Trong các ngày 1 và 2/4 vừa qua (nhằm ngày mùng 2 và 3/3, Âm lịch), tại thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế) đã diễn ra Lễ hội Điện Huệ Nam (hay còn gọi Điện Hòn Chén). Tham gia Lễ hội đông nhất vẫn là những người theo tín ngưỡng Thiên Tiên Thánh giáo hoặc có sự ảnh hưởng từ tín ngưỡng này.
Những chiếc bằng trên sông Hương tham gia Lễ hội điện Hòn Chén. |
Vua là “đồ đệ” của Thánh Mẫu
Sự ra đời của tín ngưỡng Thiên Tiên Thánh giáo ở Huế xuất phát từ sự gắn kết của Hội Sơn Nam với ngôi điện Huệ Nam thời Nguyễn. Hội Sơn Nam là những người dân từ Nam Định di cư vào Huế từ thời tiền Nguyễn. Tín ngưỡng đặc trưng của hội này là tín ngưỡng thờ Mẫu kết hợp với việc thờ Đạo giáo đã thoái hóa (không thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thái Thượng, Huyền Thiên, Xương Văn, Thái Ất).
Tổng hội Thiên Tiên Thánh Giáo vẫn hương khói nghi ngút khi diễn ra Lễ hội Điện Huệ Nam. |
Còn Huệ Nam điện vốn là ngôi đền thờ PoNagar của người Chăm (hiện tọa lạc tại núi Ngọc Trản, làng Ngọc Hồ, xã Hương Hồ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên – Huế). Tiếp nhận từ người Chăm một di tích tôn giáo độc đáo, người Việt đã “bản địa hóa” nữ thần PoNagar thành nữ thần Thiên Y A Na, tôn làm “thượng đẳng thần”.
Đến thời Nguyễn, ngôi điện này được gọi là “Ngọc Trản Sơn Từ” (đền thờ ở núi Ngọc Trản). Năm Nhâm Tuất 1802, ngay sau khi lên ngôi, vua Gia Long tấn phong cho Mẫu danh hiệu “Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi”. Năm 1886, vua Ðồng Khánh cho xây lại Ngọc Trản Sơn Từ và đổi tên là Huệ Nam Ðiện để tỏ lòng biết ơn Thánh Mẫu Thiên Y A Na đã cho mình làm vua. Và vua đã đưa cuộc lễ hằng năm tại đây vào hàng quốc lễ, tự nhận mình là đồ đệ của Thánh Mẫu.
Tín ngưỡng tự phát, tự túc, tự nguyện
Người theo đạo Thiên Tiên Thánh giáo ở Huế thờ Tam Phủ. Theo họ, thế giới có ba cõi là Thượng thiên, Thượng ngàn và Thủy phủ. Mỗi cõi như thế do một vị Thánh Mẫu cầm đầu, đó là Mẫu Trung Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thủy Phủ. Dưới mỗi Mẫu lại có các Thánh bà hầu hạ mà người ta thường gọi là các Đức Chầu. Dưới quyền sai phái của Mẫu còn có năm vị Quan Lớn từ Đệ Ngũ tới Đệ Nhất, 10 ông Hoàng, 12 Tiên cô, các cậu Quận và những vong linh chết non (sút sảo, tảo vong) hiển linh thường được gọi là các cô Bé hay các Cậu. Ngoài ra, tín ngưỡng này còn thờ cả Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm, Quan Công, Sơn Tinh, Thuỷ Tinh lẫn Đức Thánh Trần Hưng Đạo đại vương.
Ngôi điện chính của Tổng hội, nơi diễn ra Lễ rước Thánh Mẫu xuống các bằng. |
Thiên Tiên Thánh giáo không kinh điển cùng luật lệ chính thức. Sinh hoạt của tín đồ Thiên Tiên Thánh giáo mang tính tự phát, tự túc, tự nguyện. Dăm bảy hoặc vài chục người họp thành “phổ”, cứ đến ngày 14, rằm, 30, mùng 1 âm lịch mỗi tháng thì các tín đồ tới một am miễu nhất định để dâng lễ, cúng cầu, hầu giá. Họ chỉ cữ kiêng vài loại thực phẩm vì “ăn sợ mắc tội” như thịt chó, thịt trâu, bồ câu, cá chép. Tín ngưỡng này còn có nghi thức khá độc đáo là lên đồng.
Lễ hội quan trọng nhất của tín ngưỡng này là lễ hội điện Huệ Nam được tổ chức vào tháng 3 và tháng 7 Âm lịch (xuân thu nhị kỳ). Đó cũng là đại hội hầu bóng lớn nhất trong năm ở Huế.
Vào dịp này, trên sông Hương xuất hiện hàng chục chiếc bằng nối đua nhau trải dài xa tít tắp. Bằng là hai chíếc đò ghép lại với nhau liên kết với nhau bằng những tấm ván lót nằm ngang, tạo nên một mặt bằng rộng rãi. Trước bằng, người ta treo biển đề tên am, tên phổ, chẳng hạn: Kim Đồng Tiên Nữ, Thiên Thai Thuỷ Cảnh, Đài Minh Cảnh, Linh Sơn Điện, Linh Dược Điện, Tân Đức Điện, Hoằng Hoá Điện, Sòng Sơn Vọng Từ... Tất cả đều ngược dòng Hương để cùng tới điểm hẹn linh thiêng.
Đi đầu đoàn rước là thuyền đơn của giám sát Thượng Ngàn để mở đường, tiếp sau là bằng rước Mẫu Thượng Ngàn và rước Quan Thánh để dẹp đường cho bằng của Thánh Mẫu và Hội đồng (Công đồng) đi. Theo sau bằng Thánh Mẫu là bằng của Mẫu thuỷ Cung và các vị thần đi phò Thiên Ya Na. Trên đường từ Huế tới điện Hòn Chén, đoàn rước dừng lại ở chùa Thiên Mụ để cúng Mẫu.
Lên đồng ở Huế. Ảnh tư liệu |
Tiếp đó, sau khi đã đến điện Huệ Nam, những tín đồ và du khách sẽ được tham gia vào các nghi thức chính của lễ hội. Trong đó Lễ rước sắc Thánh Mẫu Thiên Y A Na từ Minh Kính Đài ở điện Huệ Nam lên đình làng Hải Cát bằng đường thuỷ là quan trọng nhất. Suốt đêm sau lễ rước, trên hàng chục bằng án lẫn châu án đỗ dài trước bến đình làng, các ông đồng bà cốt đồng loạt lên đồng. Đó là hình thức Hầu âm, tức hầu không có đàn hát (chầu văn) và Hầu chìm, tức chỉ ngồi nhập đồng, không được nhảy múa. Mỗi cấp bậc của giá đồng có một điệu chầu văn khác nhau. Tuy nhiên, muốn “đủ lễ”, con đồng phải thực hiện 9 giá đồng cơ bản và tùy hoàn cảnh còn phải thực hiện 12 giá đồng phụ. Đến sáng mai đoàn rước lại rước Mẫu hồi loan, trở về núi Ngọc.
Nhiều địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng đặc sắc
Mặc dù đã suy tàn sau thời kỳ đỉnh cao nhưng tín ngưỡng Thiên Tiên Thánh giáo đã kịp để lại dấu ấn trong kiến trúc của Thừa Thiên - Huế. Đầu tiên là ngôi Điện Huệ Nam. Di tích này ngoài giá trị phục vụ tín ngưỡng, tâm linh còn là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Thừa Thiên – Huế.
Điện Huệ Nam là ngôi điện duy nhất có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân xứ Huế và đây cũng là ngôi điện duy nhất ở Huế có sự kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian; giữa lễ hội và đồng bóng; giữa văn hóa tâm linh và mê tín dị đoan. Đây còn là nơi trang trí mỹ thuật đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ XIX.
Mặt bằng kiến trúc của toàn bộ ngôi đền không rộng, gồm điện thờ chính là Minh Kính Ðài nằm ở giữa, mặt hướng ra sông; bên phải là Nhà Quan Cư, Trinh Cát Viên, Chùa Thánh; bên trái là Dinh Ngũ Vị Thánh Bà, bàn thờ Các Quan, động thờ ông Hạ Ban (tức ông Hổ - con cọp), Am Ngoại Cảnh. Dưới bờ sông, cuối đường bên trái là Am Thủy Phủ. Trên mặt bằng kiến trúc ấy, còn có một số bệ thờ và am nhỏ khác nằm rải rác đó đây, như Am Cô Ngọc Lan, Am Trung Thiên...
Tiếp đó là Tổng hội Thiên Tiên Thánh Giáo. Trong Lễ hội điện Huệ Nam, Tổng hội Thiên Tiên Thánh Giáo tọa lạc tại đường Chi Lăng, P. Phú Hậu (TP. Huế) chính là địa điểm tổ chức lễ rước Thánh Mẫu xuống những chiếc bằng trên sông Hương.
Trong đoàn người rước Thánh Mẫu tại Tổng hội, ngoài những tín đồ Thiên Tiên Thánh Giáo ở Huế còn có rất nhiều du khách ngoại tỉnh. Xuất phát từ bến thuyền Tổng hội, những chiếc bằng này dẫn đầu hàng trăm chiếc bằng khác và nhiều loại thuyền bè nối đuôi nhau trên sông Hương ngược đến diện Huệ Nam, tạo nên một cảnh tượng hoành tráng không có lễ hội sông nước nào ở Thừa Thiên - Huế sánh kịp.
Theo quan sát, Tổng hội Thiên Tiên Thánh Giáo vì mới được xây vào thập niên 60 của thế kỷ XX và may mắn không bị chiến tranh tàn phá nên những kiến trúc tâm linh vẫn còn khá nguyên vẹn. Đó là ngôi điện thờ chính rất bề thế với hệ thống tâm linh thờ cúng rất đặc trưng của Thiên Tiên Thánh Giáo, chiếc đại hồng chung đánh vào âm rất vang, hang động thờ cúng bí hiểm, hệ thống am thờ độc đáo, tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát nhân từ che chở cho cư dân vùng sông nước Hương Giang…
Bên cạnh hai di tích nói trên, đình làng Hải Cát (xã Hương Thọ, huyện Hương Trà) và Miếu Long Thuyền (nơi tưởng nhớ những thủy binh phục vụ hoàng triều Nguyễn) nằm ở mặt Nam Kinh Thành Huế (gần Phu Văn Lâu) cũng từng là nơi sinh hoạt của hội Thiên Tiên Thánh Giáo.
Nguyễn Văn Toàn