Sự sẻ chia thầm lặng, nhân văn của chính sách BHYT đã mang lại niềm vui, niềm hi vọng cho nhiều mảnh đời kém may mắn.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Tuyên (26 tuổi, huyện Ứng Hoà, TP.Hà Nội) không may mắn như bạn bè đồng trang lứa. Từ 9 tháng tuổi, Tuyên đã phải nhập viện vì căn bệnh Hemophilia (tan máu bẩm sinh). Và từ đó đến nay, qua 26 năm, thời gian Tuyên ở viện còn nhiều hơn ở nhà.
Đồng hành với Tuyên ngoài sự yêu thương, chăm sóc của người thân còn có tấm thẻ BHYT nhỏ bé giúp cho Tuyên có thể vượt qua những đau đớn và gánh nặng tài chính để chữa trị bệnh tật.
Tuyên chia sẻ: “Mỗi đợt điều trị tốn hàng trăm triệu đồng. Gần đây, bác sĩ còn cho biết, bệnh tôi đã chuyển sang thể kháng thuốc nên thời gian từng đợt điều trị sẽ dài thêm và chi phí cũng tăng lên. Đợt điều trị gần nhất trong tháng 6/2019, tổng chi phí hết 1,04 tỷ đồng. Nhưng rất may được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị nên tôi vẫn có cơ hội được điều trị bệnh”.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Tuyên điều trị tại bệnh viện. |
Bệnh nhân Tuyên cho hay mình không nhớ có thẻ BHYT từ khi nào, nhưng mẹ bảo đó là “tấm bùa hộ mệnh” của Tuyên. “Nhờ có tấm thẻ BHYT mà tôi yên tâm chữa bệnh”, Tuyên nói.
Khác với Tuyên, chàng trai Ngô Công Thủy (24 tuổi, huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) mắc căn bệnh Bạch cầu mãn tính dòng tủy (một dạng của ung thư máu) nhưng không phải nằm điều trị tại bệnh viện mà hàng tháng chỉ cần đến khám và lấy thuốc theo đơn về uống.
Tuy nhiên, căn bệnh của Thủy phải sử dụng loại thuốc rất đắt tiền. Thủy cho biết, mỗi viên thuốc Glivec điều trị bệnh này có giá 500.000 đồng, mỗi ngày phải uống 4 viên. Một tháng, Thủy phải uống 120 viên với tổng số tiền 60 triệu đồng. Và Thủy đã điều trị căn bệnh này nhiều năm nay.
Thủy kể, 12 năm học phổ thông, em đều tham gia BHYT và chưa phải dùng đến bao giờ nên khi thôi học em không có ý định tiếp tục tham gia. Nhưng người mẹ lo xa, đồng thời có nghe biết về lợi ích của chính sách BHYT nên đã dành giụm tiền tham gia BHYT cho cả gia đình và cất những tấm thẻ ở trong ngăn tủ. Ngày Thủy nhập viện, người mẹ mới nhớ đến tấm thẻ BHYT đó và mang ra sử dụng.
“Quả thật trước đây, em đã biết về lợi ích của BHYT nhưng vẫn nghĩ đó là một điều gì đó xa xôi, không quá cần thiết với bản thân mình vì mình còn trẻ, còn khỏe. Nhưng giờ đây, tấm thẻ BHYT đã trở thành người bạn thân thiết, cho em niềm tin, niềm hi vọng để chống chọi với căn bệnh này”, Thủy tâm sự.
Thủy cũng cho biết, sau mỗi lần đến bệnh viện lấy thuốc, chiếc thẻ BHYT luôn được em cất cẩn thận trong 1 ngăn nhỏ của chiếc ví da.
Trên đây chỉ là 2 trong hàng nghìn bệnh nhân đang điều trị ở Viện huyết học và truyền máu Trung ương được hưởng những lợi ích từ tấm thẻ BHYT.
TS.Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương khẳng định, BHYT có vai trò vô cùng quan trọng nhất là đối với những bệnh nhân không may mắc phải bệnh hiểm nghèo. “Tại Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, 97 - 98% người bệnh có thẻ BHYT. Đây chính là “chiếc phao cứu sinh” của các bệnh nhân. Nếu không có thẻ BHYT thì hầu hết người bệnh khó có thể điều trị được một, hai đợt hóa chất và sử dụng các dịch vụ, loại thuốc đắt tiền”.
Thu Hà