+Aa-
    Zalo

    Thế giới vừa trải qua tuần nắng nóng nhất trong lịch sử

    (ĐS&PL) - Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, kỷ lục về nhiệt độ bị phá vỡ cả trên đất liền và ở đại dương, với những tác động tàn phá tiềm ẩn đối với các hệ sinh thái và môi trường.

    Guardian dẫn thông tin từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) - tổ chức chuyên môn về khí tượng của Liên Hợp Quốc cho biết, tuần đầu tiên của tháng 7/2023 là tuần nắng nóng nhất từng được ghi nhận. Tháng 6/2023 cũng là tháng 6 nắng nóng nhất trong lịch sử, gây ra bởi biến đổi khí hậu và các giai đoạn đầu của hiện tượng El Nino.

    “Dữ liệu sơ bộ chỉ ra thế giới vừa trải qua tuần nắng nóng nhất từng được ghi nhận”, WMO cho biết trong một tuyên bố. Cơ quan này thông tin thêm, kỷ lục về nhiệt độ bị phá vỡ cả trên đất liền và ở đại dương, với những tác động tàn phá tiềm ẩn đối với các hệ sinh thái và môi trường.

    Ông Christopher Hewitt - Giám đốc dịch vụ khí hậu của WMO cảnh báo nhiều kỷ lục về nhiệt độ có thể bị phá vỡ hơn khi El Nino tiếp tục phát triển và các tác động này sẽ kéo dài đến năm 2024. “Đây là thông tin đáng lo ngại đối với Trái Đất”, ông Hewitt nói.

    Cũng theo ông Hewitt, nhiệt độ bề mặt nước biển trên toàn cầu cũng ở mức cao kỷ lục trong cả tháng 5 và tháng 6 vừa qua. Ông chia sẻ: “Không chỉ nhiệt độ bề mặt, cả đại dương đang ấm lên và hấp thụ năng lượng sẽ tồn tại ở đó hàng trăm năm”.

    Trong khi đó, ông Michael Sparrow - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu khí hậu thế giới của WMO nói: “Nếu các đại dương đang ấm lên đáng kể thì sẽ có tác động gián tiếp đến bầu khí quyển, băng biển cũng như băng trên toàn thế giới”.

    Ông Sparrow cũng lưu ý, tác động của El Nino có thể sẽ được cảm nhận sâu sắc hơn vào cuối năm 2023. Theo ông, El Nino hiện vẫn chưa thực sự xảy ra.

    the gioi vua trai qua tuan nang nong nhat trong lich su
    Dữ liệu sơ bộ chỉ ra thế giới vừa trải qua tuần nắng nóng nhất từng được ghi nhận. Ảnh minh họa: Times of India

    Trao đổi với AFP, Dịch vụ theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho hay, dữ liệu của cơ qua này cũng chỉ ra tuần đầu tháng 7/2023 có thể là tuần nóng nhất kể từ khi các hồ sơ bắt đầu được ghi nhận vào năm 1940.

    Theo dữ liệu của Copernicus, ngày 6/7 có khả năng chứng kiến nhiệt độ trung bình toàn cầu cao nhất, sau nhiều ngày nắng nóng phá kỷ lục vào đầu tuần.

    Nửa năm qua, thế giới chứng kiến nhiều hệ lụy từ biến đổi khí hậu, trong đó có tình trạng hạn hán ở Tây Ban Nha và các đợt nắng nóng gay gắt tại Trung Quốc, Mỹ.

    Vùng Tây Nam nước Mỹ đang chuẩn bị cho một tuần nắng nóng gay gắt mới. Ngày 10/7, các nhà dự báo thời tiết cảnh báo nhiệt độ duy trì ở mức cực cao cho đến cuối tuần đối với khu vực đông dân nhất của Arizona, đồng thời khuyến nghị cư dân ở các vùng của Nevada và New Mexico ở trong nhà.

    Khu vực tàu điện ngầm Phoenix (bang Arizona) đang trên đà đạt hoặc phá kỷ lục được ghi nhận vào mùa hè năm 1974 trong nhiều ngày liên tiếp nhất với mức nhiệt cao bằng hoặc trên 43 độ C. Trong khi đó, bang Texas đang đối mặt với hiện tượng vòm nhiệt kéo dài.

    Châu Âu và Tây Ban Nha cũng chuẩn bị đón đợt nắng nóng thứ hai chỉ trong vài tuần. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, vùng đầm lầy thần thoại ở miền Nam Iraq đang trải qua đợi nắng nóng tồi tệ nhất trong 40 năm qua. Cơ quan này cảnh báo về “tác động tàn phá” đối với hệ sinh thái cũng như những nông dân và nghề cá.  

    Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhận định, tình trạng hiện tại là bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu nằm ngoài tầm kiểm soát của con người.

    Nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến nhiệt

    Nhiệt độ cao hơn bình thường có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, từ say nắng và mất nước đến các vấn đề về tim mạch.

    Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine hôm 10/7 cho thấy, hơn 61.000 người tử vong do nắng nóng trong mùa hè năm 2022 tại châu Âu, phần lớn là người trên 80 tuổi. Cũng theo nghiên cứu, khoảng 63% người tử vong do nắng nóng là phụ nữ.

    Các chuyên gia cho hay, kiệt sức vì nóng và say nắng có thể trở nên phổ biến hơn khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan hơn. Say nắng là bệnh nghiêm trọng nhất liên quan đến nhiệt, xảy ra khi cơ thể mất khả năng đổ mồ hôi.

    XEM THÊM: Mưa lũ khiến ít nhất 22 người thiệt mạng ở miền Bắc Ấn Độ

    Theo Jon Femling - bác sĩ khoa Cấp cứu và nhà khoa học tại Đại học New Mexico, cơ thể cố gắng bù đắp bằng cách bơm máu lên da như một cách để hạ nhiệt. Một người thở càng nhiều thì càng mất nhiều chất lỏng, dẫn đến cơ thể ngày càng mất nước.

    Bác sĩ Jon Femling cũng nói, lực đối với cơ thể có thể khiến não không nhận đủ máu. Khi bị kiệt sức vì nóng, cơ thể cũng có thể trở nên lạnh lẽo và đổ mồ hôi. Người già, trẻ em và những người đang có vấn đề về sức khỏe có thể gặp rủi ro lớn hơn khi nhiệt độ tăng cao.

    Đinh Kim (Theo Guardian)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/the-gioi-vua-trai-qua-tuan-nang-nong-nhat-trong-lich-su-a582539.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan