Lúc 10h sáng 18/6, các thí sinh thi vào lớp 10 Hà Nội năm 2022 đã kết thúc bài thi văn và rời phòng thi. Phần lớn thí sinh chia sẻ đề không khó và các em làm bài được.
Cô giáo Hoàng Tuệ Minh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THCS Giảng Võ (Quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết trên TTXVN, thì đề thi Ngữ văn năm nay rơi vào chương trình học kỳ II khi học sinh được đi học trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh. Đề thi cũng bàn đến một vấn đề xã hội là lối sống đẹp và tâm hồn đẹp. Đây là một đề thi cơ bản, vừa sức với thí sinh. Điều đáng tiếc ở đề thi là hơi khó phân loại học sinh. Nếu học sinh làm bài một cách thận trọng thì điểm thi sẽ khá tốt.
Tuy nhiên, cô giáo Hoàng Tuệ Minh cho rằng: "Đây cũng chỉ là dự đoán vì điểm thi còn phụ thuộc khá nhiều vào đáp án chấm. Đáp án chấm môn Ngữ văn rất quan trọng. Có thể đáp án sẽ chia nhỏ các phần để chấm điểm. Nhưng tôi khẳng định điểm Ngữ văn năm nay sẽ không thấp”.
Đánh giá chung về đề thi, cô giáo Hoàng Tuệ Minh cho rằng: “Đây là một đề thi có tính liên kết, học sinh rất dễ viết. Điều hay ở đề thi này là có chủ đề và tính liên kết giữa hai phần Nghị luận văn học và Nghị luận xã hội. Một phần nói về mùa xuân của đất nước, phần sau nói về vẻ đẹp của con người. Tôi khá thích thú với một đề có tính chủ đề như thế này".
Còn theo các thầy cô giáo ở tổ Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI, cấu trúc đề của thành phố Hà Nội vốn có đặc trưng riêng và vẫn giữ ổn định nhiều năm, năm nay cũng không ngoại lệ. Do thời gian làm bài quay trở về 120 phút nên số lượng câu hỏi thành phần tăng so với đề thi 2021 - 2022 (với thời gian 90 phút) là điều tất yếu.
Kiến thức Văn học và Tiếng Việt trải ra ở cả hai học kì, tuy nhiên trọng tâm vẫn rơi vào nội dung của Học kì II, phù hợp với tình hình “đặc biệt” của năm học 2021 - 2022. Dự kiến kiến phổ điểm trung bình không thấp, có thể từ 6.5 - 7.5 điểm.
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2022 môn Văn vẫn giữ nguyên cấu trúc đề như mọi năm, gồm 2 phần. Phần I (6,5 điểm): Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải là một văn bản có giá trị, ngữ liệu trong đề đã bóc tách được những câu thơ, đoạn trích xác đáng để đưa vào các câu hỏi thành phần.
Một phần của câu hỏi 1 tương đồng với câu hỏi 1 trong phần hướng dẫn đọc hiểu văn bản trong SGK Ngữ văn 9, tập 2 (tr.57), rất quen thuộc với học sinh. Tuy vậy, câu hỏi số 3 nhiều khả năng liên quan đến 1 văn bản thuộc phần “Khuyến khích học sinh tự đọc” trong Phụ lục 2 của Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH mà học sinh có thể lựa chọn trong lúc làm bài.
Còn phần II (3,5 điểm) được đánh giá đã xuất hiện nhiều lần trong các đề thi thử sức. Với ngữ liệu quen thuộc và đoạn trích rất ngắn, việc các câu hỏi thành phần và vấn đề nghị luận xã hội được nêu ra rất quen thuộc với thí sinh là điều có thể dự báo trước.
Việt Hương (T/h)