(ĐSPL) - Liên quan đến việc thanh sắt nặng hơn nửa tấn rơi xuống đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, ngày 11/5, Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng thi công ép cừ và một số vị trí khác do Posco làm nhà thầu cho đến khi có biện pháp an toàn.
Việc cừ thép nặng 630 kg từ độ cao 10 m rơi ra giữa đường khi thi công nhà ga số 4 của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội cũng được báo cáo cho UBND TP Hà Nội cùng ngày. Trước đó, sáng 11/5, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã làm việc với nhà thầu thi công là Công ty Posco.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là lỗ treo cẩu ở đầu cừ bị nứt nhưng không được kiểm tra kỹ nên khi cẩu lên nứt rách rộng, tuột khỏi móc làm rơi cây cừ.
ông Nghiêm Xuân Đức - Trưởng phòng An toàn nhà thầu Posco cho biết, qua kiểm tra lỗ dùng để móc của thanh sắt đã bị nứt, nhưng hai công nhân nhà thầu phụ không kiểm tra kỹ mà vẫn đưa thanh sắt lên máy ép cọc. Vết nứt vì thế mở rộng, trượt khỏi lỗ móc khiến đầu trên thanh sắt đổ ra ngoài đường. Thanh sắt rơi ra đường làm hỏng một đoạn tường rào tôn và hư hỏng hai xe máy của người tham gia giao thông. Sự việc xảy ra do lỗi từ công nhân. Nếu giám sát tốt sẽ loại bỏ được nguy hiểm và không xảy ra sự việc.
Để tránh sự cố tương tự, đại diện nhà thầu Posco cho biết, khi thi công ép cọc cừ phải sử dụng hai dây để treo móc, một dây chính móc vào lỗ chính, một dây phụ móc ngang. Toàn bộ kỹ sư giám sát, an toàn cho công nhân sẽ được đào tạo lại.
Ông Lee Sang Don - Giám đốc Posco đã xin lỗi vì để xảy ra sự việc. |
Ông Lee Sang Don - Giám đốc Posco đã xin lỗi vì để xảy ra sự việc. Với cương vị là nhà quản lý, ông Lee Sang Don nhận trách nhiệm về mình vì chưa làm tròn trách nhiệm. Những phương tiện, tài sản bị ảnh hưởng bởi thanh cừ rơi xuống đường, Posco sẽ có trách nhiệm bồi thường.
“Chúng tôi sẽ sớm kiểm tra, rút kinh nghiệm tất cả thao tác trong quá trình thi công để không xảy ra sự cố tương tự. Đồng thời đào tạo lại tất cả kỹ sư hiện trường và sẽ tập trung hơn nữa cho công tác an toàn trong thi công” – ông Lee Sang Don nói.
Cũng tại buổi họp, ông David Chellier - Quyền Giám đốc tư vấn dự án thuộc nhà thầu Systra (Pháp) cho rằng, vấn đề an toàn của dự án là số một. Khẩu hiệu này không phải để "trang trí" mà phải thực hiện. Sự cố do nhà thầu làm việc vào Chủ nhật, không có sự giám sát của Systra. Để tránh sự việc tương tự, đơn vị tư vấn đề nghị không cho các gói thầu làm việc vào Chủ nhật.
Tại cuộc họp, chủ đầu tư đã yêu cầu dừng việc ép cừ ở ga số 4 (đoạn xảy ra sự cố) và tám nhà ga khác đều do Posco làm nhà thầu và giao tư vấn kiểm tra lại trước khi thi công tiếp. Ông Lee San Don, Giám đốc dự án của Posco, đã xin lỗi vì chưa làm hết trách nhiệm dẫn đến sự cố trên và cam kết sẽ không để xảy ra sự cố tương tự.
Như đã thông tin, tối 10/5, tại công trường tuyến đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội (đoạn Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), một thanh sắt lớn bất ngờ rơi xuống đường. May mắn sự việc không gây thiệt hại về người dù lúc này có rất nhiều người đang đi trên đường. Được biết thanh sắt này là loại cọc cừ larsen, được sử dụng trong xây dựng bờ kè, cầu đường, cấp thoát nước, hầm các công trình nhà cao tầng.
Chiều qua, trao đổi trên báo Tiền Phong, ông Lê Huy Hoàng, Phó Giám đốc Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết, cùng với làm việc với nhà thầu, trong ngày 11/5, Ban và Tư vấn giám sát Systra (Cty tư vấn Systra, Cộng hòa Pháp - PV) tiến hành kiểm tra hiện trường thi công, sau đó yêu cầu nhà thầu Posco E&C và Tư vấn Systra khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Ban.
Thanh sắt nặng hơn nửa tấn rơi xuống đường tại công trường tuyến đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội , gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. |
Cụ thể, nhà thầu phải dừng mọi hoạt động thi công trên tất cả các ga của công trình kể từ ngày 11 đến ngày 13/5/2015. Trong thời gian dừng, các bên phải rà soát lại công tác thi công, chất lượng vật liệu thiết bị phục vụ thi công. Nhà thầu phải ngay lập tức gửi báo cáo chi tiết sự cố đã xảy ra với Chủ đầu tư; kịp thời lấy thông tin, liên hệ và giải quyết các trường hợp tham gia giao thông bị ảnh hưởng tại thời điểm xảy ra sự cố để hỗ trợ ảnh hưởng và phải xong trước ngày 13/5. Nhà thầu chỉ được phép thi công trở lại khi đã khắc phục xong mọi sự cố công trường, tuân thủ mọi yêu cầu của Tư vấn và Chủ đầu tư về đảm bảo an toàn, chất lượng công trình.
Kiểm tra lại năng lực nhà thầu
Cùng với yêu cầu trên, ông Hoàng cũng cho biết, tuy không gây ảnh hưởng, thiệt hại về người nhưng để xảy ra sự việc trên đã tạo dư luận không tốt về dự án, đặc biệt về kỹ thuật thi công là không đạt yêu cầu. Do vậy trong ngày hôm qua, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đã giao cho Tư vấn Systra khẩn trương đánh giá sự cố, có giải pháp khắc phục từ phía nhà thầu; kiểm tra lại toàn bộ thiết bị vật tư phục vụ thi công trên toàn công trường. “Mọi thiết bị, vật tư không đảm bảo, không tuân thủ các kế hoạch và quy trình phải loại ra khỏi công trường. Tư vấn Systra đánh giá và kiểm tra lại năng lực thi công của tất cả các đơn vị thi công trên công trường, nếu không đáp ứng được sẽ đề nghị thay thế”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Ngọc Anh (Tổng hợp)