" khiến người tiêu dùng sính ngoại hơn nội...
Nghịch lý: Thịt ngoại mất công nhập vẫn rẻ hơn thịt nội
Theo điều tra của Hội Chăn nuôi Việt Nam, giá thành sản xuất lợn thịt ở Mỹ thấp hơn 25 - 30\% so với ở Việt Nam, giá thành 1kg thịt bò Úc (nhập bò sống về Việt Nam để giết mổ) sau khi đã trừ các chi phí vận chuyển, thuế, kiểm dịch, nuôi tân đáo, giết mổ, lãi vay ngân hàng… là khoảng 170.000 đồng – 180.000đồng/kg, trong khi đó bò thịt nuôi tại Việt Nam giá không thấp hơn 200.000đồng/kg, nhưng chất lượng thịt lại không bằng thịt bò Úc.
Trên thực tế, tại các siêu thị và cửa hàng, nhiều loại thịt ngoại hiện có giá khá cạnh tranh, thậm chí rẻ hơn nhiều so với thịt nội.
Như tại siêu thị Big C, thịt ba chỉ bò Mỹ bán với giá 120.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với thịt nội cùng loại từ 30.000 - 60.000 đồng/kg. Một số loại như thịt gà thấp hơn từ 10.000-20.000 đồng so với thịt gà công nghiệp Việt Nam và nhiều khi chỉ bằng một nửa giá so với loại gà ta.
Trên thực tế, tại các siêu thị và cửa hàng, nhiều loại thịt ngoại hiện có giá khá cạnh tranh, thậm chí rẻ hơn nhiều so với thịt nội. (Ảnh minh họa). |
Tại các siêu thị như Co.opmart, Metro, Fivimart, giá các loại thịt bò Úc được bán với giá cao hơn thịt bò nội chưa tới 20.000 đồng/kg, một số loại như gầu, thịt rọi có giá ngang ngửa, hoặc thấp hơn. Hay tại các trang web bán thịt nhập ngoại, loại thịt bắp bò Úc chỉ có giá 250.000 đồng/kg, thấp hơn so với bắp bò Việt.
Lý giải nguyên nhân, TS Đoàn Xuân Trúc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam cho hay, chăn nuôi nước ta đa phần mang tính nhỏ lẻ, chất lượng con giống thấp, công nghệ chăn nuôi lạc hậu, chi phí đầu vào cao, năng suất lao động thấp, dịch bệnh thường xuyên đe dọa, liên kết chuỗi trong chăn nuôi yếu, qua nhiều khâu trung gian và lãi suất ngân hàng quá cao… làm cho giá thành chăn nuôi ở nước ta cao, khả năng cạnh tranh thấp.
Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam cũng thừa nhận, Việt Nam nhập nhiều thịt không phải do chăn nuôi trong nước không đáp ứng được mà do giá thịt ngoại cạnh tranh hơn. Ước tính trong năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu 400 triệu USD thịt các loại, trong đó có tới 250 triệu USD nhập khẩu bò sống về thịt với 200 triệu USD nhập khẩu từ Úc và 50 triệu USD từ các nước còn lại.
"Sản phẩm chăn nuôi trong nước đang bị cạnh tranh bởi những sản phẩm chăn nuôi được nhập khẩu nhiều, tăng dần trong những năm vừa qua. Mặc dù hiện tại người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang có thói quen sử dụng thịt nóng, tuy nhiên đây chỉ là vấn đề thời gian. Ngày càng có nhiều người mua thịt đông lạnh nhập khẩu, bà Trần Thị Thanh Tâm - Phó Giám đốc trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) đánh giá.
Dưới góc độ một chuyên gia trong ngành nông nghiệp, Kỹ sư Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng: "Chẳng lẽ chúng ta chấp nhận suốt đời nhập thịt bò, sữa bò trong khi gạo ế, giá xuất khẩu thấp, đường không cạnh tranh được, dưa hấu chở lên biên giới Việt - Trung đổ đi…. mà để thiếu thịt đỏ nghiêm trọng, phải nhập bò sống về giết mổ”.
