+Aa-
    Zalo

    Thuế thuốc lá: Cần xem xét mối liên hệ giữa tăng thuế và tăng thuốc lá lậu

    • Thu HàDSPL

    (ĐS&PL) - Khi thuế đối với sản phẩm thuốc lá hợp pháp tăng đột ngột, người tiêu dùng dễ tìm đến thuốc lá lậu, từ đó gây ảnh hưởng đến chống thuốc lá lậu và ngân sách Nhà nước.

    Phát biểu tại hội thảo “Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lí Thị trường (Bộ Công thương) cho biết, trong giai đoạn 5 năm 2019-2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ được 59.637 vụ buôn lậu thuốc lá, đưa ra truy tố, xét xử nhiều tổ chức, cá nhân, tịch thu nhiều phương tiện vận chuyển. Tổng số thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ là 37,5 triệu bao, số lượng bị tiêu hủy là 22,1 triệu bao.

    Thuế thuốc lá: Cần xem xét mối liên hệ giữa tăng thuế và tăng thuốc lá lậu - 1

     

    Tình trạng buôn lậu thuốc lá tại Việt Nam: Vẫn còn nhiều thử thách

    Nói rõ về cơ sở khiến tình trạng buôn lậu thuốc lá ở thị trường Việt Nam còn nhiều phức tạp, bên cạnh yếu tố khách quan như vùng biên giới rộng, các quốc gia lân cận không có chính sách phòng, chống thuốc lá lậu kiên quyết như Việt Nam, thì lợi nhuận buôn lậu thuốc lá là rất lớn, lớn hơn cái giá mà người buôn lậu phải trả nếu như bị phát hiện và xử phạt.

    Đồng tình với ý kiến đó, ông Nguyễn Chí Nhân, Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), cũng đưa ra bức tranh cụ thể hơn về sản lượng thuốc lá nhập lậu vẫn đang diễn ra song hành với thuốc lá hợp pháp một cách phức tạp, tinh vi tại nội địa. Thuốc lá lậu ước lượng chiếm 13% - 15% tổng sản lượng toàn Việt Nam (tương đương 4,8 - 5 tỷ bao).

    Người tiêu dùng thường tìm đến thuốc lá lậu do giá rẻ hơn thuốc lá hợp pháp, trong đó thuốc lá lậu có hàm lượng tar và nicotine rất cao gây nhiều rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe người dân.

    Người tiêu dùng thường tìm đến thuốc lá lậu do giá rẻ hơn thuốc lá hợp pháp, trong đó thuốc lá lậu có hàm lượng tar và nicotine rất cao gây nhiều rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe người dân.

    Dù có những nỗ lực rất lớn từ các Bộ ngành và Chính phủ, tình hình buôn lậu vẫn chưa được cải thiện do đặc thù của Việt Nam có đường biên giới dài với các quốc gia láng giềng và sự bất chấp của người bán thuốc lá lậu do lợi nhuận cực cao.

    Tăng thuế dẫn đến tăng thuốc lá lậu

    Năm 2016, Việt Nam tăng thuế từ 65% lên 70% dẫn đến số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ 6,8 triệu bao vào năm 2016 lên gần 7,5 triệu bao trong năm 2017.

    Năm 2019, khi tăng thuế từ 70% lên 75%, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ gần 1,4 triệu bao trong năm 2019 lên hơn 5.1 triệu bao vào năm 2020 và lên gần 6,6 triệu bao ở năm 2021.

    Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tăng thuế thuốc lá không làm tăng buôn lậu vì số lượng thuốc lá nhập lậu bị tiêu hủy giảm từ khoảng 6,4 triệu bao (năm 2018) xuống gần 1,4 triệu bao (năm 2019) mặc dù thời điểm này không có sự tăng thuế.

    Giải thích về con số này, các chuyên gia cho biết, thời điểm giữa năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu để xuất khẩu theo Quyết định 20/2018/QĐ-TTg . Đó là lý do số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2019 bị trũng xuống, chứ không phải là tình hình buôn thuốc lá lậu giảm trong giai đoạn này. Đến giữa năm 2020 thì dừng việc thí điểm này nên cuối năm 2020 số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng lại lên 5,1 triệu bao.

    Ngoài ra cũng có nhận định thuốc lá ngoại được buôn lậu vào Việt Nam để tránh thuế nhập khẩu. Vì vậy, dù cho thuế TTĐB có tăng hay giảm thì buôn lậu vẫn cứ xảy ra vì mục đích chính là nhằm trốn thuế nhập khẩu. Các chuyên gia cho rằng nhận định này chưa đầy đủ vì thuốc lá lậu có thể tránh cả 2 loại thuế chính yếu là thuế nhập khẩu và thuế TTĐB, nên khi thuế TTĐB tăng sẽ tác động trực tiếp lên thuốc lá hợp pháp trong khi thuốc lá lậu không bị ảnh hưởng, dẫn đến việc giảm sản lượng hợp pháp và tạo điều kiện vô cùng thuận lợi để thuốc lá lậu chen vào.

