(ĐSPL) - Từ đầu năm học 2013 - 2014 đến nay, trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa) đã có tới 54 em học sinh bỏ học. Điều kỳ lạ là trong số 54 em học sinh bỏ học, phần lớn đều thuộc diện được hỗ trợ gạo theo Quyết định 36/2013/QĐ-TTg và tiền theo Quyết định 12/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Với mức hỗ trợ đó, các em hoàn toàn có thể theo đuổi công việc học tập mà không phải lo nghĩ về các khoản chi phí. Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào chất lượng giáo dục thay vì cứ mãi đổ lỗi cho điều kiện kinh tế quá khó khăn.
Bỏ học vì... học không nổi!
Cũng giống như nhiều trường học trên địa bàn huyện vùng cao biên giới Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa, phần lớn học sinh trường THPT Mường Lát đều là con em đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở địa phương. Mặc dù nhà nước thường xuyên có rất nhiều các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhưng tình trạng học sinh miền núi bỏ học vẫn đang tiếp diễn và có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây.
Thầy Trần Anh Văn (Hiệu phó trường THPT Mường Lát) cho biết: "Tính đến thời điểm này, riêng trường THPT Mường Lát đã có đến 54/840 em học sinh bỏ học trong năm học 2013 - 2014. Số học sinh bỏ học tập trung chủ yếu ở khối lớp 10 và xảy ra nhiều trong thời điểm sau tết nguyên đán".
Nói về nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, thầy Văn thẳng thắn chia sẻ: "Có rất nhiều nguyên nhân xung quanh vấn đề này nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là trình độ của học sinh quá kém so với yêu cầu, nhiều em bị hổng kiến thức nghiêm trọng từ các lớp dưới khiến việc tiếp thu kiến thức mới gặp nhiều khó khăn.
Thậm chí, trong quá trình giảng dạy, các thầy giáo, cô giáo trong trường phải giảng dạy cùng một lúc kiến thức của nhiều cấp học, đi từ những cái sơ đẳng nhất để các em vừa ôn lại kiến thức cũ vừa tiếp thu kiến thức mới. Tuy nhiên, do lượng kiến thức bị hổng của học sinh quá lớn cho nên nhiều em không thể tiếp thu bài vở, dẫn đến chán học, học không nổi đành bỏ học".
Là một nhà giáo đầy tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đã có nhiều năm gắn bó với học sinh vùng cao, thầy Văn không khỏi xót xa khi phải chứng kiến học sinh của mình bỏ học giữa chừng nhiều như vậy nhưng trong trường hợp này, không chỉ thầy Văn mà hầu hết các thầy cô giáo khác cũng chưa tìm ra giải pháp.
Theo ý kiến của thầy Trần Anh Văn, để giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ việc quan trọng nhất cần làm là nhanh chóng cải thiện chất lượng giáo dục, đào tạo học sinh ngay từ các cấp tiểu học, trung học cơ sở để nâng cao chất lượng đầu vào cho học sinh cấp phổ thông trung học.
Lấy ví dụ minh họa cho điều này, thầy Văn cho biết năm học 2013 - 2014 mới đây, trường THPT Mường Lát cũng không tuyển đủ chỉ tiêu học sinh vào lớp 10, chất lượng học sinh thi tuyển vào trường rất thấp. Ngoài những số liệu chưa được thống kê thì cả trường chỉ có khoảng 10 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường THPT thuộc các huyện miền núi, vùng cao, biên giới.
|
Học sinh trường THPT Mường Lát trong giờ học quân sự. |
Tiền hỗ trợ học tập..."mua rượu uống hết rồi!"
Xung quanh vấn đề nhiều học sinh bỏ học giữa chừng, thầy Văn nhận định, bên cạnh việc học kém dẫn đến chán học, bỏ học, cũng cần nói đến một số nguyên nhân khác. Điều kiện kinh tế khó khăn trong khi lứa tuổi các em lại đang là lao động chính trong gia đình cho nên nhiều em phải bỏ học để ở nhà giúp đỡ bố mẹ.
