Đang là học sinh nhưng L. (16 tuổi, Lai Châu) phải tạm nghỉ học vì tự ti khi đến lớp. Nỗ lực tập luyện, ăn kiêng nhưng cân nặng không mảy may di chuyển, cô bé đã buộc phải có sự can thiệp của y khoa khi tiến hành “thắt” dạ dày. Các bác sĩ đặt mục tiêu giảm cân cho cô đến 60kg để giảm những rủi ro của béo phì cho sức khỏe.
BS Bùi Thanh Phúc, khoa Phẫu thuật tiêu hóa (BV Việt Đức), cho biết, L. là trường hợp ít tuổi nhất được tiến hành đặt đai dạ dày với mục đích giảm cân được thực hiện tại BV Việt Đức. Thông thường chỉ định đặt đai hay cắt dạ dày đều rất chặt chẽ, cho người từ 18 tuổi trở lên nhưng với trường hợp đặc biệt này, các bác sĩ buộc phải can thiệp để tình trạng béo phì không gây họa cho cô bé.
Ngày càng nhiều người lứa tuổi 18 - 22 bị béo phì. Các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần duy trì hoạt động thể lực, dinh dưỡng hợp lý phòng béo phì do có thể gây nhiều nguy hại cho sức khỏe. |
Theo mẹ em L., từ nhỏ cô đã mập mạp, bụ bẫm nhưng lên cân mạnh khi bước vào cấp 2. Chỉ trong vòng 3 - 4 năm qua, cân nặng lên vù vù, không thể hãm được, nhoằng cái đã 100kg. Thấy cân nặng của con lên quá khủng, cô bé lại thêm mặc cảm khi đến lớp, đặc biệt là những giờ thể dục là nỗi ám ảnh với L., bố mẹ quyết định cho con nghỉ học 1 năm ở nhà để vừa nghỉ ngơi, vừa lên chiến dịch tập luyện giảm cân.
Nhưng dù tập thể dục đều đặn mỗi ngày, điều chỉnh ăn uống mà cân nặng vẫn không giảm đáng kể, đi lại khó khăn, bố mẹ quyết định cho con xuống Việt Đức khám.
“Đây là trường hợp nhỏ tuổi nhất chúng tôi tiếp nhận với cân nặng khủng, tình trạng quá béo ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bệnh nhân đã ăn kiêng, thể dục nhưng không thể giảm cân. Khi tính toán kỹ, các bác sĩ quyết định can thiệp, đặt đai dạ dày giảm cân cho bé”, bác sĩ Phúc cho biết.
Đến nay, sau đúng 1 tháng đặt đai dạ dày, cân nặng của bệnh nhân đã giảm 10kg. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được hẹn đến bệnh viện để chỉnh đai (đây là một buồng chỉnh ở lớp mỡ dưới da và được điều chỉnh bằng 1 đầu nhỏ như mũi tiêm). Bác sĩ đặt mục tiêu giảm ít nhất 30kg nữa, để bệnh nhân duy trì mức cân nặng 60kg, rồi kết hợp thể dục để giảm thêm một vài cân nặng nữa.
Trước đó, một bệnh nhân ở miền Nam trước khi phẫu thuật đặt đai nặng đến 165kg, sau khi mổ đặt đai, cân nặng giảm xuống 70kg nhưng vẫn duy trì giữ đai. Hay có bệnh nhân nữ gần 100kg, là chủ hàng hoa, đã giảm được cân nặng hợp lý nhờ đặt đai và đã nới đai để được ăn uống thoải mái hơn do đặc thù hay phải thức đêm, dậy sớm.
Theo BS Phúc, tình trạng bệnh nhân phải đặt đai hoặc cắt dạ dày giảm béo ngày càng gặp ở người trẻ. Trước đây, bệnh nhân gặp nhiều ở nữ sau sinh đẻ, nữ can thiệp nhiều hơn nam nhưng nay lứa tuổi béo phì phải can thiệp ngày càng trẻ 18-22 tuổi, đa phần là chưa lập gia đình.
BS Phúc cho biết, đặt đai dạ dày, cắt dạ dày là một phương pháp giảm béo chủ động, mục đích là thu hẹp diện tích chứa thức ăn của dạ dày, khiến người bệnh không thể ăn nhiều hơn ngưỡng chứa. Tuy nhiên, cả 2 phương pháp này chỉ được áp dụng khi tất cả phương pháp giảm cân, từ thể dục, ăn kiêng đã thử từ 6 tháng – 1 năm mà bất bại; hoặc với những bệnh nhân béo phì quá khổ (có chỉ số BMI trên mức 40 (với người châu Âu) và trên 35 (với người châu Á) không thể giảm cân được bằng các biện pháp khác hoặc bệnh béo phì đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Các trường hợp đặt đai, dạ dày với mục đích thẩm mỹ đều không được khuyến cáo, bởi đây là phương pháp chữa bệnh béo phì. |
HỒNG HẢI
Nguồn: Dân Trí
Xem thêm video:
[mecloud]ucPCzm76oj[/mecloud]