Thị trường thuốc Y học cổ truyền đang phát triển “nở rộ” do tâm lý người bệnh cho rằng muốn trị bệnh tận gốc cần tìm đến y học phương Đông. Tuy nhiên, để tìm được cơ sở chữa bệnh y học cổ truyền uy tín quả như đốt đuốc tìm vàng trong thời buổi “vàng thau lẫn lộn”.
Thị trường “nóng”, Thủ tướng chỉ thị
Trước tình hình nhiều đơn vị, cơ sở y học cổ truyền cung cấp sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có Chỉ thị tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Nhiều bệnh nhân chuộng điều trị bằng thuốc Đông y nhưng phải "đau đầu" tìm cơ sở uy tín. |
Chỉ thị cho hay, các đối tượng vi phạm đã lợi dụng những bất cập về cơ chế chính sách, hạn chế của người tiêu dùng để sản xuất, phân phối, hình thành các đường dây, băng nhóm sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nói trên. Những mặt hàng, dịch vụ này nếu không đạt tiêu chuẩn và được kiểm soát sẽ gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ Y tế, Bộ Công an, Quốc phòng, Khoa học & Công nghệ, Bộ Tài chính, Thông tin & Truyền thông…kiểm soát đối với nguồn gốc, chất lượng của các nguyên liệu, các sản phẩm chăm sóc nâng cao sức khỏe con người.
Quản lý, thanh kiểm tra nguồn dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Đồng thời, Thủ tướng chỉ thị xử lý nghiêm minh các đơn vị vi phạm.
Chỉ nói riêng về lĩnh vực thuốc y học cổ truyền, nhiều bệnh nhân vì tin lời truyền miệng, mua thuốc chữa bệnh không rõ nguồn gốc mà “tiền mất tật mang” như trường hợp chị Trần Thanh Nhàn (Thái Thịnh, Hà Nội). Chị Nhàn kể, chị bị viêm xoang lâu năm, chỉ cần thay đổi thời tiết là đỉnh đầu đau buốt, mũi bên phải ngạt, hốc mắt phải nhức, có khi còn bị sốt. Đi khám Tây y, chụp X quang, bác sĩ nói chị bị viêm xoang mãn tính và mỗi đợt cấp đều phải dùng kháng sinh.
Chị Nhàn được bạn giới thiệu nên mua một loại thuốc Đông y dạng bột trắng, trên tờ nhãn đề là thuốc V.T. Sau khi dùng một thời gian thấy đỡ, chị muốn cho con uống. Nhưng vì con còn nhỏ, chị mang thuốc đi kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, thuốc có thành phần corticoid. Do đó, sức khỏe người bệnh bị ảnh hưởng nếu mua phải thuốc “dởm” đội lốt thuốc y học dân tộc.
Không chỉ có thuốc Đông y “rởm”, nhiều cơ sở Đông y không có giấy phép hoạt động mà ngang nhiên nhận bệnh nhân để chữa khiến người bệnh lao đao, các bệnh viện đau đầu.
Một cán bộ Phòng Chính trị viện Bỏng Quốc gia đã thông tin đến báo Đời sống & Pháp luật về trường hợp cò mồi đến tận viện Bỏng, lôi kéo bệnh nhân đến khám tại cơ sở chữa bệnh của “thầy thuốc” Nguyễn Hùng Sơn. Với trường hợp này, bệnh viện đã có biện pháp tuyên truyền nhưng người nhà bệnh nhân vẫn “mắc bẫy”.
Như trường hợp của cháu Trần Việt Trung, ở Quảng Trị bị bỏng nặng một nửa người. Bị cò mồi của cơ sở chữa bệnh này lôi kéo mà bỏ viện để sang cơ sở của Hùng Sơn chữa bệnh. Bệnh không thuyên giảm mà các vết bỏng của cháu Trung co rút, cánh tay bị dính.
“Đốt đuốc” tìm “vàng”
Khi có bệnh tật, một câu hỏi đặt ra là khám ai và khám ở đâu để khỏi bệnh? Tâm lý có bệnh là vái tứ phương nên ai mách chỗ nào chữa là bệnh nhân tìm đến. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn tìm được đúng chỗ.
