Các cường quốc trên thế giới như Mỹ và Trung Quốc đều có những biện pháp đảm bảo minh bạch tài sản công hiệu quả để phòng, chống tham nhũng.
Trong xã hội tự do, minh bạch là nghĩa vụ của mỗi chính phủ và đồng thời cũng là công cụ để người dân đảm bảo rằng quan chức nhà nước làm việc có trách nhiệm. Thông tin về các khoản chi tiêu từ tiền thuế phải được công khai minh bạch, dễ hiểu. Sự minh bạch này cho phép các cấp trong chính quyền quản lý hiệu quả và chính xác.
Minh bạch là gì?
Một nghiên cứu khoa học đăng trên FAS.org định nghĩa: “Sự minh bạch không chỉ bao gồm việc tiết lộ thông tin của chính phủ, mà còn là sự tiếp cận, hiểu và sử dụng thông tin này của công chúng”.
Minh bạch tài sản - một tấm khiên giúp phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Getty |
Trong khi đó, Richard W. Oliver, đã viết trong cuốn sách của ông rằng tính minh bạch có nghĩa là "tiết lộ tích cực".
Các học giả khác lại xác định minh bạch của chính phủ là "việc công khai lựa chọn chính sách hiện tại", và "sự sẵn có cũng như tăng cường công khai các thông tin kịp thời, toàn diện, liên quan, đáng tin cậy về các hoạt động của chính phủ".
Về cơ bản, chỉ khi có tự do thông tin, lúc ấy mới có sự minh bạch.
Minh bạch ở Mỹ - nền tảng của chế độ dân chủ
Từ khi bắt đầu chính phủ liên bang, Quốc hội Mỹ đã yêu cầu lãnh đạo các tiểu bang phải cung cấp một số thông tin cơ bản về việc quản lý và điều hành cho công chúng. Một số học giả và chính khách, trong đó có James Madison – Tổng thống thứ 4 của Mỹ đã miêu tả việc tiếp cận thông tin như là nền tảng thiết yếu của quản trị dân chủ.
“Một Chính phủ vì dân mà không có sự phổ biến thông tin cho dân chúng hoặc không có phương tiện để tiếp cận thông tin thì chỉ là sự bắt đầu cho một cuộc viễn chinh hoặc một thảm kịch, thậm chí là cả hai thứ đó. Tri thức luôn thống trị sự ngu dốt. Nhân dân là người bầu ra các Thống đốc của họ, vậy nên họ có quyền và cần được biết những gì chính phủ đang làm”.
Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 25.000 tờ khai được công bố và 250.000 tờ khai được giữ bí mật (trong đó quy định mọi tờ khai phải được kiểm tra và mọi đối tượng phải được hướng dẫn về những xung đột lợi ích có thể nảy sinh trong vòng 60 ngày kể từ ngày nộp). Đi kèm với đó, một số lượng nhân lực và hệ thống kỹ thuật, công nghệ hùng hậu cũng được huy động để xử lý, xác minh khối lượng lớn thông tin được kê khai đó.
Từng tờ khai sẽ được kiểm tra cụ thể về tính nhất quán trong nội dung. Phương pháp này sẽ đánh giá chính xác tính đầy đủ của thông tin.
Là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới xong tỷ lệ tham nhũng của Mỹ vẫn khá thấp. Ảnh: Transparency International |
Có nhiều đạo luật liên quan đến minh bạch thông tin, tài sản công ở Mỹ như: Đạo luật Đăng ký Liên bang, Đạo luật Thủ tục Hành chính (APA), Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA), Đạo luật Ủy ban Cố vấn Liên bang (FACA), Đạo luật Ánh dương và Đạo luật Bảo mật. Trong số đó, FOIA là đạo luật có tính thực tế, hiệu quả cao, được áp dụng từ những năm 70 của thế kỷ trước.
FOIA được thông qua lần đầu tiên vào năm 1966 (sửa đổi vào năm 2002), cho phép tiết lộ toàn bộ hoặc một phần các thông tin và tài liệu chưa được phát hành trước đó do chính phủ liên bang kiểm soát. Cho đến nay, FOIA vẫn là công cụ hiệu quả đảm bảo tính minh bạch của chính phủ Mỹ.
