(ĐSPL) - Liên quan đến thiết bị phóng xạ bị thất lạc, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mở rộng công tác tìm kiếm.
Mở rộng khu vực tìm kiếm
Theo tin tức từ báo điện tử Đài truyền hình VN, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ngày 7/4, đoàn chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị chức năng đã tìm kiếm nguồn phóng xạ bị thất lạc tại một số cơ sở nấu chì ở Bà Rịa - Vũng Tàu và mở rộng khu vực tìm kiếm đến huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Vũng Tàu: Tăng cường tìm kiếm thiết bị phóng xạ thất lạc.
Trong ngày hôm nay (8/4), đoàn chuyên gia sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi tìm kiếm nguồn phóng xạ bị thất lạc tại một số cơ sở nấu chì, các vựa ve chai tại địa phương và một số khu vực lân cận. Ngoài ra, Cục An toàn bức xạ hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đem máy đo phóng xạ hiện đại vào để dò tìm nguồn phóng xạ Coban- 60.
Kho lưu trữ nguồn phóng xạ chưa bảo đảm về an ninh
Nói về vấn đề quản lý nguồn phóng xạ, trao đổi trên báo Người lao động, ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, sau khi xảy ra vụ việc mất nguồn phóng xạ ở TP.HCM trước đây, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã có kiến nghị sửa đổi Thông tư 23/2010/TT-BKHCN về quản lý nguồn phóng xạ, trong đó yêu cầu các nguồn phóng xạ di động có hoạt động lớn, sử dụng trong chụp ảnh phóng xạ công nghiệp, khi vận chuyển phải có hệ thống giám sát an ninh.
Nguồn phóng xạ thất lạc. |
|
“Điều đó để bảo đảm trong bất kỳ tình huống nào, cơ quan quản lý cũng biết được nguồn phóng xạ đang ở đâu”, ông Tấn giải thích.
Cũng theo ông Tấn, trước khi nhập nguồn phóng xạ, nếu không sử dụng cũng phải có giấy phép để đưa vào kho lưu giữ. Trong trường hợp tháo ra để sửa chữa thì phải thông báo cho bên quản lý biết và xem xét xem họ có chứng chỉ tháo lắp hay không. Nếu hết hạn sử dụng và muốn thay thế nguồn khác, thậm chí vứt bỏ, cũng phải có giấy phép.
“Riêng đối với trường hợp của Công ty Pomina 3, kho lưu trữ nguồn phóng xạ của doanh nghiệp này chưa bảo đảm về an ninh”, ông Tấn nói.
Nguồn phóng xạ Coban-60 bị mất có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe nếu người dân vô tình tiếp xúc trực tiếp lâu dài. Ở khoảng cách tiếp xúc 10cm, nguồn phóng xạ này có thể gây ra liều chiếu xạ gấp hàng chục nghìn lần so với liều chiếu xạ cho phép đối với một người bình thường. Các chuyên gia khuyến cáo, khi nhìn thấy nguồn phóng xạ bị thất lạc mà báo chí đăng tải, người dân không được rút lõi bên trong ra khỏi thiết bị bảo vệ bên ngoài, nên để nguồn phóng xạ càng xa người càng tốt, có thể chôn xuống đất đồng thời báo cho cơ quan chức năng sớm nhất. |
LINH SAN(Tổng hợp)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thiet-bi-phong-xa-bi-that-lac-mo-rong-khu-vuc-tim-kiem-a90139.html