+Aa-
    Zalo

    Thí sinh quay lưng với môn Sử: Đã đến mức “báo động đỏ”?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - “Học sinh ít chọn môn Sử là điều đáng báo động, đã đến mức “báo động đỏ”, cho toàn xã hội", PGS.TS Trịnh Đình Tùng, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam lên tiếng.

    (ĐSPL) - “Học sinh ít chọn môn Sử là điều đáng báo động, đã đến mức “báo động đỏ”, cho toàn xã hội", PGS.TS Trịnh Đình Tùng, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam lên tiếng.

    Nhiều điểm thi tốt nghiệp THPT 2014 “trắng” thí sinh thi Sử, có điểm chỉ có một vài thí sinh đi thi... Vì sao thí sinh lại quay lưng với môn học ý nghĩa này?

    “Học sinh” ám ảnh môn Sử

    Nhiều năm trước, người làm giáo dục lo lắng trước những bài thi đại học môn Sử điểm 0, điểm liệt... Có năm, số thí sinh thi khối C với điểm Sử cực thấp làm rúng động cả nền giáo dục. Người ta tốn không biết bao nhiêu giấy mực để mổ xẻ nguyên nhân, tìm ra lỗi để trả lời cho câu hỏi “vì sao học sinh ngại Sử”.

    Theo em Nguyễn Đức Cương, học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội): “Em học khối C nhưng em tự chọn môn Địa và môn tiếng Anh vì em sợ thi môn Sử bị điểm kém. Môn Sử quá dài, cả phần lịch sử trong nước và quốc tế, em chưa ôn hết cả 2 kỳ nên em không dám thi. Môn Địa dễ hơn vì được mang Atlat vào và có câu vẽ bản đồ, câu lý thuyết chỉ 5 điểm thôi”.

    Thí sinh quay lưng lại môn Sử là sự báo động toàn xã hội
    Thí sinh thi sử, 1 mình 1 Hội đồng thi.

    Em Nguyễn Ngọc Bích, học sinh trường THPT Lô-mô-nô-xốp (Hà Nội) chia sẻ: “Em thi khối A1, em chọn môn Vật lý và Hóa học thi, em rất vui vì năm nay được tự chọn môn, em chỉ lo lại phải thi Sử như mấy năm trước thì rất vất vả ôn. Môn Sử là ác mộng với dân khối A”.

    Nhiều ý kiến học sinh cho rằng học lịch sử vì “sợ năm nay sẽ thi tốt nghiệp môn Sử” hoặc “để lấy điểm làm kiến thức xã hội”.

    Nhiều giáo viên dạy Sử băn khoăn tìm “lối đi” cho môn học đang “đi lùi” này, kiểu học đọc-chép giống như nước đổ đầu vịt, nay thuộc mai quên, đến kỳ thi lại học lại từ đầu đúng là làm khó cho các em. 

    “Báo động đỏ” cho ngành giáo dục?

    Trước những thực tế như học sinh thi đại học Khối C bị điểm liệt, học sinh ăn mừng, xé đề cương môn Sử khi môn này không nằm trong thi tốt nghiệp năm 2013, và mới đây nhất là nhiều hội đồng thi chỉ có 1 thí sinh thi môn Sử, PGS.TS Trịnh Đình Tùng, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận xét: “Học sinh ít chọn môn Sử là điều đáng báo động, đã đến mức “báo động đỏ” cho toàn xã hội, cho những người quản lý ở Bộ GD-ĐT, các thầy cô giáo trong ngành giáo dục".

    Các giáo viên dạy Sử hiện nay rất bức xúc vì môn Sử không được đặt ở đúng giá trị của nó. Các giáo viên như công dân loại 2 mà họ vẫn cứ dạy. Nếu để cho tự chọn môn thi tiếp, thì năm sau vẫn sẽ xảy ra tình trạng như năm nay”.

    Thí sinh quay lưng lại môn Sử là sự báo động toàn xã hội
    GS sử học Phan Huy Lê lo lắng về sự báo động môn Sử với toàn xã hội.

    Học sinh không thích môn sử là thực trạng phổ biến nhiều năm nay và có thể kéo dài trong cả thời gian tới. "Đây là thực trạng rất đáng buồn, rất đáng lo ngại”, GS. Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam lo lắng.

    Trước thực trạng học sinh thi tốt nghiệp môn Sử ít, GS Phan Huy Lê cho biết, dư luận có hai xu hướng. Xu hướng thứ nhất là lo lắng vị thế môn xã hội thấp xuống và làm ảnh hưởng đến việc học sử. Xu hướng thứ hai cho rằng không nên quá lo lắng, học sinh phải tính toán liên quan đến thi đại học và đa số các em thi khối A, B, D nên không chọn sử là sự tính toán thông minh, tất yếu.