Một đạo luật khác vô cùng quan trọng trong minh bạch tài sản công ở Mỹ là Luật tổng thanh tra. Luật này được áp dụng từ năm 1978, quy định rằng các quan chức cấp cao tại tất cả các cơ quan liên bang phải tiến hành thanh tra và kiểm toán độc lập. Các tổng thanh tra sẽ có toàn quyền kiểm tra hoạt động, ngân sách và đội ngũ viên chức của các cơ quan liên bang.
Khi mới ra đời, Luật tổng thanh tra được chính quyền Tổng thống Jimmy Carter ủng hộ. Thế nhưng, khi Ronald Reagan kế nhiệm, ông đã bãi chức của 16 vị tổng thanh tra. Hành động này làm dấy lên lo ngại rằng Tổng thống không thể kiểm soát được hành vi tham nhũng. Dưới áp lực như vậy, ông Reagan đã phải tái bổ nhiệm 5 tổng thanh tra và bổ nhiệm thêm 11 người mới.
Trên thực tế, báo cáo của các tổng thanh tra ở Mỹ thường gây ra xung đột chính trị nhưng vẫn hỗ trợ rất nhiều cho việc đảm bảo minh bạch tài sản, góp phần giảm thiểu tham nhũng. Theo số liệu của Tổ chức Minh bạch quốc tế, năm 2016, Mỹ đứng số 18 trong số các quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới.
Bên cạnh đó, Đạo luật Bảo mật thông tin ở Mỹ vẫn cho phép giữ kín một số thông tin quan trọng, thường liên quan đến an ninh quốc gia hoặc bảo mật cá nhân.
Trung Quốc yêu cầu cán bộ khai báo minh bạch về cá nhân
Mặc dù đã đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng xong Trung Quốc vẫn chưa thực sự đạt được bước tiến lớn. Chính phủ sẽ không thể giải quyết vấn đề này một cách có hiệu quả khi mà họ chưa trao quyền cho công dân, để người dân biết được chính phủ của họ đang làm gì.
Tự do thông tin và minh bạch tài sản ở Trung Quốc chưa được đảm bảo. Ảnh: SCMP |
Đến năm 2016, 4 năm sau khi Tập Cận Bình thẳng tay trừng trị những hành vi, đối tượng tham nhũng, Trung Quốc vẫn đứng thứ 97 (từ dưới lên) trong bảng xếp hạng chỉ số tham nhũng của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Vậy, nguyên nhân là vì đâu?
Minh bạch thông tin, tài sản ở Trung Quốc luôn là một vấn đề nghiêm trọng mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Mỹ quan tâm. Phải đến khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chính phủ Trung Quốc mới cho phép tự do bình luận công khai về luật pháp và các quy định có thể gây ảnh hưởng đến thương mại.
Dự án Tư pháp Thế giới từng đánh giá rằng nhiều hoạt động bảo vệ nhân quyền, kinh doanh ở Trung Quốc bị ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ bởi chính trị. “Việc bảo vệ các quyền cơ bản còn yếu, đứng thứ 96 trên toàn cầu, đáng chú ý là do những hạn chế đáng kể về tự do ngôn luận và quyền tự do hội họp", báo cáo của tổ chức này cho hay.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã yêu cầu các quan chức chính phủ đăng ký tài sản của họ. Mặc dù chỉ là một bước đi nhỏ nhưng hành động này cũng có những đóng góp tích cực trong việc minh bạch tài sản, góp phần giảm tham nhũng.
Hôm 19/4, Tân Hoa xã đưa tin Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (GOCPC) cùng Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc (GOSC) đã chính thức đưa ra những quy định nghiêm ngặt hơn trong vuêch báo cáo thông tin cá nhân của những cán bộ lãnh đạo. Theo quy định, cán bộ lãnh đạo từ cấp phòng ở các huyện trở lên mỗi năm buộc phải thông tin chính xác và trung thực với tổ chức đảng về các thông tin liên quan cá nhân, trong đó có tài sản và những khoản đầu tư, bao gồm cổ phiếu, tài khoản ngân hàng, bảo hiểm đầu tư… của cá nhân và gia đình.