“Đây là trách nhiệm tổ chức sản xuất, bố trí quỹ đất chưa hợp lý. Không lẽ hàng năm cứ chi hàng tỷ đô la nhập thịt bò, thịt gà, nội tạng về tiêu thụ nội địa mãi mãi. Nếu tái cơ cấu ngành chăn nuôi không xác định đúng hướng và tổ chức đầu tư sản xuất chăn nuôi không hợp lý, không quyết liệt chỉ đạo, ngành chăn nuôi sẽ gặp bế tắc và việc tiếp tục ăn thịt, ăn trứng, uống sữa nước ngoài là việc khó tránh khỏi”, ông Lịch nói.
Thịt ngoại tràn ngập, chăn nuôi gặp khó!
Theo ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, ngành chăn nuôi và người chăn nuôi Việt Nam sắp tới sẽ gặp hai khó khăn đó là chi phí chăn nuôi và thị trường. Thức ăn chăn nuôi (TACN) tại Việt Nam khá đắt so với các nước, thức ăn chăn nuôi nhập ngoại hoặc phụ thuộc vào nhóm các DN Ngoại nơi có hơn 60 doanh nghiệp (chiếm 30\% số lượng DN TACN) nhưng lại chiếm hơn 60\% thị phần cung ứng. Phần lớn các DN này nhập khẩu nguyên phụ liệu từ chuỗi sản xuất công ty mẹ tại Thái Lan, Đài Loan hay Malaysia…
Về thị trường, ông Vang nói thêm: “Dựa vào các số liệu thống kê, có thể thấy lượng nhập thịt gia súc, gia cầm của Việt Nam hiện đang rất lớn, có mặt tại khắp mọi nơi. Tốc độ tăng nhập ngày càng mạnh mẽ. Đời sống người dân được nâng cao nên nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong khi các loại thịt bò, trâu, cừu, dê hay cả thịt lợn, gia cầm sản xuất trong nước chưa đáp ứng được sự bùng nổ tiêu dùng của thị trường”.
Đời sống người dân được nâng cao nên nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong khi các loại thịt bò, trâu, cừu, dê hay cả thịt lợn, gia cầm sản xuất trong nước chưa đáp ứng được sự bùng nổ tiêu dùng của thị trường. (Ảnh minh họa). |
Cục Chăn nuôi nhận định, bất lợi lớn nhất cho ngành chăn nuôi chính là giảm thuế nhập khẩu, giá thịt vào Việt Nam sẽ rẻ hơn so với sản xuất trong nước nhờ lợi thế sản xuất quy mô lớn. Rất có thể nhiều hộ chăn nuôi sẽ gặp bất lợi khi có đến gần 70\% nông dân đang theo đuổi CN nông hộ, SX ra 60\% tổng sản phẩm CN cả nước sẽ phải tìm hướng tồn tại ở phân khúc SX đặc thù như sản xuất sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao, đặc sản vùng miền, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tiêu thụ tươi tại chỗ. Xu hướng đầu tư vào ngành chăn nuôi cũng sẽ được mở rộng, tuy nhiên đây chỉ diễn ra ở các DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Hiện, tại rất nhiều các siêu thị lớn tại Hà Nội như Big C, Fivimart, Metro, Lotte mart, Co.op.mart… thịt bò Úc, Mỹ hay Nhật cũng đã có mặt trên hầu khắp các kệ với giá bán đắt hơn nhiều so với thịt bò nội. Thậm chí, tại nhiều chợ, thịt bò ngoại cũng đã có mặt và được bày bán công khai.
Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương: “Nông nghiệp, mà cụ thể là ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều thách thức cạnh tranh khi gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) từ cạnh tranh truyền thống như cạnh tranh bằng (giá, lợi thế do quy mô, thị trường) đến cạnh tranh về khả năng sản xuất, bảo vệ thị trường (quy tắc an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng vệ thị trường bằng chống bán phá giá). Đơn cử, Mỹ luôn tìm mọi cách bảo vệ ngành sản xuất cá da trơn, tôm, chăn nuôi bò của mình bằng hàng rào an toàn vệ sinh thực phẩm, chống bán phá giá. Sắp tới, khi Việt Nam gia nhập TPP với 11 đối tác lớn của thế giới, thuế nhiều mặt hàng này sẽ về 0\% tại tất cả các thị trường, không phân biệt trình độ phát triển và không có lộ trình như FTA khác. Chính vì vậy, ngành chăn nuôi trong nước sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và bất lợi lớn nếu không có cách chính sách phát triển và đặc biệt hỗ trợ phát triển cho nhóm nông hộ nhỏ”.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
[mecloud]CJlmr3ozo7[/mecloud]