Ngày 25/1 (tức mùng 4 Tết), Tổ công tác của Tổng cục Quản lý thị trường do Phó Tổng Cục trưởng Hoàng Ánh Dương làm Tổ trưởng đã trực tiếp giám sát tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng...
Trong quá trình giám sát, Tổ công tác tập trung vào giám sát tình hình chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu; trong đó, chú trọng giám sát việc chấp hành nghĩa vụ và các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Phạm vi giám sát là các cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu dọc trên tuyến Quốc lộ 1A cũ đi qua các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên và các cửa hàng xăng dầu dọc Quốc lộ 5 đi qua các tỉnh, thành phố Hải Dương, Hải Phòng.
Theo báo Pháp luật TP.HCM, tổ công tác ghi nhận, trong ngày mùng 4 và dịp Tết Nguyên đán, các cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu đều đủ nguồn cung phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng... Tuy nhiên, Tổ công tác cũng phát hiện một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa ngừng kinh doanh, treo biển hết hàng…
Cụ thể, Tổ phát hiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu Châu Can (địa chỉ Cầu Giẽ, Châu Can, Phú Xuyên, Hà Nội) đóng cửa, ngừng kinh doanh. Thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng là ông Nguyễn Xuân Hiên đã xuất trình được các giấy tờ kinh doanh liên quan và giấy xác nhận về việc doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh do Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội cấp ngày 29/12/2022. Trong giấy xác nhận, cơ sở này đăng ký tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023 với lý do: Hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn, xin tạm ngưng để tìm ra phương hướng mới và củng cố lại cơ cấu, tổ chức.
Tuy nhiên, trong quá trình xác minh, theo quy định tại khoản 6, điều 25 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu bị thu hồi trong trường hợp thương nhân không tiếp tục hoạt động kinh doanh xăng dầu trong trường hợp từ một tháng trở lên.
Do vậy, với trường hợp này, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tiếp tục giám sát và lập hồ sơ đề nghị Sở Công Thương Hà Nội thu hồi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu của cửa hàng này.
Ngoài ra, Tổ công tác cũng phát hiện Cửa hàng xăng dầu số 1 Vực Vòng (thuộc Công ty TNHH Chiến Dưỡng, phường Đồng Văn, Duy Tiên, Hà Nam) đóng cửa không bán hàng. Tổ trưởng Tổ công tác đã yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam kiểm tra, lập biên bản, xử lý việc không chấp hành thời gian bán hàng theo đăng ký mà không có lý do chính đáng.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam đã lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với Công ty TNHH Chiến Dưỡng.
Ngoài ra, giám sát tại cửa hàng xăng dầu Hương Phát của Công ty TNHH Trung Linh Phát (KCN Tràng Duệ, Lê Lợi, An Dương, Hải Phòng), Tổ công tác phát hiện, cơ sở này treo biển hết hàng. Tổ công tác chỉ đạo đo bồn chứa và yêu cầu Cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với khu vực phía Nam, Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho hay trong ngày mùng 4 tết, lực lượng Quản lý thị trường Bình Phước phát hiện Chi nhánh Công ty cổ phần xăng dầu khí Ngọc Phương Nam (địa chỉ tại đường ĐT 741, ấp Thuận Hòa, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú) có hành vi “ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản”.
Hoàng Yên (T/h)