+Aa-
    Zalo

    Thanh Hóa: Bé gái nguy kịch vì uống nhầm thuốc diệt chuột giống lọ siro

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một bé gái 2 tuổi ở Thanh Hóa vừa thoát ly nguy hiểm sau khi uống lọ thuốc diệt chuột của Trung Quốc có bề ngoài trông giống với lọ siro hoa quả.

    Một bé gái 2 tuổi ở Thanh Hóa vừa thoát khỏi nguy hiểm sau khi uống lọ thuốc diệt chuột của Trung Quốc có bề ngoài trông giống với lọ siro hoa quả.

    Người lao động đưa tin, ngày 31/3, bác sĩ Lê Đăng Khoa, Giám đốc bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho biết các y, bác sĩ của bệnh viện vừa cứu sống thành công một bé gái 2 tuổi do uống nhầm thuốc diệt chuột.

    Lọ thuốc diệt chuột của Trung Quốc có màu sắc bắt mắt, dễ khiếc các bé tưởng nhầm là siro hoa quả. Ảnh minh họa

    Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 22h40 ngày 25/3, bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận 1 bệnh nhi là L.T.N.D. (24 tháng tuổi, ngụ xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia), nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật giờ thứ 6.

    Người nhà bệnh nhi cho hay, khoảng 17h ngày 25/3, bé D. có uống nhầm thuốc diệt chuột (màu đỏ, nguồn gốc Trung Quốc) không rõ số lượng, sau 1 giờ bệnh nhân xuất hiện nôn và được đưa tới BVĐK huyện Tĩnh Gia, xử trí cấp cứu rửa dạ dày, uống than hoạt tính, truyền dịch thải độc.

    Tuy nhiên 3h sau, bệnh nhân xuất hiện co giật toàn thân, hôn mê nên đã được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện Nhi Thanh Hóa điều trị.

    Ngay lập tức, các y, bác sĩ bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã tiến hành các bước cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị thải độc theo phác đồ của bộ Y tế nên bệnh nhân đã may mắn được cứu sống.

    "Sau 6 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân sức khỏe hiện đã ổn định và đã được cho xuất viện ngày 30/3"- ông Khoa thông tin.

    Trước đó, ngày 18/12/2019, bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) cũng đã cứu sống một bé gái 5 tuổi uống nhầm phải thuốc diệt chuột. Bệnh nhi là Nguyễn Hoàng A. (5 tuổi, trú tại phường Hồng Phong, thị xã Đông Triều), nhập viện ngày 14/12/2019, trong tình trạng hôn mê, khó thở, người tím tái…

    Thông tin từ gia đình bệnh nhi cho biết, trong lúc chơi đùa ở nhà, bé A. thấy lọ thuốc diệt chuột màu hồng bắt mắt, tưởng là nước ngọt nên đã cắn ra và uống.
    Sau khoảng 10 phút, bé gái có biểu hiện đau bụng, nôn ra thức ăn. Rất may gia đình đã phát hiện kịp thời và đưa cháu đi bệnh viện cấp cứu.

    Được các bác sĩ tận tình tiến hành điều trị, bé A. đã thoát ly nguy hiển, sức khỏe dần ổn định và được xuất viện sau 3 ngày điều trị.

    Liên quan đến việc nhiều trẻ em ngộ độc thuốc diệt chuột do tưởng nhầm là nước siro, bác sĩ Ngô Việt Hưng, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa), cho biết từ đầu năm 2020 tới nay, bệnh viện đã tiếp nhận và cấp cứu cho 5 trường hợp do uống nhầm thuốc diệt chuột.

    "Lọ thuốc diệt chuột do Trung Quốc sản xuất trông rất giống với một số lọ siro hoa quả (thường có màu hồng đỏ) nên các cháu nhỏ dưới 6 tuổi rất dễ nhầm lẫn và uống phải"- bác sĩ Hưng nói.

    Được biết, loại thuốc diệt chuột do Trung Quốc sản xuất có chứa Natri Flouro acetat, là một chất cực độc có thể gây suy tim, rối loạn nhịp tim nặng, hôn mê co giật. Loại thuốc này đã bị cấm lưu hành tại Việt Nam. Fluoroacetat gây độc bằng ức chế chuyển hóa của tế bào, ức chế hô hấp tế bào, mất dự trữ năng lượng, gây chết tế bào, cơ quan tổn thương nhiều nhất là cơ, tim, não và thận. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong ngay lập tức.

    "Để tránh tình trạng trẻ bị ngộ độc đáng tiếc, các bậc phụ huynh có con nhỏ phải cẩn thận hơn trong việc bảo quản sử dụng và cất giữ các loại chất độc trong gia đình, tránh xa tầm tay của trẻ, không để chung với các loại thuốc điều trị khác"- ông Hưng khuyến cáo.

    Minh Khôi (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thanh-hoa-be-gai-nguy-kich-vi-uong-nham-thuoc-diet-chuot-giong-lo-siro-a317610.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan