Đợt thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 đầu tiên được tổ chức vào cuối tháng Năm, đang đính kèm những băn khoăn, lo ngại về thực lượng, bởi hình thức tổ chức kiểm tra khảo sát trực tuyến sẽ khó đảm bảo kết quả thi hoàn toàn không xảy ra gian lận.
Thi thử tốt nghiệp trực tuyến tại nhà có thể không phản ánh đúng thực chất. |
Kết quả khó thực chất
Học sinh lớp 12 tại các trường THPT trên địa bàn TP.Hà Nội chính thức bước vào đợt thi khảo sát trực tuyến đầu tiên từ ngày 29-31/5, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra vào tháng Tám tới. Theo đó, sở GD&ĐT Hà Nội quy định, học sinh thi bằng hình thức trực tuyến, thông qua phần mềm hanoistudy. Đề thi do Sở phụ trách, các trường bố trí cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ giám sát việc học sinh dự kiểm tra, phối hợp phụ huynh theo dõi việc làm bài thi của học sinh.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Ngay sau khi nhận được văn bản của Sở, trường có kế hoạch triển khai, phân công ca trực giám sát theo các khung giờ thi. Sáng ngày 27/5, sau khi nhận tài khoản và mật khẩu từ Sở, trường cũng đã chuyển cho các giáo viên chủ nhiệm, hướng dẫn học sinh các bước tiến hành để tham gia thi trong hai ngày 27- 28/5. Quan điểm của nhà trường là đánh giá đúng kiến thức của học sinh, giúp các em định hướng ôn tập tốt cho kỳ thi tốt nghiệp”.
Bên cạnh đó, bà cũng bày tỏ mối lo ngại: “Dù tham gia bất kỳ hình thức thi nào, cũng có thể xảy ra gian lận. Hình thức thi trực tuyến tại nhà và công nghệ như hiện nay cũng dễ dàng gian lận, nhà trường khó kiểm soát hơn...”.
Chia sẻ quan điểm với PV ĐS&PL về hình thức thi lần này, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán trường THPT Lương Thế Vinh tỏ rõ những băn khoăn về việc học sinh có thực sự tự giác, nghiêm túc khi làm bài khảo sát trực tuyến: “Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường bố trí giáo viên giám sát việc học sinh dự kiểm tra nhưng việc giám sát sẽ ra sao khi các em làm bài ở nhà, thầy cô không thể đến nhà từng em để theo dõi được. Khi học trực tuyến vì dịch Covid-19 đã có không ít em “qua mặt” giáo viên bằng cách tắt camera. Vậy, liệu thi ở nhà có đảm bảo các em sẽ trung thực làm bài không?”.
Với hơn 85.000 học sinh lớp 12 Hà Nội tham gia bài khảo sát kỳ thi chỉ có ý nghĩa với không quá 20% số thí sinh. “Thực tế, trong kỳ thi tốt nghiệp tới đây, thí sinh làm bài trực tiếp trên giấy chứ không phải thi qua máy tính. Việc thi thật cũng sẽ đảm bảo tính trung thực hơn khi có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ coi thi và sự giám sát lẫn nhau của học sinh. Chưa kể, để hơn 85.000 học sinh lớp 12 của Hà Nội có đủ điều kiện làm bài khảo sát vào cùng một thời điểm không dễ bởi còn phụ thuộc vào điều kiện thiết bị, mạng internet... liệu có thể đáp ứng?”, thầy Tùng phân tích.
Sau khi chỉ ra hình thức thi khó đảm bảo tính trung thực, vị giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh cũng nhấn mạnh thêm: “Đây là phương thức kiểm tra đánh giá tôi không đồng tình! Qua trao đổi, các giáo viên đều thấy thi kiểu này là không hợp lý, lợi bất cập hại... Kết quả không phản ánh đúng thực lực sẽ gây ra những “ảo tưởng” cho học sinh, giáo viên rất khó để đánh giá chính xác chất lượng học sinh”.
Thi thế nào để phản ánh đúng chất lượng?
Trao đổi với tạp chí ĐS&PL, GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân nhận định: “Nếu muốn tổ chức thi trực tuyến tại nhà, cần đảm bảo xây dựng ngân hàng đề thi cho học sinh cùng lớp, mỗi học sinh một mã đề, như vậy sẽ tránh được việc quay cóp tại chỗ...”. GS.TS Võ Tòng Xuân còn nhấn mạnh: “Đã là kỳ thi thì cần tổ chức sao cho khoa học, có hiệu quả, nếu chỉ tổ chức mang tính hình thức, không kiểm tra được tính hiệu quả, không đánh giá được thực chất, thì chỉ càng tốn kém thời gian, công sức của cả thầy và trò, không cần thiết!”.
Trao đổi về vấn đề này, thầy Trần Mạnh Tùng cũng đề xuất không cần thiết tổ chức đến 3 lần kiểm tra khảo sát. “Kỳ thi trực tuyến cuối tháng Năm này rất “vô duyên”. Tôi hy vọng, nếu được, học sinh lớp 12 sẽ có buổi kiểm tra khảo sát trực tiếp tại trường vào khoảng tuần thứ ba của tháng Sáu, để kịp thời định hướng ôn thi cho kỳ thi chính thức”. Cô Bùi Thị Lan Anh, giáo viên trường THPT Việt Đức bày tỏ: “Nhà trường cần quán triệt để học sinh tự giác, nghiêm túc khi làm bài thi, hiểu được kết quả của đợt khảo sát này không lấy làm kết quả kiểm tra cuối kỳ, định kỳ mà nhà trường thông qua đó để có kế hoạch điều chỉnh phương pháp ôn tập phù hợp cho học sinh, nhằm phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp tới”.
Có thể lấy kết quả làm điểm kiểm tra thường xuyên Mỗi học sinh sẽ thực hiện 3 bài thi, với 2 môn bắt buộc là Toán, tiếng Anh; và thêm 1 trong 2 bài thi tổ hợp: Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Học sinh không bắt buộc phải lấy điểm kiểm tra khảo sát (tùy điều kiện từng trường có thể lấy kết quả khảo sát làm điểm kiểm tra thường xuyên, tuyệt đối không được lấy vào điểm kiểm tra định kỳ theo quy định). Học sinh làm bài khảo sát qua 3 đợt, trong đó đợt 1 từ ngày 29-31/5; đợt 2 từ ngày 19-21/6; đợt “ 3 từ ngày 10-12/7/2020. |