Theo báo Pháp luật Việt Nam, bệnh của nam giáo viên tiến triển rất nhanh. Chỉ sốt 2 ngày nhưng khi vào viện đã rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan, suy hô hấp, suy tim, suy thận.
Bệnh nhân nhanh chóng được hồi sức tích cực bằng nhiều biện pháp gồm truyền dịch, kháng sinh mạnh, thở máy, lọc máu liên tục. Tuy nhiên, người bệnh đáp ứng rất kém với các biện pháp điều trị, tình trạng nhiễm trùng tiếp tục tiến triển toàn thân. Kết quả cấy máu của bệnh nhân cho thấy vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra bệnh Whitmore.
Theo đánh giá của bác sĩ, những trường hợp nhiễm Burkholderia pseudomallei có sốc nhiễm khuẩn thì tỷ lệ tử vong cực kỳ cao, vi khuẩn sẽ lan tràn khắp cơ thể tạo thành nhiều ổ áp xe toàn thân mà đáp ứng rất kém với kháng sinh.
Bệnh nhân tiếp tục sốc nặng hơn, suy hô hấp không đáp ứng với thở máy. Ngoài những ổ áp xe toàn thân, huyết khối bắt đầu hình thành ở chi dưới và động mạch phổi. Nam bệnh nhân còn bị sốc mất máu do chảy máu từ dạ dày.
Các chỉ số lâm sàng và các thang điểm tiên lượng trong y văn đều cho thấy tỷ lệ tử vong của bệnh nhân gần như 100%. Tình thế càng khó khăn khi bệnh nhân là thầy giáo nghèo ở vùng cao, bố vừa mất do ung thư, trong khi chi phí hồi sức hàng ngày có thể lên tới hàng chục triệu đồng.
Một cuộc hội chẩn toàn viện lập tức được tổ chức níu sự sống rất mong manh cho bệnh nhân. Song song với các biện pháp chuyên môn của các thầy thuốc, phòng Công tác xã hội của viện kêu gọi các nhà hảo tâm, hỗ trợ kinh phí hơn 100 triệu đồng cho thầy giáo.
Phác đồ kháng sinh được điều chỉnh, kỹ thuật tim phổi nhân tạo VV-ECMO được triển khai. Khi đang chạy ECMO, điều trị huyết khối bằng chống đông, bệnh nhân bị rối loạn đông máu nặng, sốc mất máu do chảy máu dạ dày nhiều lần. Có những tua trực phải tiến hành nội soi cầm máu lúc nửa đêm, truyền nhiều lít chế phẩm máu, tưởng như bệnh nhân không thể vượt qua được. Nhưng không ai bỏ cuộc.
Sau hơn 20 ngày chạy VV-ECMO, 5 lần soi dạ dày cấp cứu, bệnh nhân bắt đầu được kết thúc ECMO và cai dần thở máy.
Sau 1,5 tháng điều trị, bệnh nhân bỏ được máy thở, thở khí phòng. Sau đó, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La tiếp nhận bệnh nhân về điều trị và chăm sóc phục hồi. Một chiếc xe cứu thương cũng được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội bố trí vận chuyển miễn phí thầy giáo nghèo về tỉnh tiếp tục điều trị, thông tin từ Vietnamnet.
Bệnh Whitmore (hay tên gọi khác là Melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn B. pseudomallei tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người.
Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền (tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch ...) có nguy cơ cao mắc bệnh. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh Whitmore.
Để chủ động phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại hoặc gần nơi bị ô nhiễm.
Đối với những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn, phải sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…). Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.
Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
Những người có bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.
Thùy Dung(T/h)