Số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt quá con số 30 triệu và vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.
Số người mắc COVID-19 hiện nay nhiều gấp 5 lần số ca bệnh cúm nặng được ghi nhận hàng năm trên thế giới. Ảnh minh họa |
Hôm 17/9, số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt quá con số 30 triệu và vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.
Theo số liệu cập nhật trên trang thống kê worldometers, tính đến 9h ngày 18/9 (giờ Hà Nội), thế giới đã ghi nhận 30.336.341 ca nhiễm, tăng 309.054 ca so với cùng thời điểm ngày hôm trước. Trong khi đó, số người tử vong vì COVID-19 là 950.185, tăng 5.484 trường hợp sau 24 giờ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay, số người mắc COVID-19 hiện nay nhiều gấp 5 lần số ca bệnh cúm nặng được ghi nhận hàng năm.
Con số gần 1 triệu ca tử vong do Covid-19 đã vượt quá số người tử vong hàng năm liên quan đến bệnh cúm, thường ở mức 290.000-650.000 ca.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 6.869.374 ca nhiễm và 202.125 người chết, tăng lần lượt 44.852 và 880 ca so với một ngày trước đó.
Tình hình dịch dường như đang cải thiện ở Mỹ, khi Đại học Johns Hopkins tuần trước công bố dữ liệu cho thấy số người chết mỗi ngày gần đây thấp hơn so với mức trung bình hồi cuối tháng 7 và đầu tháng 8. Số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày cũng giảm từ 67.000 xuống 40.000.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo người dân không nên chủ quan, đặc biệt trong bối cảnh trường học và doanh nghiệp dần mở cửa trở lại. Các quan chức y tế còn chỉ ra rằng nCoV đang chuyển hướng tấn công người trẻ tuổi, khi 23% số ca nhiễm được báo cáo là từ 18 đến 29 tuổi.
Số ca nhiễm COVID-19 tại Ấn Độ đang tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ảnh minh họa |
Dù xếp thứ 2 sau Mỹ, nhưng Ấn Độ đang bị xem là tâm dịch lớn nhất khi số ca nhiễm trong những ngày qua tăng một cách chóng mặt.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ báo cáo thêm 96.793 ca nhiễm và 1.174 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì COVID-19 lên lần lượt 5.212.686 và 84.404.
Số ca nhiễm mới COVID-19 ở Ấn Độ cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ước tính cứ 6 ca mắc trên thế giới thì có 1 ca ở Ấn Độ.
Tình trạng này đã gây áp lực cho các bệnh viện trong việc tìm nguồn cung cấp oxy hỗ trợ điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân nguy kịch. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, ít nhất 6% trong tổng số gần một triệu ca mắc COVID-19 đang điều trị ở nước này cần oxy khẩn cấp.
Tại châu Âu, Ukraine ngày 16/9 ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong theo ngày cao nhất từ trước tới nay, với 76 ca cùng 2.958 ca mắc mới.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ukraine đã cấm hơn 1.000 người hành hương Do Thái thuộc phái Hasidic, trong đó có cả trẻ em, nhập cảnh nước này, khiến đoàn người trên bị mắc kẹt tại khu vực biên giới giữa Ukraine và Belarus. Lực lượng chức năng cho biết những người hành hương này sẽ được cung cấp lương thực, thuốc men và lều trại.
Chính phủ Hy Lạp thông báo tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây lan dịch COVID-19 tại vùng Attica, vốn đang là tâm dịch tại nước này.
Trong khi đó, tờ Evening Standard số ra ngày 16/9 dẫn nguồn tin từ giới chức y tế Anh cho biết, Thủ đô London của nước này có thể áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm ngăn chặn làn sóng thứ hai của dịch COVID-19.
Tại Đông Nam Á, Philippines vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực với 276.289 ca nhiễm và 4.785 ca tử vong, tăng lần lượt 3.375 và 53 ca. Thủ đô Manila và các tỉnh lân cận áp đặt những biện pháp phòng dịch cho đến cuối tháng 9, hạn chế việc di chuyển không thiết yếu và cấm tụ tập đông người.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 14/9 cho biết sẽ ưu tiên mua vaccine COVID-19 do Nga hoặc Trung Quốc cung cấp, đồng thời bày tỏ lạc quan rằng nước này sẽ "trở lại bình thường" vào tháng 12.
Trong khi đó Indonesia ghi nhận 232.628 ca nhiễm, tăng 3.635 so với ngày hôm trước, trong đó có 9.222 người thiệt mạng, tăng 122 ca.
Thủ đô Jakarta hôm 14/9 tiếp tục siết chặt những biện pháp hạn chế, giảm thiểu hoạt động của các doanh nghiệp, trung tâm thương mại và nơi thờ phụng. Người dân không được dùng bữa tại nhà hàng và tới quán cà phê.
Hoa Vũ (T/h)