Mặc dù chưa được cấp phép nhưng chủ đầu tư dự án An Lạc Green Symphony vẫn hoàn thiện nhiều khu liền kề và đang quây rào thi công móng tòa nhà chung cư C1-CT.
Dự án An Lạc Green Sympony tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Dự án không phép vẫn rầm rộ thi công
Thanh tra sở Xây dựng Hà Nội mới có thông báo kiểm tra hoạt động xây dựng công trình thuộc dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony (huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Cụ thể, ngày 6/5, Thanh tra sở Xây dựng Hà Nội sẽ phối hợp với đại diện UBND huyện Hoài Đức, UBND xã Vân Canh và UBND xã An Khánh kiểm tra công trình thi công tại khu đất C1-CT, C2-CT tại dự án An Lạc Green Symphony.
Theo tìm hiểu, dự án trên do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc (Công ty An Lạc, trụ sở tại 62 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội) làm chủ đầu tư.
Nội dung làm việc dự kiến gồm: kiểm tra điều kiện khởi công (hồ sơ pháp lý); việc thi công xây dựng theo giấy phép xây dựng, quy hoạch và hồ sơ thiết kế được cấp thẩm quyền phê duyệt; việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công, việc mua bảo hiểm của các bên tham gia thực hiện theo yêu cầu.
Theo thông tin từ lãnh đạo sở Xây dựng Hà Nội, khối chung cư của dự án An Lạc Green Symphony đang có hồ sơ chờ Sở cấp phép.
Do dự án điều chỉnh quy hoạch (trước đây là dự án Khu đô thị Đại học Vân Canh) nên hiện sở Xây dựng phải chờ hồ sơ từ sở TN&MT mới hoàn thành được thủ tục cấp phép.
Liên quan đến dự án này, trước đó, Đội Quản lý TTXD huyện Hoài Đức đã lập biên bản vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng.
Theo biên bản vi phạm hành chính, Công ty An Lạc đã có hành vi vi phạm hành chính “tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng, đối với công trình xây dựng yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng”.
Cũng theo biên bản này, công trình xây dựng không phép nằm tại vị trí ô đất có ký hiệu C1-CT. Khu vực này, chủ đầu tư đang tổ chức thi công phần hầm.
Giấy phép còn đang "chờ" nhưng dự án đã hoàn thiện nhiều khu liền kề và đang quây rào thi công móng tòa nhà chung cư C1-CT. Máy móc cùng công nhân thi công tấp nập, sàn bê tông đã được đổ, nhiều hạng mục cốt thép được dựng sẵn.
Trao đổi với báo chí, chủ đầu tư An Lạc Green Symphony xác nhận, hồ sơ dự án đang trong thời gian chờ phê duyệt. Phía đơn vị đào đất chuẩn bị mặt bằng trước mùa mưa.
Mối quan hệ "đặc biệt" với Tập đoàn Hà Đô
Công ty An Lạc được thành lập từ năm 2002 và hoạt động trên ba lĩnh vực chính là đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản. Tính đến tháng 4/2020, doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 553 tỷ đồng, thông tin cổ đông không được công khai.
Không phải công ty con hay công ty liên kết thuộc sở hữu Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (mã HDG), nhưng Công ty CP Đầu tư An Lạc lại nắm cổ phần doanh nghiệp hoạt động trong mảng kinh doanh thủy điện của Tập đoàn bất động sản này.
Doanh nghiệp do ông Nguyễn Trọng Thông làm Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện pháp luật.
Đáng chú ý, ông Thông cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (Tập đoàn Hà Đô, MCK: HDG).
Ngoài liên kết tại các dự án, Công ty An Lạc cũng nhận được sự hỗ trợ tài chính không nhỏ từ Tập đoàn Hà Đô. |
Theo giới thiệu trên trang chủ, Công ty An Lạc hợp tác cùng Công ty CP Za Hưng phát triển một số dự án thủy điện như: Dự án thủy điện Nhạn Hạc, thủy điện Za Hưng và thủy điện Nậm Pông.
Theo tìm hiểu của PV, Công ty An lạc là cổ đông năm giữ 25,26% vốn của Công ty Za Hưng (tính đến ngày 7/8/2018), trong khi đó Tập đoàn Hà Đô sở hữu 51,75% vốn của doanh nghiệp này.
Tại Công ty CP Hà Đô Bình Thuận (tiền thân là Công ty TNHH Năng lượng Tái tạo Bách Nhật), An Lạc nắm giữ 75% vốn góp, hai cổ đông còn lại là Tập đoàn Hà Đô và Công ty Za Hưng lần lượt nắm giữ 14% và 11%.
Việc An Lạc cùng "hợp lực" thâu tóm Công ty CP Hà Đô Bình Thuận thể hiện "dấu ấn" trong hướng đi mới của Hà Đô ở mảng năng lượng sạch.
Ngoài liên kết tại các dự án, doanh nghiệp, Công ty An Lạc cũng nhận được sự hỗ trợ tài chính không nhỏ từ Tập đoàn Hà Đô.
Số liệu cho thấy, năm 2017, Hà Đô nắm 7% vốn Đầu tư An Lạc (giá trị ghi sổ khoản đầu tư này là 12 tỷ đồng), tuy nhiên khoản đầu tư này không được thể hiện trên BCTC kiểm toán năm 2017.
Ngoài ra, tính đến tháng 6/2018, An Lạc vay ngắn hạn Công ty CP Hà Đô – 756 Sài Gòn (công ty con của Hà Đô) 237 tỷ đồng. Đây là khoản vay không được đảm bảo với lãi suất 4,5% - 9,3%/năm.
Trong năm này, doanh nghiệp cũng nợ dài hạn Hà Đô 100 tỷ đồng, đây cũng là khoản vay không được đảm bảo, lãi suất 8%/năm và đáo hạn vào năm 2020.
Theo số liệu tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của Tập đoàn Hà Đô, tính đến ngày 31/12/2020, số tiền mà Hà Đô đang cho Công ty An Lạc vay là hơn 131 tỷ đồng.
Bạch Hiền