Theo nhận định của luật sư, hành động cưỡng đoạt tài sản của Thiếu úy công an thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức với khung hình phạt từ 3-10 năm tù.
Thiếu úy Phạm Thái Vinh. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM |
Liên quan đến sự việc thiếu úy công an cưỡng đoạt tài sản tại TP.HCM, trao đổi với PV báo Đời Sống & Pháp Luật, luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc TNHH Luật Nghiêm Quang cho hay, theo như những tình tiết của vụ việc thì hiện thiếu úy công an đang bị tạm giữ để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Theo luật sư Vinh, tội Cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể, nội dung tội này quy định như sau: Người nào đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể bị phạt tù từ 1-5 năm.
Có thể nói rõ hơn, hành vi cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 là hành vi đe dọa dùng vũ lực, thể hiện thái độ, cử chỉ, lời nói tạo cho người bị đe dọa cảm giác sợ và tin rằng người phạm tội sẽ dùng bạo lực nếu không để cho lấy tài sản. Giữa thời điểm đe dọa sẽ dùng vũ lực với thời điểm dùng vũ lực có một khoảng cách nhất định về thời gian. Cho nên, người bị đe dọa có điều kiện suy nghĩ, cân nhắc để quyết định hành động.
Về hành vi dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ làm một việc gây thiện hại về tài sản, danh dự, uy tín nếu người bị uy hiếp không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội (như đe dọa hủy hoại tài sản, loan tin về đời tư, tố giác hành vi phạm pháp…của người bị đe dọa).
Bên cạnh đó, theo luật sư Vinh, tội Cưỡng đoạt tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi ở trên chứ không phụ thuộc vào việc có chiếm đoạt được tài sản hay không.
Từ đó, áp dụng vào trong trường hợp này có thể thấy hành vi của thiếu úy công an đã de dọa đến tinh thần, khiến nam sinh phải hoảng sợ, lo lắng và phải thực hiện hành vi giao tiền, dấu hiệu phạm tội thể hiện tương đối rõ.
Ngoài ra, đây cũng thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức nhằm chiếm đoạt tài sản, do đó có thể khép vào khoản 2, Điều 170 với khung hình phạt từ 3-10 năm tù.
Thông tin về sự việc, ngày 20/12, Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM có Quyết định đình chỉ công tác đối với Thiếu úy Phạm Thái Vinh (cán bộ Công an phường 17, quận Bình Thạnh) về hành vi cưỡng đoạt tài sản của anh C.H.Đ. (tỉnh quê An Giang) vào ngày 17/12 tại quận Bình Thạnh. Đồng thời, Giám đốc Công an TP.HCM cũng ký Quyết định kỷ luật Tước danh hiệu CAND đối với Thiếu úy Phạm Thái Vinh. Cũng trong ngày 20/12, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra Lệnh bắt và Quyết định tạm giữ đối với Phạm Thái Vinh và Nguyễn Hoàng Minh (Bảo vệ dân phố phường 17, quận Bình Thạnh) về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Trước đó, theo trình báo của nạn nhân, vào khoảng 21h ngày ngày 17/12, Đ. đang đi trên đường (thuộc phường 17, quận Bình Thạnh) thì bị một nhóm người mặc thường phục ép vào lề đường, yêu cầu dừng lại. Một người trong nhóm này rút ra thẻ màu đỏ, xưng là Công an phường 17, yêu cầu kiểm tra hành chính Đ., rồi đưa anh này về trụ sở Công an phường 17 làm việc. Qua kiểm tra, công an phát hiện một con dao dài 4cm trong cặp của Đ.. Thế nhưng, Đ. cho biết, đang làm đầu bếp nên mua để khui các thùng hàng đựng thức ăn đông lạnh. Cho rằng Đ. tàng trữ hung khí trái phép, một người trong nhóm trên đưa ra mức 10 triệu đồng để được bỏ qua. Do Đ. không có tiền, Thiếu uý Vinh hướng dẫn Đ. cầm cố xe máy, điện thoại và viết giấy bán xe cho Nguyễn Hoàng Minh. Sau khi ký xong giấy tờ, Đ. được những người này trả lại điện thoại, nhẫn vàng và dặn phải đưa tiền trước 11h ngày 18/12 nếu không thì mất xe. Bức xúc, Đ. cầu cứu Công an TP.HCM và được hỗ trợ. Hiện, vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra. |
Thủy Tiên