Do đường sá quá xa xôi, vất vả nên khi đi học các em phải sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, không muốn ở lại trường. Nhiều em xây dựng gia đình sớm, sau khi sinh con đẻ cái thì không còn tâm trạng để đi học. Những khó khăn trong vấn đề giải quyết việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, kể cả các đối tượng học theo chế độ cử tuyển khiến nhiều em không đủ quyết tâm theo đuổi việc học.
Việc 42 trong số 54 học sinh bỏ học của trường THPT Mường Lát đều thuộc diện được hưởng các chính sách hỗ trợ tiền và gạo của nhà nước khiến nhiều người đặt câu hỏi các chính sách này có thật sự mang lại hiệu quả như mong đợi?
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, thầy Đoàn Ngọc Thanh (Hiệu trưởng trường THPT Mường Lát) cho biết: "Hiện nay, phần lớn học sinh trong trường đều nằm trong diện đói, nghèo và là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ gạo, tiền của nhà nước theo Quyết định 36 (Quyết định 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) và Quyết định 12 (Quyết định 12/2013/QĐ-TTg ngày 24/1/2013 về chính sách hỗ trợ học sinh THPT ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.) của Chính phủ.
Theo đó, mỗi tháng, mỗi học sinh nằm trong diện được hưởng chính sách sẽ được hỗ trợ 15kg gạo, cộng thêm khoản hỗ trợ tiền ăn tương đương với 40\% mức lương tối thiểu chung và tiền ở tương đương 10\% mức lương tối thiểu chung đối với những học sinh phải tự túc chỗ ở. Đây là những chính sách vô cùng đúng đắn của Chính phủ giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp tục đến trường nhưng trên thực tế, cách thực hiện các chính sách này ở địa phương còn một số vấn đề bất cập".
Qua chia sẻ của thầy Thanh, chúng tôi được biết, số gạo nhà nước hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường hiện đang được cấp thành các đợt, mỗi đợt gộp từ 4 - 5 tháng. Như vậy, tổng số gạo cấp cho mỗi học sinh trong một đợt 5 tháng là 75kg, một số gạo không nhỏ. Trong khi đó, phần lớn học sinh đều ở nội trú, mỗi phòng có đến 14 - 15 em, nhiều khi cũng không biết để gạo vào đâu cho hết.
Hơn nữa, với số gạo này, mỗi em phải ăn trong vòng 5 - 6 tháng mới hết cho nên việc bảo quản gặp không ít khó khăn. Một phần sợ gạo để lâu bị hư hỏng, một phần vì thiếu thốn nên nhiều em đã mang gạo ra chợ bán để lấy tiền mua sắm.
Trong khi đó, tiền hỗ trợ cho các em lại chỉ cấp thành một đợt duy nhất gộp cả 9 tháng, cấp vào dịp cuối năm học và không cấp trực tiếp cho các em mà bàn giao về chính quyền xã, địa phương thực hiện công việc này.
Điều này dẫn đến tình trạng, nhiều ông bố, bà mẹ sau khi đến xã lĩnh tiền hỗ trợ cho con đã cầm đi tiêu hết. Không ít trường hợp, các em học sinh về nhà với tâm trạng hí hửng sẽ được lấy tiền hỗ trợ đi mua sách vở, đồ dùng học tập nhưng đến khi hỏi bố "tiền đâu?", thì chỉ nhận được cái lắc đầu rất vô tư: "Mua rượu uống hết rồi!".
Nên thay đổi cách thức hỗ trợ Trước thực trạng trên, thầy Thanh có đưa ra đề xuất: Đối với gạo hỗ trợ, nên giao cho các trường quản lý và tiến hành cấp làm nhiều lần trong tháng cho học sinh để việc bảo quản gạo được đảm bảo và thuận tiện cho các em trong sinh hoạt. Đối với tiền hỗ trợ, nên cấp rải đều ra từng tháng và cấp trực tiếp cho học sinh để các em dùng tiền đó phục vụ cho việc học tập của mình. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thanh-hoa-hoc-sinh-mien-nui-bo-hoc-vi-ngoi-nham-lop-gia-tang-a28543.html