Các kênh đầu tư khác bế tắc
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), 11 tháng đầu năm 2021, có hơn 4 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán, tăng hơn 2 triệu tài khoản so với cuối năm 2019.
Chỉ riêng tháng 11 ghi nhận lần đầu có hơn 220.000 tài khoản mở mới. Con số này nhiều hơn tổng tài khoản mở mới trong cả năm 2019 (192.567 tài khoản). Lượng tài khoản mới tham gia thị trường chứng khoán đã tăng tháng thứ 4 liên tiếp.
Đối thoại chuyên đề: "Thị trường chứng khoán với gói kích thích kinh tế: Cú hích tăng trưởng và rủi ro bong bóng" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức đã diễn gia với sự tham gia của nhiều chuyên gia để cùng thảo thuận nguyên nhân dẫn đến lượng nhà đầu tư cá nhân tăng mạnh và lo ngại đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán thời gian qua.
TS. Võ Đình Trí - Giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, IPAG Business School, Thành viên AVSE Global cho biết hiện tượng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà tại Mỹ, Indonesia, Malaysia hay gần đây là Thái Lan cũng xảy ra tình trạng tương tự. Theo TS. Võ Đình trí, chính tình trạng "chạy đua" giảm lãi suất hỗ trợ kinh tế của các ngân hàng đã kích thích nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường.
Ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Công ty Chứng khoán KB cho rằng lý do 2 năm qua, nhà đầu tư mới tham gia tăng do các kênh đầu tư khác "bế tắc". Họ tìm đến kênh chứng khoán, nơi có tốc độ thanh khoản tốt. "Giá trị tài khoản của nhà đầu tư đủ loại, từ vài triệu đến vài tỷ đồng. Sức nóng của nhà đầu tư F0 sẽ tăng mạnh chứ không chỉ đạt đỉnh trong ngắn hạn. Đây là xu thế chung trên thế giới, không chỉ diễn ra riêng tại Việt Nam" - ông Nhân cho hay.
Đặc biệt, theo ông Nhân, gần đây có thêm lớp nhà đầu tư F0+n - người từng thất bại ở đỉnh chứng khoán giai đoạn 2006-2007. "Những ký ức xấu trong quá khứ về thị trường chứng khoán khiến suốt nhiều năm qua họ không tham gia nhưng thời gian gần đây họ mon men trở lại" - ông nói.
Ông Nhân đánh giá các F0 đa phần trẻ, sinh năm 9x, do chưa từng đầu tư nên ký ức xấu không có, người ta dám chấp nhận thử thách. "Họ mong có kênh đầu tư lãi nhanh, tăng giá mạnh, đa phần đến với thị trường với mong muốn lúc đầu là cao hơn tiết kiệm, nhưng sau 2-3 tháng khi tài khoản có lời, tâm lý bắt đầu thay đổi và chấp nhận phiêu lưu" - ông Nhân nói thêm.
Vai trò của nhà đầu tư cá nhân trở nên quan trọng
Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinGroup cho biết, tăng trưởng tiền gửi ngân hàng hiện thấp nên dòng tiền chuyển sang nhiều kênh khác, trong đó có chứng khoán và đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp.
"Dù có giới hạn nhà đầu tư chuyên nghiệp nhưng theo con số Bộ Tài chính công bố, tổng giá trị đầu tư của nhóm nhà đầu tư cá nhân lên tới 30% giá trị trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành" - ông Thuân cho hay.
Ông Thuân nhận định, vai trò của nhà đầu tư cá nhân ngày càng trở nên quan trọng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, không chỉ thể hiện ở phần trăm giao dịch mà còn thay đổi theo diễn biến tâm lý của nhà đầu tư trước tin tức thị trường.
Theo ông, trước đây, tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu thuộc về tổ chức, tài khoản cá nhân nước ngoài ít nhưng hiện giao dịch của nhóm này đã biến động mạnh. "Nhà đầu tư cá nhân nước ngoài không chỉ mua tích dài hạn nữa mà họ giao dịch hàng ngày, hàng tuần, "lướt sóng" rất nhiều" - ông nói. Các quỹ lớn hiện cũng "lướt sóng" nhiều nên thị trường khó đoán hơn giai đoạn 10-15 năm trước.
"Nếu nhìn cơ cấu nhà đầu tư, có hiện tượng khi thị trường đi xuống, nhà đầu tư nước ngoài chưa chắc bán. Đôi khi, chính nhà đầu tư trong nước hoảng loạn, họ sẽ bán nhưng nhóm nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua vào" - ông cho hay.
