Ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung, chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết quá kém là nguyên nhân khiến có thêm người chết những ngày qua.
Cần biện pháp chế tài hộ cá nhân, tổ chức không chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết
Thanh niên đưa tin, trong cuộc họp với đoàn công tác Bộ Y tế đi kiểm tra về công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) ngày 8/8 tại Đồng Nai, ông Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng TP. HCM cho rằng: Tỉnh Đồng Nai nên nghiên cứu, xem xét đưa ra những chế tài để làm sao cho người dân và tổ chức phải có trách nhiệm trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh SXH. Trường hợp hộ dân và tổ chức không thực hiện tốt thì có hình thức xử lý, mang tính răn đe nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung, chủ động phòng chống dịch bệnh.
Phòng chống dịch sốt xuất huyết là trách nhiệm toàn dân. Ảnh: Môi trường |
Báo cáo với đoàn công tác, bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, cho biết trong 7 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có hơn 8.500 ca SXH.
Nguyên nhân do năm nay là năm chu kỳ của bệnh SXH (4 năm/lần); vệ sinh môi trường nhiều khu vực kém; đội ngũ nhân lực thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh vừa thiếu vừa chưa đảm bảo chất lượng; ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân chưa cao.
Số người chết vì dịch sốt xuất huyết tăng
Cùng ngày, Trung tâm y tế huyện Tân Châu (Tây Ninh) cho biết trên địa bàn vừa xảy ra ca tử vong do SXH. Cụ thể, bà N.T.H (53 tuổi) khởi bệnh vào ngày 27/7, sau đó điều trị tại trung tâm y tế huyện rồi chuyển lên bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) đến ngày 3/8 thì tử vong.
Theo thông tin từ báo Người Lao Động, anh Lưu Minh P. (37 tuổi, quê Quảng Nam, làm việc tại TP. HCM) đã qua đời sau 48 giờ nhập viện vì mắc bệnh sốt xuất huyết. Trước đó, anh P. chỉ thấy trong người mệt mỏi, nghĩ cảm sốt thông thường do thời tiết nên gắng gượng đi làm. Tới lúc không chịu nổi nữa, hôm 16/7, anh vào Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương kiểm tra sức khỏe.
Tại đây, các bác sĩ tiến hành chụp CT và kết luận bệnh nhân bị xuất huyết não do mắc sốt xuất huyết. Dù các bác sĩ đã tích cực cứu chữa nhưng bệnh tình của anh P. vẫn trở nặng, tiểu cầu giảm thấp, dưới 20.000 mm3 nên lượng máu xuất ra trong não càng lúc càng nhiều, gây chèn ép não và dẫn tới tử vong.
Bác sĩ Chuyên khoa II - Lê Thanh Chiến (Giám đốc Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương) cho biết: "Một tuần sau đó, bệnh viện tiếp nhận thêm một bệnh nhân có hiện trạng bệnh tương tự anh P., còn trẻ và cũng không cứu được!".
Ở tỉnh Đắk Lắk, hôm 22/7, bệnh nhân Hoàng Đình B. (25 tuổi, ngụ thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) bị sốt cao kèm theo các biểu hiện mệt mỏi, ăn uống kém, buồn nôn nên người nhà đưa đi điều trị tại cơ sở y tế tư nhân.
Thế nhưng, tới ngày 26/7, tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm nên anh B. được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khám với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue ngày 6. Chỉ 2 ngày sau, gia đình phải đưa anh về nhà vì tiên lượng không qua khỏi, bệnh nhân suy đa tạng và tử vong cùng ngày.
Đây cũng là trường hợp thứ 2 tử vong do mắc bệnh sốt xuất huyết tại Đắk Lắk trong tháng 7 vừa qua. Trước đó vài ngày, ca tử vong đầu tiên là em Nguyễn Thị Khánh L. (15 tuổi, ngụ phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột).
Phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết là nhiệm vụ của mọi người
Theo Trí thức trẻ, trên địa bàn cả nước, ghi nhận trên 105.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 10 trường hợp tử vong, đa phần là đối tượng trẻ, số ca mắc có xu hướng tiếp tục gia tăng tại nhiều địa phương.
Mặc dù sốt xuất huyết từ lâu đã không còn là căn bệnh quá xa lạ đối với mọi người, nhưng nhiều người vẫn chủ quan trong công tác phòng chống khiến bệnh có cơ hội bùng phát, gây nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng.
Phun thuốc diệt muỗi tại Hà Nội. Ảnh: Thanh niên |
Các chuyên gia cũng dự báo dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới vẫn còn có thể diễn biến phức tạp, nguy cơ gia tăng số ca mắc bệnh tại nhiều địa phương. Nguyên nhân là do diễn biến bất lợi của thời tiết, xen kẽ các đợt nắng nóng kéo dài và các đợt mưa lớn làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh.
Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả cần sự chung tay của chính quyền các cấp, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là mỗi người dân trong cộng đồng ý thức trách nhiệm, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại hộ gia đình với mục tiêu "Không có lăng quăng (bọ gậy), không có sốt xuất huyết".
Bộ Y tế khuyến cáo cho mọi người dân, mỗi hộ gia đình chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: - Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. - Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. - Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... - Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày. - Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. - Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. |
Minh Khôi(T/h)