    "Cá nhân tôi hoàn toàn không ngạc nhiên khi học sinh sẽ bỏ môn Sử, Địa và chọn các môn tự nhiên. Nhưng ở phương diện khác, tôi nhấn mạnh, cách đổi mới thi của Bộ sẽ làm cho môn Sử nói riêng và các môn xã hội nói chung bị hạ thấp, coi đó là những môn phụ. Học sinh xác định không thi môn Sử sẽ không học môn này. Hiện chúng ta chưa thực hiện phân ban, cấp trung học phổ thông vẫn yêu cầu phải giáo dục toàn diện", GS Phan Huy Lê nói.

    Trước đó, tại cuộc họp báo chiều 4/6, trả lời câu hỏi báo chí về việc trong lộ trình đổi mới tự chọn môn thi, sẽ dẫn đến trường hợp không có thí sinh dự thi môn Lịch sử, Bộ GD-ĐT có tính đến phương án “trắng” không có thí sinh thi môn Sử không, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển giải thích:

    “Nhiều Hội đồng không có thí sinh thi Sử không có gì là quan trọng. Việc chọn môn thi còn phụ thuộc vào sự phân hóa đầu ra, cơ hội nghề nghiệp. Học sinh không thi Sử không phải là học sinh không yêu thích Sử, không đánh giá được sự chất lượng môn Sử. Học sinh thi khối A thì không chọn môn Sử là đúng rồi.”

    Nói thêm về việc nhiều điểm thi chỉ có 1 thí sinh thi Sử mà có tới 20 cán bộ phục vụ, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT nói: "Các Hội đồng thi không nên quá máy móc, phải linh động nếu học sinh đồng ý thì gửi em sang trường bên cạnh thi, còn nếu học sinh không đồng ý thì vẫn tổ chức thi bình thường tại trường".

    Thí sinh đi thi Sử như đi học nhóm

    Trong buổi thi môn Lịch sử, tại nhiều hội đồng thi ghi nhận tình trạng “trắng” thí sinh, cá biệt có hội đồng chỉ có 1 thí sinh dự thi.

    Trước đó theo thống kê của Bộ GD-ĐT số lượng thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp 2014 thấp nhất là môn Lịch sử với 104.959 thí sinh đăng ký thi, chiếm 11,52\%. Tuy nhiên số lượng thí sinh dự thi chỉ có 104.465 thí sinh, có đến 494 trường hợp bỏ thi.

    Tại Hà Nội, chiều 2/6, ở hội đồng thi THPT Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội), Phạm Khánh Linh là thí sinh duy nhất dự thi môn Lịch sử. Dù chỉ có 1 thí sinh dự thi nhưng hội đồng thi này vẫn bố trí 19 người phục vụ buổi thi môn Sử, bao gồm lãnh đạo hội đồng, cán bộ an ninh, bảo vệ, thanh tra, giám thị.

    Thí sinh dự thi môn Lịch sử tại Hội đồng thi trường THPT Hà Đông (Hà Nội) là 7, nhưng 1 em bị ốm chỉ còn 6 thí sinh thi.

    Cá biệt như tỉnh Hưng Yên, có tới 15/36 hội đồng thi không có thí sinh thi sử. Hội đồng thi THPT Hồng Đức (Mỹ Hào) chỉ có 1 thí sinh thi sử. Một số hội đồng khác cũng chỉ có vài ba thí sinh.

    Tại trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, mặc dù đã sát giờ thi nhưng cũng chỉ lác đác thí sinh vào các phòng thi. Tại đây có 33 thí sinh của trường đăng ký thi môn Lịch sử.

    Tại TP Huế, nhiều hội đồng thi trong TP Huế chỉ lác đác thí sinh, trong đó hội đồng thi Trường Trần Cao Vân chỉ 9 thí sinh.

    Tại Đà Nẵng, có 2 hội đồng thi chỉ có 3 thí sinh đăng ký thi Lịch sử: Hội đồng thi THCS Lý Thường Kiệt và Nguyễn Lương Bằng. Thậm trí, có 1 Hội đồng thi “trắng” thí sinh thi môn Sử là trường THCS Trần Hưng Đạo.

    Tại TP Hồ Chí Minh, thí sinh đi thi Sử như đi học nhóm. Trường thi vắng tanh, chỉ một nhóm học trò ngồi chờ để vào phòng thi. Nhìn vào trường, không ai có thể nghĩ đang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thi-sinh-quay-lung-voi-mon-su-da-den-muc-bao-dong-do-a35708.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan