(ĐSPL) - Ba hồi chín tiếng trống và một hồi chiêng khai cuộc rền vang, ông chủ điếm cất tiếng hô: "Mừng làng được mùa no ấm, hôm nay mở hội, khai cuộc Tổ tôm điếm, xin mời các bậc tài trí vào cuộc so tài, mời dân làng cùng đến góp vui...".
Năm điếm Tổ tôm hô ứng bằng ba tiếng trống nhỏ: "Tung! Tung! Tung!", báo hiệu cuộc chơi đã sẵn sàng. Đó là quang cảnh Tổ tôm điếm ở đình làng Đông Sàng thuộc Tổng Mía xưa, nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội.
Tổ tôm điếm tổ chức vài ngày, thu hút danh tài trong làng ngoài xã, không khí vui nhộn, thuận hòa. |
Trò chơi đậm chất dân gian
Năm chiếc bàn kê chụm hướng vào bàn của ông chủ điếm và tổ trọng tài. Câu lạc bộ Tổ tôm điếm của làng vừa được thành lập, người được bầu làm Chủ nhiệm là ông Bùi Tý. Ông Tý được biết đến là người đã dồn tâm huyết vào việc khôi phục thú chơi cổ cho một làng cổ của xứ Đoài xưa.
"Các bậc cao niên, am hiểu tổ tôm điếm của làng đều đã "về nơi tiên cảnh", tôi cùng một cụ ông cao tuổi nhất, nhì trong làng và những người "máu mê" tổ tôm lên Kim Bảng, Từ Sơn, xứ Kinh Bắc để "tầm sư học đạo", một cuộc kỳ công nhưng đã bén duyên!", ông Tý cười mãn nguyện.
Ba tháng trống giục, bài quân khổ luyện, rồi cũng có một ngày tỉ thí tranh hùng với một trăm hai mươi quân tổ tôm với những nước đánh sáng tạo, cuốn hút đam mê. Kỳ lạ, chẳng ai bảo ai, chỉ sau hồi trống giục, người kéo về xem đã chật hai sàn gỗ bên tả bên hữu của đình làng. Vừa theo dõi cuộc chơi, người thạo chữ Hán vừa bâng khuâng đọc những bức Hoành và câu đối của đình làng.
Bức hoành ba chữ đại tự "Thượng đẳng thần", nói lên tích thành hoàng đình khá ly kỳ, sẽ có dịp kể với bạn đọc. Không giống cuộc chơi tổ tôm thường, chỉ một phản ngồi hoặc chiếc chiếu hoa là đủ, phục vụ cuộc thi chơi tổ tôm điếm khá lỉnh kỉnh: Trống to trống nhỏ, các loại cờ hiệu, thời nay có thêm thiết bị âm thanh, giá cắm bài. Và, cuộc chơi không vì tiền bạc. Hai bộ tổ tôm in trên giấy đẹp, bìa cứng, kích thước lớn hơn quân bài bình thường, 20cmx5cm và mỗi bộ một màu khác nhau. Và cái hồn cốt của quân bài trong tổ tôm điếm là câu thơ lục bát in sau mỗi quân bài.
Ba tháng trống giục, bài quân khổ luyện, rồi cũng có một ngày tỉ thí tranh hùng với một trăm hai mươi quân tổ tôm với những nước đánh sáng tạo, cuốn hút đam mê. |
Sâu lắng và da diết lòng người
Cách đây hơn bốn mươi năm, theo tiếng trống hội làng bước vào trong cửa đình, tôi đã vô cùng ấn tượng và nhớ đến bây giờ trước hình ảnh ông chạy quân, tay cầm lá bài to tướng giơ lên ngang mặt và cất giọng lảy kiều trầm ấm: "Vào chùa lễ Phật cầu may, tay bưng hòm sớ tỏ bày tâm can..." rồi dứt khoát hô: Thất Văn! Người chơi người xem cảm nhận khá rõ sự thanh lịch, tao nhã của thú chơi vốn có mặt hàng trăm năm, từ thế kỷ thứ 18 tại Thăng Long và ở các làng quê.
Tổ tôm điếm không ồn ào hỗn tạp, chuyển động duy nhất trong cuộc chơi là dáng đi yểu điệu thướt tha của thiếu nữ hoặc của một ông khuôn mặt tươi cười hóm hỉnh, dí dỏm khi chạy quân bài. Các cụ xưa thường gọi là người chạy trung quân. Điều thú vị là Tổ tôm điếm có luật chơi nghiêm túc và tất cả đều được thể hiện bằng hiệu lệnh trống, cờ hiệu.
Ngoài chủ điếm và năm bàn hoặc năm điếm chơi, mỗi điếm 3 người, thành phần cuộc chơi còn có tổ trọng tài, người chia quân và người chạy quân. Vào cuộc dường như vai trò người chạy quân dẫn bài lại trở nên quan trọng nhất.
Sự nhanh nhẹn hoạt bát và tài ngâm thơ theo kiểu lảy kiều tạo nên không khí vui nhộn, sâu lắng và da diết lòng người. Nên người ta ví nếu thiếu đi vai trò của người dẫn bài ngâm thơ thì tổ tôm điếm không còn là Tổ tôm điếm nữa. Chơi Tổ tôm điếm, người vào cuộc được dịp thể hiện tài trí mà so tài cao thấp. Ngoài việc lựa lấy người "hợp cạ" cùng mình ngồi điếm, người ta còn phải thính tai nhanh trí phán đoán quân.
Ví như chỉ cần nghe câu lảy kiều "Vào chùa lễ Phật" là đã phán đoán ngay quân bài "thất sách", hoặc nghe câu "Tiện đây mận mới hỏi đào" đã hiểu cây "nhị sách" đang ra. Chậm một nước là điếm bên đã nhanh tay phỗng mất "ù", chỉ còn biết ngậm ngùi nuối tiếc. Kết quả chung cuộc cũng là kết quả của một nhóm ba người, nên tính đồng đội phải đặt lên trên mới mong "ẵm" được giải của làng.
Khác các trò chơi dân gian, Tổ tôm điếm mỗi năm chỉ được làng mở một đôi lần, vào dịp được mùa "phong đăng hòa cốc" hoặc có sự kiện trọng đại, đón quan trên, có người đỗ đạt bái tổ vinh quy. Ông Phan Xuân Tiến - Chủ điếm tổ tôm hôm ấy và cũng là Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Tổ tôm điếm làng Đông Sàng nói với chúng tôi: "Làng này được coi là khu vực kẻ chợ đầu tiên của vùng, mỗi năm làng khai hội đầu giêng, dân làng hoan hỉ với bao thú chơi và cổ tục: Chọi chim, chọi gà, đuổi lợn anh, rồi Tổ tôm điếm... Tổ tôm điếm tổ chức vài ngày, thu hút danh tài trong làng ngoài xã. Không khí vui nhộn, thuận hòa. Vì thế chúng tôi quyết khôi phục thú chơi tao nhã này".
Ngồi nhâm nhi bát chè xanh với đĩa kẹo dồi, kẹo lạc - đặc sản của làng, nghe chuyện Tổ tôm điếm, tự cảm nhận được sự bình yên trù phú của làng Đông Sàng có một nguồn mạch rất xưa.
Luật riêng cho Tổ tôm điếm
Theo ông Phan Xuân Tiến, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Tổ tôm điếm Đông Sàng (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) thì, Tổ tôm điếm là một thú chơi tao nhã trong những ngày đầu xuân, vào dịp Lễ hội ở nhiều làng quê đồng bằng Bắc Bộ khoảng những năm 1980 trở về trước. Đây là một loại hình giải trí mang tính khoa học đầy chất thể thao trí tuệ, mang bản chất văn hóa đối với người cao tuổi.
Xưa kia dưới thời phong kiến, vào những năm làm ăn thịnh vượng, một vài năm người ta lại mở hội mừng được mùa màng, hoặc vào dịp Lễ hội tiệc làng hàng năm, sau phần Lễ tế Thành hoàng là phần Hội với các trò chơi dân gian như chọi gà, kéo co, đua vật. Tổ tôm điếm là một trò chơi không thể thiếu bởi sự cuốn hút nhờ tài trí của người chơi và nét dí dỏm, thông minh và hài hước của người chạy bài, còn gọi là người chạy trung quân.
Tuy thú chơi với luật chơi rất nghiêm ngặt, nhưng tổ tôm điếm lại thể hiện rõ nét văn hoá dân gian bởi tính quần chúng thông qua hình thức tổ chức, lối chơi và đặc biệt là những câu thơ được ứng dụng rất linh hoạt thể hiện theo những làn điệu vẫn thường dùng trong nghệ thuật chèo truyền thống hay lẩy Kiều để diễn tả.
Tổ tôm điếm được tổ chức có thể là tại đình làng hay bất cứ nơi nào có thể trong khuôn viên của làng. Phát triển từ cách chơi tổ tôm truyền thống với bộ bài giấy 120 quân dành cho năm người chơi với những luật lệ thưởng phạt chặt chẽ. Người ta dựng căn 5 chòi dựng bằng tre, gỗ - gọi là điếm - quây cót lợp tranh lát ván sàn đủ chỗ cho ba, bốn người cùng ngồi, với lối lên bằng thang. Năm điếm nhỏ bao quanh một điếm lớn ngay giữa sân, trong có bày vài ba chiếc bàn dùng để chia bài và đặt những thứ dùng trong suốt thời gian chơi Tổ tôm điếm.
Quân bài được làm bằng gỗ mỏng độ 0,5cm dài độ 10cm và rộng cỡ 7- 8cm bào trơn quang dầu, một mặt dùng sơn hoặc mực tàu viết tên quân bài bằng chữ Nho.