Về thực trạng thị trường thuốc dân tộc hiện nay, ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc dân tộc trăn trở: Việt Nam có rất nhiều bài thuốc giá trị được cha truyền con nối. Tuy nhiên, không phải bài thuốc nào cũng thật sự tốt như quảng cáo. Một số người, một số cơ sở đã lợi dụng chữ “thuốc dân tộc”, lợi dụng lòng tin của bệnh nhân “đánh lừa” bệnh nhân khiến nhiều cơ sở y học cổ truyền làm ăn nghiêm túc bị ảnh hưởng uy tín.
Bệnh nhân đến khám tại Công ty Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc dân tộc |
Ông Hưng cho rằng, các cơ sở được nhà nước cấp phép hoạt động với những chuyên gia đầu ngành y học cổ truyền từng công tác tại các bệnh viện lớn luôn là chỗ đáng tin cậy đối với bệnh nhân.
Khi phóng viên hỏi làm thế nào để tìm được đúng nơi chữa bệnh có chất lượng, ông Nguyễn Quang Hưng tư vấn: Trước tiên, người bệnh nên tìm hiểu xem cơ sở khám chữa bệnh đó có được Bộ/Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh hay không? Những thầy thuốc ở cơ sở đó có phải những người đã được đào tạo và được cấp chứng chỉ hành nghề y?
Phóng viên ngỏ ý muốn xem những loại giấy phép này và làm sao để bệnh nhân có thể biết cơ sở khám chữa bệnh này có giấy phép. Ông Hưng không ngại ngần cho phóng viên tham khảo tài liệu này. Theo đó, Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền, thuộc Chi nhánh Công ty CP Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc dân tộc có giấy phép kinh doanh, giấy phép hoạt động số 629/SYT-GPHD do Sở Y tế cấp ngày 18/7/2016.
Ông Hưng cho hay, bệnh nhân bây giờ là khách hàng. Vì vậy, khi đến khám chữa bệnh, không nên ngần ngại hỏi cơ sở khám chữa bệnh về cung cấp giấy phép hoạt động. Nếu là cơ sở hoạt động nghiêm túc và tuân thủ pháp luật, cơ sở sẽ không ngần ngại cung cấp thông tin.
Một vấn đề bệnh nhân quan tâm là đội ngũ y bác sĩ và những bài thuốc chữa bệnh có thật sự chất lượng?
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc dân tộc tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc dân tộc được thành lập bởi những bác sĩ giàu tâm huyết với Y học cổ truyền. Trong đó, có bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Anh, bác sĩ Trần Quang Minh, bác sĩ Trịnh Thị Hà.
Tháng 6/2016, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan, Nguyên Trưởng khoa nội, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện YHCT Trung ương về đảm nhiệm vị trí Giám đốc chuyên môn Công ty CP Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc dân tộc, cùng nhiều y bác sĩ tên tuổi khác như Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, nguyên Trưởng khoa nội bệnh viện YHCT Trung ương, Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Lê Hữu Tuấn, nguyên phó Giám đốc TT công nghệ cao bệnh viện YHCT Trung ương, cùng rất nhiều các y bác sĩ giỏi tâm huyết với nghề.
Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh đang khám cho bệnh nhân. |
Như ông Hưng trao đổi, người Việt Nam có nhiều bài thuốc gia truyền hay. Tuy nhiên, bài thuốc đã trải qua hàng trăm năm. Nguồn dược liệu xưa đã khác nay do vấn đề điều kiện thổ nhưỡng thay đổi. Ông Hưng và các cộng sự đã khổ công sưu tầm các bài thuốc, đề nghị chuyển giao để nghiên cứu phát triển bài thuốc cho phù hợp tình trạng bệnh, thể trạng từng bệnh nhân thời nay. Từ đó, bài thuốc được phát huy tác dụng tối đa. Con người thay đổi, bài thuốc cần thay đổi, các bác sĩ tại đơn vị này đã nghiên cứu để gia giảm và thêm bớt các vị thuốc trong bài thuốc rồi đánh giá qua lâm sàng nên hiệu quả điều trị của bài thuốc được tăng lên.
Đến nay, Công ty Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc dân tộc đã sưu tầm được hơn 100 bài thuốc cổ phương, ứng dụng thành công nhiều bài thuốc vào công tác khám chữa bệnh, cho kết quả điều trị cao và bền vững. Các bài thuốc chữa bệnh cơ xương khớp, bệnh dạ dày, đại tràng, yếu sinh lý, bệnh mề đay mẩn ngứa, bệnh viêm xoang, viêm họng, viên amidan, viêm da… nhận được nhiều phản hồi tích cực của giới chuyên gia và người bệnh.
Hữu Bằng