Qui định mới cũng cho thấy Trung Quốc muốn minh bạch hơn khi cán bộ phải báo cáo cả những khoản lương, thưởng và trợ cấp của bản thân; tình trạng hôn nhân của bản thân, thông tin về vợ/chồng và các con; hoạt động kinh doanh hoặc công tác của vợ/chồng và các con.
Theo đó, đặc biệt quan tâm tới những các mối quan hệ ở nước ngoài, trong đó có tình trạng kết hôn của các con cán bộ với người nước ngoài hoặc công dân Hong Kong và Macau; việc đi lại hay định cư ra nước ngoài của vợ hoặc chồng và các con; những chuyến đi nước ngoài của bản thân và các thành viên trong gia đình; tình trạng tuân thủ án hình sự của vợ/chồng, con hợp pháp, con ngoài giá thú, con nuôi,…
Bên cạnh đó, còn những biện pháp thẩm tra không báo trước đối với báo cáo cá nhân của các cán bộ lãnh đạo, với tỷ lệ 10% trong tổng số báo cáo hàng năm.
Ngoài ra, quy định mới cũng công bố những hình thức xử lý mạnh mẽ hơn đối với các hành vi khai báo sai hoặc cố tình che giấu thông tin cá nhân.
Tính tới tháng 4/2017, hơn 9.100 quyết định đề bạt của các cán bộ tại Trung Quốc đã bị hủy, sau khi tổ chức tìm thấy những việc làm che giấu thông tin cá nhân, và 124.800 trường hợp cũng bị xử lý kỷ luật do khai báo sai thông tin.
Hôm 18/4, Tân Hoa Xã cũng dẫn thông tin từ Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) tiết lộ, trong Quý I-2017, cơ quan kiểm tra kỷ luật các cấp của nước này đã nhận được 623.000 lượt đơn thư tố cáo và triển khai xử lý kỷ luật đối với 85.000 cán bộ, đảng viên.
Theo thông báo của CCDI, trong số những cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, bao gồm 14 lãnh đạo cấp tỉnh và cấp bộ, trên 400 cán bộ cấp sở/cục thuộc tỉnh và hơn 3.500 cán bộ cấp phòng tại các huyện, 13.000 cán bộ cấp thôn xã. Trong số 85.000 đối tượng bị xử lý kỷ luật này, có đến 71.000 trường hợp là đảng viên.
Tự do thông tin, minh bạch tài sản công giúp đất nước ổn định và phát triển. Ảnh: Getty |
Theo Luật Tự do thông tin ở Vương quốc Anh, các cơ quan chính quyền, các tổ chức được hưởng ngân sách nhà nước đều có trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin mà mình nắm giữ và giải đáp câu hỏi của bất kỳ công dân nào, kể cả người nước ngoài đang sinh sống tại Anh. Thậm chí, người hỏi không cần giải thích vì sao họ cần biết đáp án của những câu hỏi đó. Thời hạn phải đưa ra câu trả lời là trong vòng 20 ngày và không đòi hỏi bất kỳ chi phí nào.
Ở Vương quốc Anh, ngay cả một số thông tin được coi là bí mật quốc gia cũng có thể được xem xét để cung cấp theo yêu cầu của người dân dựa trên nguyên tắc lợi ích cộng đồng là trên hết.
Sự minh bạch như vậy giúp đảm bảo bộ máy quản lý đất nước trong sạch, hiệu quả. Năm 2016, Vương Quốc Anh đứng thứ 10 trong danh sách các quốc gia có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới.
Giáo sư Susan Ariel Aaronson từ Đại học George Washington nhận định rằng: “Tham nhũng là một vấn đề kinh tế, chính trị và nhân quyền. Bằng cách tôn trọng nhân quyền và khuyến khích tự do thông tin, minh bạch tài sản, chính phủ có thể khắc phục nạn tham nhũng, khiến đất nước phát triển ổn định, bền vững hơn”.
(Theo ballotpedia, fas, ignet, transparency, sfgate, cecc…)
NHẬT DUY - PHƯƠNG PHƯƠNG