Thanh tra Chính phủ vừa công bố báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV.
Trong kiến nghị gửi Thanh tra Chính phủ, cử tri Đà Nẵng cho rằng cần có cơ chế, biện pháp hiệu quả hơn trong công tác thẩm tra, xác minh và quản lý việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức. Theo đó, cử tri đề xuất nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, xác minh và quản lý việc kê khai tài sản.
Trả lời kiến nghị trên, Thanh tra Chính phủ cho biết công tác thẩm tra, xác minh và quản lý việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức đang được thực hiện theo quy định.
Trong đó, đơn cử như Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong tổ chức, đơn vị và Quy chế phối hợp giữa các Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập ban hành theo Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị.
So với trước đây, cơ chế, biện pháp quản lý hiện nay đã được bổ sung, tăng cường nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong xác minh và quản lý kê khai tài sản, thu nhập với một số điểm mới quan trọng, nhất là việc xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên.
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng xác minh tài sản, thu nhập. Thanh tra Chính phủ đã hướng dẫn và các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đã khẩn trương ban hành kế hoạch, triển khai rộng rãi việc xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên.
Thanh tra Chính phủ cho biết kết quả bước đầu đã có 7.662 người đã được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh, xử lý theo quy định.
Để nâng cao hiệu quả công tác thẩm tra, xác minh và quản lý việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Năm 2022, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức kiểm tra được 4.934 cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc thực hiện các quy định về kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản” và hiện Thanh tra Chính phủ đang tổ chức thực hiện.
Việc nghiên cứu về mô hình cơ quan chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, xác minh và quản lý việc kê khai tài sản, thu nhập sẽ được thực hiện về lâu dài, trên cơ sở kết quả sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về kiểm soát tài sản, thu nhập.
“Trước mắt, mô hình các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn phải tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Luật PCTN năm 2018 và Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị”, Thanh tra Chính phủ nêu.
Hiếu Nguyễn