TS. Quách Mạnh Hào - Giảng viên Đại học Lincoln, Vương quốc Anh, Nhà sáng lập QMV Group cũng đồng tình về vai trò của nhà đầu tư cá nhân trong thị trường chứng khoán. "Thị trường so với trước đây có nhiều thay đổi, từ quy mô thị trường, nền tảng đầu tư... nhưng có một thứ không thay đổi là tâm lý nhà đầu tư".
Ông Hào cho biết đã trải qua 3 giai đoạn 2005-2006, 2008-2009, 2017-2018, thời điểm thị trường chứng khoán bùng nổ. "Tất cả những điều tôi nhìn thấy ở các nhà đầu tư những giai đoạn chứng khoán bùng nổ trước đều đang lặp lại, diễn ra theo đúng kịch bản liên quan đến chu kỳ của ngành và dòng tiền" - ông nhận định.
"Khi định giá chứng khoán, chúng ta cần quan tâm đến tỉ suất chiết khấu hay mức độ rủi ro của thị trường. Đáng chú ý, kể từ khi thông tin về gói hỗ trợ được hàm ý đưa thông qua các phát biểu của chính khách, chuyên gia kinh tế, mức độ rủi ro chung trên thị trường có xu hướng giảm. Khi đó, định giá tài sản được dâng lên. Đây một trong những yếu tố giúp chứng khoán thời gian gần đây tiếp tục tăng vọt" - ông nói thêm.
Theo ông, nhà đầu tư đang kỳ vọng tích cực vào gói hỗ trợ kinh tế, điều này kéo theo sự tăng trưởng tích cực của thị trường chứng khoán.
Giai đoạn thận trọng đang đến gần
Ông Nguyễn Đức Nhân cho rằng kiến thức nhà đầu tư được nâng cao so với trước đây khiến thị trường phát triển lên tầm cao mới. "Nhiều nhà đầu tư có tư duy phân bổ tài sản, ngoài bất động sản thì họ còn đầu tư vào chứng khoán, họ hiểu đầu tư chứng khoán như là làm chủ doanh nghiệp, tư duy tiến bộ rõ rệt".
"Chưa kể, thị trường có thêm nhiều sản phẩm phái sinh, chứng quyền. Nhà đầu tư có nhiều công cụ tham gia thị trường hơn. Họ được tiếp cận thông tin bên ngoài nhiều hơn thì kiến thức nhiều hơn những giai đoạn trước" - ông nói.
Tuy nhiên, theo ông, khách hàng mới đầu tư chủ yếu là những người trẻ muốn làm giàu nhanh, thích cổ phiếu tăng "nóng". Họ có nhiều thời gian phía trước để có thể làm lại từ đầu nếu vấp ngã với khát khao làm giàu. "Tôi đã mất khách bởi áp lực tư vấn khó, không thể nào tư vấn khách đầu tư những mã mà nội tại doanh nghiệp không có gì cả nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh. Suốt 2-3 tháng gần đây, những chuyên gia như tôi đều đầu tư lợi nhuận không hiệu quả bằng những nhà đầu tư mới trong giai đoạn thị trường tăng trưởng như vừa qua" - ông cho hay.
"Trong các buổi nói chuyện, tôi lấy hình tượng những con bò bố mẹ leo túc tắc lên đỉnh núi, còn đám bò con mải chơi lưng chừng núi nhưng khi bố mẹ khuất núi thì đám bò con lúc này không thấy bố mẹ đâu mới chạy hùng hục lên đỉnh. Sau khi thấy bố mẹ rồi lại chạy vù qua mặt bố mẹ để xuống trước" - ông Thuân lấy ví dụ.
Theo ông, nhóm bố mẹ là nhóm cổ phiếu tốt nhất trên thị trường VN30 túc tắc đi lên tạo đỉnh rồi thủng thẳng đi xuống. Lúc đó, đám cổ phiếu "rơm rác" chạy lên đỉnh rồi lao xuống dốc tốc độ cao, việc này dẫn đến mất thanh khoản.
"Đó là dấu hiệu cảnh báo trường hợp rủi ro. Những người thiệt hại không phải là mua đúng đỉnh, nhà đầu tư mua đúng đỉnh biết lỗ mà đi ra ngay thì không sao, nhưng những người thua lỗ nặng nhất chính là những người khi giá cổ phiếu trên đường đi xuống mà liên tục trading mới là những người thua lỗ nặng" - ông nói.
TS. Quách Mạnh Hào cho biết, dữ liệu ở 5 tháng gần đây của thị trường chứng khoán cho thấy dòng tiền chảy vào nhóm rủi ro cực kỳ lớn. "Dòng tiền vào nhóm cổ phiếu được cho là an toàn nhất vẫn tăng, nhưng so với 2 nhóm rủi ro và trung tính thì không bằng. Tôi cho rằng, giai đoạn thận trọng đâu đó đã đến rất gần" - ông Hào nói.
Thu Thảo
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (44)