Việc các đoàn tàu đi qua những thắng cảnh độc đáo hay xuyên qua những tòa nhà đã thúc đẩy sự phát triển của thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc.
Thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: Baidu |
Người ta thường nói "đừng bao giờ tới thăm Trùng Khánh, bởi chẳng bao giờ bạn có thể tìm thấy đường về đâu", để miêu tả hệ thống giao thông kỳ lạ mà độc đáo của một thành phố gần như dựng đứng trên vách núi này của Trung Quốc.
Khi đến thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc), ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chính là cảnh tượng, đường chồng đường, cầu chồng cầu, nhà chồng nhà.
Các công trình chồng chéo lên nhau ở Trùng Khánh. Ảnh: Baidu |
Hệ thống cầu đường khiến mọi ứng dụng chỉ đường phải bất lực. Ảnh: Baidu |
Do địa hình đồi núi nên xây dựng hệ thống đường sắt phù hợp là một thách thức với chính quyền thành phố. Giải pháp đặt ra là xây đường ray tàu hỏa chạy qua tòa nhà, thay vì đi vòng quanh công trình, hoặc buộc phải phá hủy để nhường lối cho công trình công cộng.
Tuy nhiên, không ai ngờ rằng, sản phẩm của sự "tranh chấp đất đai trong hòa bình" này lại tạo một nét độc lạ nổi tiếng cho thành phố Trùng Khành.
Trùng Khánh hiện xếp thứ 7 Trung Quốc về lộ trình đường sắt tàu điện, chỉ xếp sau Bắc Kinh, Thượng Hải và một số thành phố lớn khác.
Hình ảnh đoàn tàu phi ra từ tòa nhà dân cư chỉ có nhìn thấy ở Trùng Khánh. Ảnh: Baidu |
Mặc dù sở hữu hệ thống đường ray rất dài, nhưng tàu điện ở Trùng Khánh vẫn không thể so sánh với các thành phố khác ở Trung Quốc về lưu lượng hành khách. Đó là bởi tàu điện của thành phố này thuộc loại nhẹ, toa tàu ngắn và tốc độ hơi chậm.
Tuy nhiên, không ở đâu mà tàu điện trên cao trở nên phổ biến như ở Trùng Khánh. Đây là một phương tiện giao thông công cộng gắn liền với nhiều thế hệ cư dân ở thành phố này.
Có hai loại phương tiện giao thông đường sắt chính ở Trùng Khánh, một là hệ thống tàu điện truyền thống và loại còn lại là hệ thống tàu một ray (chỉ có 2 tuyến là Tuyến 2 và Tuyến 3).
Tuyến 2 là tuyến đường sắt một ray đầu tiền ở Trung Quốc, cũng là tuyến đường sắt trong thành phố đầu tiên ở miền Tây nước này. Tuyến 3 được coi là tuyến đường sát một ray dài nhất thế giới, với lộ trình lên tới 67,09 km.
Tàu điện trên cao là loại hình giao thông phổ biến đối với người dân Trùng Khánh. Ảnh: Baidu |
Hệ thống vận chuyển đường sắt đô thị của Trùng Khánh đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Việc các đoàn tàu đi qua những thắng cảnh độc đáo hay xuyên qua những tòa nhà đã thúc đẩy sự phát triển của thành phố.
Ngoài ra khi thiết kế, bên thi công sớm trang bị thiết bị giảm tiếng ồn để không ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật của người dân. Bởi vậy, khi đoàn tàu đi qua chỉ gây nên âm lượng tương đương với một máy rửa chén.
Cũng nhờ sự độc lạ mà lại tiện lợi này, giá trị của căn hộ chung cư tại các tòa nhà có tàu xuyên qua đều sốt giá và rất khó mua.
Một khúc cua dựng tóc gáy. Ảnh: Baidu |
Ngoài tàu điện, cáp treo cũng là một loại hình di chuyển phổ biến ở Trùng Khánh. Ảnh: Baidu |
Hoa Vũ (Theo Sina, Sohu)