VTC News đưa tin, khoảng 22h, anh T.V.T., 31 tuổi, nhập viện trong tình trạng đau ngực trái dữ dội, cảm giác bỏng rát ở lồng ngực. Nhận thấy đây là trường hợp cấp cứu khẩn cấp, các bác sĩ nhanh chóng đặt đường truyền và lắp máy đo điện tâm đồ theo dõi. 5 phút sau, bệnh nhân đột ngột mất ý thức, xuất hiện rung thất sóng lớn, không bắt được mạch, không có huyết áp.
Ekip cấp cứu ngay lập tức sốc điện để lấy lại tuần hoàn cho bệnh nhân. Sau 10 phút chạy đua cùng “tử thần”, ca cấp cứu thành công, bệnh nhân T. dần trở về nhịp xoang bình thường, xuất hiện ý thức và huyết áp ổn định hơn.
Sau đó, ca bệnh khẩn trương được hội chẩn với ekip trực tim mạch can thiệp. Các bác sĩ chẩn đoán xác định anh T. lên cơn nhồi máu cơ tim cấp biến chứng rối loạn nhịp thất ác tính gây ngưng tim.
Bệnh nhân được chỉ định chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) cấp cứu. Kết quả ghi nhận anh bị hẹp 99% động mạch liên thất trước - động mạch quan trọng nhất quyết định chức năng co bóp đưa máu đi nuôi cơ thể. Khai thác tiền sử cho thấy bệnh nhân có thói quen hút thuốc lá từ năm 12 tuổi, thường xuyên stress, thức khuya do tính chất công việc.
Ths.BS Nguyễn Đình Công, khoa Tim mạch - Tim mạch can thiệp Hồng Ngọc - chia sẻ: “Nhận định đây là tình huống cấp cứu nguy hiểm, nếu không được can thiệp kịp thời có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân, chúng tôi nhanh chóng tiến hành hút huyết khối và đặt stent để khơi thông dòng máu nuôi tim.”
Ca can thiệp kéo dài khoảng 60 phút, dưới sự hỗ trợ của máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA hiện đại, bệnh nhân được đặt 01 stent kích thước 3.0 x 29mm vào vị trí hẹp động mạch liên thất trước. Kết quả ghi nhận từ máy siêu âm trong lòng mạch IVUS đánh giá stent nở và áp sát thành mạch, dòng chảy được khơi thông tốt. Các triệu chứng ban đầu được cải thiện rõ rệt. 24 giờ sau can thiệp, anh T. có thể ăn uống và đi lại bình thường.
Tác động lâu dài của việc hút thuốc
Hút thuốc lá gây tổn thương tới gần như mọi cơ quan trong cơ thể. Hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong có thể phòng ngừa được ở Mỹ và trên toàn cầu. Ở Mỹ, hút thuốc lá chiếm khoảng 520.000 ca tử vong/năm, tức khoảng 20% tổng số ca tử vong. Khoảng 2/3 người hút thuốc lâu năm chết sớm vì căn bệnh trực tiếp gây ra bởi hút thuốc, trung bình mất từ 10 đến 14 năm tuổi thọ (7 phút/điếu thuốc).
Các tác động mạn tính chính của thuốc lá sẽ dẫn tới sự gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý sau đây:
Bệnh mạch vành chiếm từ 30 đến 40% tổng số ca tử vong do thuốc lá. Nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng > 200% nếu hút thuốc < 1 bao/ngày và nguy cơ tử vong do tim mạch tăng > 50% trong thời gian 35 năm. Cơ chế có thể là tình trạng tổn thương tế bào nội mạc, tăng nhẹ huyết áp và nhịp tim, khởi phát hình thành huyết khối và các tác dụng không mong muốn tới mỡ máu.
Ung thư phổi chiếm từ 15 đến 20% số ca tử vong do thuốc lá. Hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất của ung thư phổi ở Bắc Mỹ và Châu Âu, và chiếm hơn 87% số ca tử vong do ung thư phổi. Các chất gây ung thư được trực tiếp hít tới nhu mô phổi.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chiếm khoảng 20% số ca tử vong do thuốc lá. Thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất của COPD và chiếm 61% tổng số ca tử vong do bệnh phổi. Hút thuốc làm suy yếu các cơ chế bảo vệ đường hô hấp cục bộ. Đặc biệt đối với những đối tượng có sự nhạy cảm về mặt di truyền, sự suy giảm chức năng hô hấp có xu hướng phát triển nhanh. Ho và khó thở khi gắng sức là những triệu chứng rất phổ biến.
Các bệnh lý ít nghiêm trọng hơn liên quan đến hút thuốc bao gồm thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác, bệnh mạch máu không do tim (như đột quỵ, phình động mạch chủ), các loại ung thư khác (như ung thư bàng quang, cổ tử cung, đại trực tràng, thực quản, thận, thanh quản, gan, hầu họng, tụy, dạ dày, họng, leukemia cấp dòng tủy), đái tháo đường, viêm phổi, viêm khớp dạng thấp và lao.
Thêm vào đó, hút thuốc là một yếu tố nguy cơ dẫn tới việc mắc các bệnh lý nghiêm trọng khác như nhiễm khuẩn đường hô hấp trên tái diễn, hen, đục thủy tinh thể, vô sinh, rối loạn cương dương, mãn kinh sớm, loét dạ dày, loãng xương, gãy xương chậu và nha chu, theo Sức khỏe & Đời sống.