Cậu học sinh được cho là đang giải một bài toán tại bàn mình thì bất ngờ nuốt nắp bút tại trường tiểu học Paijun, nằm ở Zunyi, tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc.
Đoạn video từ camera giám sát ghi lại vào khoảng 9h47 ngày 4/12 cho thấy, cậu bé ngồi đang trước bàn học của mình. Cậu bé sau đó cố giơ tay để thu hút sự chú ý của giáo viên. Các bạn cùng lớp bối rối nhìn cậu đập tay vào bàn và chỉ vào cổ họng để ra hiệu rằng mình đang bị nghẹn thứ gì đó.
Nữ giáo viên, được xác định là Liu Xianghong, sau đó lao về chỗ ngồi của cậu học sinh và thực hiện động tác Heimlich cho đến khi cậu bé phun ra chiếc nắp bút. Hành động này của Liu sau đó đã được chính quyền Nhân dân Thành phố Tuân Nghĩa khen ngợi.
"Lúc đó tôi đang dạy một lớp toán. Đó là một buổi sáng yên tĩnh, tôi chợt nghe thấy tiếng đứa trẻ gõ bàn. Sau đó tôi phát hiện hình như có cái gì đó mắc kẹt trong họng. Cậu bé mặt đỏ bừng, mắt trợn ngược, không nói được mà chỉ chỉ vào cổ họng", nữ giáo viên cho biết.
Cậu bé cho biết, "Lúc đó em vô tình nuốt phải nắp bút, nó bị nghẹn trong cổ họng. Em rất lo lắng nhưng không thể nói chuyện, cô Liu nhìn thấy liền nhanh chóng ôm lấy em chiếc nắp bút văng ra ngoài".
Hiệu trưởng trường He Wenping nói, "Chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa việc phổ biến và giáo dục kiến thức về tình trạng khẩn cấp, nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng khẩn cấp với giáo viên và học sinh khi đối mặt với các trường hợp khẩn cấp và tai nạn.
Chúng tôi cũng sẽ giúp giáo viên và học sinh học cách sơ cứu cơ bản, và cải thiện kiến thức tự cứu và sơ cứu tổng quát cho họ".
Động tác Heimlich được phát minh bởi bác sĩ người Mỹ Henry Judah Heimlich. Đây là động tác được sử dụng để sơ cứu người bị nghẹn thức ăn hoặc các dị vật khác gây tắc nghẽn đường thở.
Người thực hiện động tác Heimlich sẽ đứng sau lưng nạn nhân, vòng hai tay ra trước quàng lấy bụng nạn nhân, bàn tay ngoài nắm lấy nắm đấm của bàn tay trong, áp sát vào vùng bụng phía trên rốn, ngay dưới xương ức của nạn nhân.
Tiếp theo, người đứng sau giật tay thật mạnh, đột ngột theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên, liên tục 4-5 lần. Động tác này phải được thực hiện dứt khoát và không đè ép vào lồng ngực thì mới có hiệu quả. Áp lực từ động tác này có thể đẩy bật dị vật ra ngoài, giúp khai thông đường thở cho nạn nhân.
Lặp lại một vài lần nếu cần thiết, nhưng nếu không hiệu quả thì phải nhanh chóng gọi cấp cứu.
Cách thực hiện thủ thuật Heimlich đối với trẻ em trên 2 tuổi
Nếu xảy ra tai nạn hóc dị vật hoặc sặc thức ăn gây tắc nghẽn đường thở với trẻ em trên 2 tuổi, bạn có thể thực hiện thao tác Heimlich để sơ cứu cho trẻ.
Trong trường hợp trẻ còn tỉnh:
- Đứng hoặc quỳ phía sau, vòng 2 tay qua người trẻ.
- Đặt 1 bàn tay (nắm đấm) dưới mũi ức.
- Đặt bàn tay kia ôm lấy nắm đấm.
- Ấn bụng mạnh hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên 5 lần.
- Kiểm tra miệng lấy dị vật nếu có.
- Nếu vẫn còn tắc nghẽn thì tiếp tục lặp lại ấn bụng như trên.
Trường hợp trẻ hôn mê, bất tỉnh:
- Đặt trẻ nằm ngửa.
- Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ.
- Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ.
Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp. Sau đó kiểm tra đường thở. Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài thì tiếp tục làm lại các bước trên cho đến khi dị vật rơi ra hoặc đội cấp cứu tới.
Đối với trẻ em dưới 2 tuổi: Không thực hiện động tác Heimlich để khai thông đường thở cho trẻ. Thay vào đó, sử dụng động tác vỗ lực, ấn ngực. Thực hiện động tác này như sau:
- Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái. Dùng ngón trỏ và ngón giữa tay trái đẩy cằm trẻ lên cho cổ ưỡn tránh gập đường thở
- Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.
- Sau đó, lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu trẻ còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái.
- Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.
Như Quỳnh(T/h)p