Theo báo Thanh Niên, mới đây, thầy Nguyễn Xuân Khang, người đứng đầu Trường Marie Curie (Hà Nội), có thư ngỏ gửi các thầy cô giáo trong trường đề nghị không giao bài tập về nhà cho học sinh trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới.
Trong thư, thầy Nguyễn Xuân Khang nhắc lại lời hứa từ năm 2012 với học sinh Trường Marie Curie, rằng từ nay thầy cô giáo sẽ không giao bài tập về nhà trong dịp nghỉ tết Nguyên đán.
"Nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn, tôi nhắc lại lời hứa được nhiều thế hệ học sinh yêu thích. Chúng ta dành cho các con một cái tết thoải mái, bình an và ấm áp bên gia đình!", thầy Khang viết.
Thư ngỏ của thầy Khang đã nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của học sinh và phụ huynh của trường. Sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội, thông điệp của thầy Khang đã nhận được "bão" like, hầu hết mọi người đều ủng hộ thông điệp này.
Đặc biệt, nhiều thầy cô giáo, trong đó có hiệu trưởng nhiều trường cũng cho rằng, thực tế không nhất thiết phải giao cho trẻ bài tập vào ngày Tết, báo Vietnamnet đưa tin. Cụ thể, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp (Hà Nội) cho hay: “Nhìn từ góc độ người lớn, trong kì nghỉ, chúng ta cũng không ai muốn cơ quan giao thêm bất cứ việc gì, để có một kỳ nghỉ trọn vẹn. Học sinh cũng vậy, các em nên được nghỉ đúng nghĩa”.
Vì vậy, thầy Tùng cho rằng không cần thiết phải giao một loạt các bài tập về nhà một cách nặng nề, cứng nhắc ở nhiều môn cho học sinh những ngày Tết.
“Chỉ cần trong thời gian học tập theo quy định, các học sinh chăm chỉ học tập, hoàn thành nhiệm vụ thầy cô giao một cách tập trung là đủ để phát triển các năng lực và phẩm chất cần có”, ông Tùng nói.
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội), cũng cho rằng nên để các học trò được nghỉ Tết đúng nghĩa.
“Tết là dịp học trò được nghỉ ngơi, đoàn viên bên gia đình. Trong cả năm học, về cơ bản, các em đã thực hiện các hoạt động học tập, giáo dục và rất cần thời gian được nghỉ ngơi ấm cúng bên gia đình dịp Tết đến, xuân về. Đây cũng là dịp các em cần được trải nghiệm các hoạt động đón Tết cổ truyền. Bởi vậy, không nên giao nhiều bài tập để ngày nào các em cũng phải làm bài tập hoặc phải làm bài tập nhiều trước, sau Tết.
Việc này cũng không phù hợp với tâm lý của học trò. Vì vậy, thay vì giao bài tập nhiều, thầy cô hãy giao nhiệm vụ cho các em. Chẳng hạn giao những nhiệm vụ về tìm hiểu phong tục tập quán ngày Tết, những việc làm của học trò cùng gia đình đón Tết… Bên cạnh đó, thầy cô cũng có thể giao những nhiệm vụ gắn với học tập, nhưng ở mức độ nhẹ nhàng, chẳng hạn dọn dẹp góc học tập, ôn tập nhẹ nhàng những kiến thức của các môn học tuần đầu tiên”.
Theo thầy Cường, thầy cô cũng cần lưu ý thêm cho học trò qua những buổi trao đổi trước khi nghỉ Tết. Thông qua đó, thầy cô có thể giáo dục, căn dặn, lưu ý các em về đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm…
“Giáo viên cũng có thể giáo dục để khi nghỉ Tết các em thực hành như chào hỏi, chúc Tết hay những việc làm tốt đầu năm... Từ đó, các em gìn giữ được những truyền thống tốt đẹp”, thầy Cường nói.
XEM THÊM: Thêm một khoa của Đại học Quốc gia Hà Nội chuyển thành trường từ ngày 1/3
Theo báo Người lao động, chia sẻ thêm về thông điệp của mình, thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng Tết là dịp học trò được nghỉ ngơi, đoàn viên bên gia đình. Vì vậy, thầy cô không giao bài tập để học sinh được thoải mái, không phải áp lực làm bài tập.
Việc không giao bài tập cho học sinh trong dịp Tết Nguyên đán đã được nhà trường thực hiện từ lâu, trước cả khi thầy đưa ra lời hứa.
Thầy Nguyễn Xuân Khang bày tỏ mong muốn thay vì phải học bài hoặc xem điện thoại cả ngày, các học sinh có thể phụ giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, thoải mái về quê thăm gia đình, họ hàng, trải nghiệm các hoạt động Tết hay đọc những cuốn sách yêu thích.
Vị Hiệu trưởng được kính trọng cũng cho rằng không nên lo ngại học sinh sẽ "quên" kiến thức khi nghỉ Tết dài ngày. Trên thực tế thời gian nghỉ chỉ khoảng 7-15 ngày, trường hợp quên kiến thức là rất ít.
Hoàng Yên (T/h)