Hertz Global Holdings Inc, công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê xe suốt một thế kỷ qua trở thành cái tên tiếp theo ở Mỹ, phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vì dịch Covid-19.
Hoạt động của Hertz Global Holdings Inc bị hạn chế bởi các biện pháp đóng cửa chống Covid-19. Ảnh: Proactiveinvestors |
TTXVN đưa tin, ngày 22/5, Hertz Global Holdings Inc, công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê xe suốt một thế kỷ qua tại Mỹ, chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản do hoạt động kinh doanh kiệt quệ vì tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và không thể đạt thỏa thuận cứu trợ với các chủ nợ.
Công ty cho biết các hoạt động tại châu Âu, Australia và New Zealand không bao gồm trong hồ sơ xin phá sản ở Mỹ.
Phần lớn doanh thu của Hertz có được nhờ các hợp đồng cho thuê xe ở các sân bay, vì vậy hoạt động của công ty bị thu hẹp đáng kể sau khi Chính phủ Mỹ ban hành các biện pháp hạn chế đi lại và yêu cầu người dân ở nhà.
Với khoản nợ gần 19 tỷ USD và gần 38.000 nhân viên trên toàn thế giới tính tới cuối năm 2019, Hertz là một trong những công ty lớn nhất tại Mỹ đệ đơn bảo hộ phá sản vì tác động của đại dịch.
Vào cuối tuần trước, J.C.Penney - hãng bán lẻ 118 ở Mỹ cũng phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vì Covid-19.
Reuters đưa tin rằng, ban đầu, công ty này dự kiến đóng cửa khoảng 200 cửa hàng và con số này có thể dao động tùy thuộc vào các cuộc đàm phán với chủ nợ.
Chuỗi cửa hàng bách hóa 118 tuổi này từng có tới hơn 1.600 cơ sở và gần 200.000 nhân viên. Họ đã gặp khó khăn từ trước khi đại dịch diễn ra, với khoản nợ gần 4 tỷ USD và bị cạnh tranh các hãng bán lẻ giá rẻ và công ty thương mại điện tử. Các “ông lớn” bán lẻ như Walmart và Target đang bóp nghẹt các đối thủ nhỏ hơn bằng hàng thời trang giá rẻ, cả ở kênh bán hàng truyền thống lẫn online.
Tính từ đầu tháng này, không ít các "ông lớn" ở Mỹ đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản như chuỗi cửa hàng bách hóa xa xỉ Neiman Marcus Group hay hãng bán lẻ quần áo J. Crew Group, sau nhưng nỗ lực bù đắp tài chính không thành công.
Hoa Vũ (T/h)