Tại khu tự trị Tân Cương, phía tây Trung Quốc, có một thành phố thu hút sự chú ý của thế giới bởi thiết kế độc đáo theo hình bát quái. Thành phố có tên Tekes, gọi phiên âm theo tiếng Trung là Đặc Khắc Tư.
"Bát quái" là một khái niệm rất phức tạp của vũ trụ học Đạo giáo, được cho là có liên quan tới thiên văn, địa lý, võ thuật, y học…
Tekes được thành lập vào năm 1937, với diện tích khoảng 4 km2, đây được ví như "thành phố bát quái lớn nhất thế giới". Tương truyền bố cục bát quái của thành phố được thiết kế bởi một giáo sĩ nhà Tống, mang tên Qiu Chuji. Tất cả đường xá đều được quy về một điểm là quảng trường Bát Quái có chiều cao 50m. Toàn thành phố được xây 3 vành đai vàng. Vành đai thứ nhất là quảng trường lớn, vành đai thứ 2 là các tòa nhà dịch vụ công cộng và cửa hàng, vành đai thứ 3 chính là nhà ở của cư dân.
Từ trên cao nhìn xuống, những con đường tại đây được liên kết chặt chẽ với nhau theo quy luật và đổ dồn về quảng trường Bát Quái nằm ở giữa. Thành phố có 4 đường vành đai nối liền với 64 phố, 8 tuyến đường chính gồm Càn, Khôn, Tốn, Chấn, Khảm, Ly, Cấn, Đoài, tỏa ra từ trung tâm. Mỗi con phố lại có những bóng đèn đường với màu sắc khác nhau và lắp đặt tấm biển hướng dẫn vị trí.
Có một điều đặc biệt mà rất nhiều người nói đến về Tekes, là ở đó không có đèn giao thông. Có những thông tin rằng trước đây ở Tekes cũng có đèn giao thông, nhưng các nhà chức trách thấy không hề cần nên đến năm 1996 đã gỡ đi, lý do là vì thành phố được xây theo sơ đồ bát quái nên không bị tắc đường.
Bên cạnh đó, do 8 tuyến đường chính trong bát quái mở rộng khắp các hướng nên nước lũ dù đến từ hướng nào cũng sẽ rút nhanh. Thành phố xảy ra mưa lớn đột ngột cũng không sợ bị ngập úng.
Tekes được đưa vào danh sách thành phố lịch sử và văn hóa của Tân Cương sau đó được nhà nước Trung Quốc công nhận là thành phố lịch sử và văn hóa cấp quốc gia năm 2007.
Gần đây, một bản tin của CCTV cho biết, do người dân ở Tekes ngày càng nhiều dùng phương tiện cá nhân nên cũng khó duy trì được việc không tắc đường. Vì vậy, tại một số điểm giao cắt, gần như phải luôn có cảnh sát để đảm bảo việc đi lại được thông suốt.
Hoa Vũ (T/h)