    Được biết, hệ thống tính thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá điếu đã được xây dựng và có lộ trình từ 2006 đến nay (từ 55% lên 75% với mức tăng 5%/lần và thời gian giãn cách giữa các lần điều chỉnh tăng là 3-4 năm/lần).

    Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch của PwC Việt Nam cũng đưa ra nhận định tại hội thảo “Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá”: “Việt Nam trải qua rất nhiều cuộc cải cách thuế và đặc biệt thuế TTĐB ở thuốc lá. Tuy nhiên mức tăng thuế của chúng ta không tăng nhanh như đề xuất lần này của dự thảo”.

    Xem xét lộ trình và mức tăng thuế và gia tăng thuốc lá lậu

    Chủ tịch của PwC Việt Nam nói thêm, thuốc lá bất hợp pháp không cần tuân thủ các quy định của Nhà nước cùng một số lợi thế về cạnh tranh, khi giá thuốc lá hợp pháp tăng do thuế TTĐB tăng, rủi ro cao người tiêu dùng sẽ chuyển sang thuốc lá lậu.

    Chủ tịch của PwC Việt Nam nói thêm, thuốc lá bất hợp pháp không cần tuân thủ các quy định của Nhà nước cùng một số lợi thế về cạnh tranh, khi giá thuốc lá hợp pháp tăng do thuế TTĐB tăng, rủi ro cao người tiêu dùng sẽ chuyển sang thuốc lá lậu.

    Tại hội thảo, Chủ tịch của PwC Việt Nam đã trình bày kịch bản có thể xảy ra nếu thực hiện các phương án mà Bộ Tài chính đề xuất, nếu thuế TTĐB thuốc lá tăng quá nhanh theo 2 phương án của Bộ Tài chính, sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực.

    Theo đó, sản lượng thuốc lá hợp pháp có thể sẽ giảm hơn 70% vào năm 2030 so với hiện tại, thuốc lá lậu có thể tăng lên 50 tỷ điếu vào năm 2030, thất thu từ thuốc lá lậu có thể lên đến 40 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 so với mức 5-6 nghìn tỷ đồng hiện tại. Hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, và rủi ro nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa, kéo theo việc làm của người lao động tại các nhà máy thuốc lá, nông dân ở các vùng trồng nguyên liệu và các nhà phân phối, nhà bán lẻ chịu tác động tiêu cực.  

    Đồng thời, mô hình phân tích của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) tại hội thảo cũng đưa ra kịch bản tương tự với PwC: sản lượng hợp pháp giảm mạnh, thuốc lá lậu lại tăng lên nhanh chóng khi điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá theo đề xuất hiện nay.

    Cụ thể, ở cả 2 phương án tăng thuế của Bộ Tài chính, sản lượng thuốc lá hợp pháp đều giảm mạnh vào năm 2030: thuốc lá hợp pháp giảm 30% ở phương án 1 (tương đương giảm 28 tỷ điếu) và giảm 36% ở phương án 2 (khoảng 31 tỷ điếu) so với năm 2025 trước khi tăng thuế.

    Ngược lại, lượng thuốc lá lậu sẽ tăng mạnh ở cả 2 phương án tăng thuế mà Bộ Tài chính đề xuất. Đến năm 2030, thuốc lá lậu có thể sẽ tăng 205% ở phương án 1 (khoảng 22 tỷ điếu) và tăng 230% ở phương án 2 (tương đương 24 tỷ điếu) so với 2025.

    Có phải chăng, cơ quan quản lí Nhà nước nên tham khảo những bài học quốc tế và các phân tích, mô hình hiện tại để có chính sách tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá phù hợp hơn, nên được thực hiện từng bước, với mức độ vừa phải, và kế hoạch tăng thuế TTĐB cần có lộ trình hợp lý và có tính định hướng dài hạn. Điều này sẽ giúp đạt được một cách hài hòa mục tiêu của Chính phủ đặt ra về hạn chế tiêu dùng, nhưng cũng giúp đảm bảo sự ổn định trong thu ngân sách Nhà nước, hạn chế sự gia tăng đột biến của thuốc lá lậu, từ đó bảo vệ và hỗ trợ ngành thuốc lá nội địa chuyển đổi sang cơ cấu sản phẩm có giá bán cao hơn, chất lượng tốt hơn, ít độc hại hơn.

    Ngọc Phúc

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/thue-thuoc-la-can-xem-xet-moi-lien-he-giua-tang-thue-va-tang-thuoc-la-lau-a455954.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.