Mặc dù vừa mới có quyết định giao đất (đợt 1) để thực hiện dự án, thế nhưng, chủ đầu tư đã tùy tiện bất chấp quy định của Luật Đất đai, bố trí tái định cư trên đất chưa có quy hoạch đất ở từ nhiều năm qua. Và điều kỳ lạ là cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý.
Tùy tiện làm bừa
Ngày 02/8/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định số 2926/QĐ-UBND về việc giao đất, cho Công ty TNHH SoTo (Cty SoTo) thuê đất để thực hiện dự án Đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang (đợt 1) tại xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương, với tổng diện tích là 356.064,7 m2, bao gồm: diện tích để sử dụng vào mục đích đất ở (đất biệt thự); đất dịch vụ thương mại; đất sử dụng mục đích căn hộ cho thuê, đất nhà ở liền kề tái định cư, đất giao thông, đất cây xanh, quảng trường…
Biên bản thỏa thuận giữa Cty SoTo và hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thọ |
Nội dung quyết định nêu rõ: “Cty SoTo có trách nhiệm đầu tư xây dựng hạ tầng, kỹ thuật, xây dựng nhà văn hóa theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt và đảm bảo đúng tiến độ đầu tư theo quy định. Sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng, Cty SoTo bàn giao diện tích đất trên gắn liền với hạ tầng kỹ thuật, nhà văn hóa cho UBND huyện Quảng Xương để quản lý và giao đất tái định cư cho các hộ, cá nhân theo quy định của pháp luật hiện hành.”
Trước đó, ngày 02/3/2011, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có quyết định số 616/QĐ-UBND (nay được bổ sung, thay thế bằng quyết định 2926/QĐ-UBND nêu trên – PV) về việc thu hồi đất; cho phép chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp và đất rừng sang đất phi nông nghiệp tại xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương giao cho Chi nhánh Cty SoTo tại Thanh Hóa để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dự án: Đô thị du lịch Biển Tiên Trang.
Như vậy, trước thời điểm có quyết định giao đất đợt 1, theo số 2926/QĐ-UBND ngày 02/8/2018, thì UBND tỉnh Thanh Hóa chưa có một văn bản nào khác liên quan đến việc giao cho Cty SoTo quỹ đất ở, hay đất ở nhà liền kề… để phục vụ cho việc cấp đất cho các hộ gia đình thuộc dạng TĐC ngoài quyết định số 616/QĐ-UBND về việc chuyển đổi, giao đất cho Cty SoTo để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dự án: Đô thị du lịch Biển Tiên Trang.
Thế nhưng, nhiều người dân sinh sống nơi đây vô cùng bức xúc phản ánh với báo chí về việc Cty SoTo trong thời gian triển khai DA đã có nhiều sai phạm như: tùy tiện bố trí tái định cư trên đất chưa có quy hoạch đất ở; có những hộ đã giao đất nhưng đến nay chưa nhận được đất TĐC, hoặc thậm chí đã cắt xén cả tiền đền bù…
Theo tìm hiểu của PV, năm 2008, khi bắt đầu triển khai DA, ông Phạm Đình Hải, Giám đốc Cty SoTo (chủ đầu tư) đã thương lượng, mua lại đất với giá thỏa thuận, kèm 200m2 đất ở (đối với một số gia đình diện TĐC). Tuy nhiên, có nhiều hộ sau khi di chuyển, nhận đất làm nhà nhưng đến nay vẫn không làm được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Theo phản ánh của người dân, lý do vì đất TĐC cũng là đất lâm nghiệp, chưa được quy hoạch, chuyển đổi nên không thể làm được giấy tờ hợp pháp hóa.
Bên cạnh đó, PV cũng đã ghi nhận tại khu DA có hơn chục ngôi nhà thuộc dạng TĐC (chưa được cấp sổ đỏ), phần lớn là nhà xây kiên cố 3-4 tầng nằm dọc bãi biển phía đông đường 4C (!?)
Rất nhiều ngôi nhà TĐC chưa được cấp sổ đỏ. |
Bà Lê Thị Nga, thôn Tiên Thắng, xã Quảng Lợi cho biết: Trươc kia nhà bà có tổng diện tích 4 sào đất của cha ông để lại, gia đình đã làm nhà, trồng phi lao và sinh sống ổn định tại đây. Khi DA Du lịch Tiên Trang được cấp phép, ông Hải đã đến thương lượng với gia đình để “mua lại” đất phục vụ DA. Ban đầu ông đưa ra tổng mức đền bù rất thấp nên gia đình không chấp nhận. Cuối cùng, ông Hải nâng lên con số 500 triệu cùng 1 lô đất, gia đình mới chấp nhận và bàn giao mặt bằng, nhận tiền và đất TĐC để làm nhà, ổn định cuộc sống.
“Ông Hải có hứa khi gia đình xây nhà xong sẽ lo giấy tờ trích lục, nhưng cho đến nay gia đình tôi chưa cầm được một mảnh giấy nào liên quan đến nhà đất. Trước kia ở nơi cũ, gia đình còn có việc làm, nguồn thu từ nghề cá, mắm, trồng cây. Ra nơi ở mới, không có việc gì làm, số tiền đền bù thì xây nhà mới còn chưa đủ, phải vay mượn thêm, cuộc sống gia đình hiện rất khó khăn”, Bà Nga chia sẻ thêm.
Chính quyền "né" thông tin?
Trao đổi với chủ tịch UBND xã Quảng Lợi - ông Hoàng Công Đương, cho biết: “Khi đó tôi chưa về đây làm chủ tịch, hiện trên địa bàn xã có 12 hộ, thuộc 3 thôn được TĐC nhưng đến nay chưa có trích lục đất. Việc xã để cho người dân tự xây nhà 2, 3 tầng trên đất lâm nghiệp khi đó là hoàn toàn sai luật. Tuy nhiên, lúc đó không thể theo nguyên tắc được, bà con đã giao đất cho DA, nếu không cho xây thì sẽ không có chỗ ở.”
Liên quan đến vụ việc trên, chúng tôi đã liên hệ với ông Trần Văn Công – Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương để đặt lịch làm việc, thế nhưng không hiểu vị chủ tịch này vì nguyên nhân gì đã tắt ngang máy khi chúng tôi vừa giới thiệu là phóng viên, đang cần nắm bắt thông tin liên quan đến DA Biển Tiên Trang. Sau ba ngày liên tiếp chúng tôi liên lạc nhưng vị này cũng không nghe máy.
Trong quá trình xác minh thông tin, chúng tôi đã đến UBND huyện đặt lịch làm việc tuy nhiên Chánh văn phòng là ông Đỗ Trí Hòa không có ở văn phòng. Tiếp đến ông Hòa cũng như vị chủ tịch UBND huyện, sau khi nghe giới thiệu là phóng viên muốn tìm hiểu về DA khu du lịch Tiên Trang thì ông ừ ừ hẹn hôm sau. Thế nhưng, sau đó chúng tôi đã liên lạc quá nhiều lần vị này đều không nghe máy dù đổ chuông (!?).
Trước những biểu hiện bất thường khi phớt lờ cung cấp thông tin cho báo chí của UBND huyện Quảng Xương như thế, dư luận đặt câu hỏi phải chăng Cty SoTo (chủ DA) và UBND huyện Quảng Xương có điều gì khuất tất tại DA Đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang?
Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hoá, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị chức năng vào cuộc làm rõ vụ việc.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Doãn Tài