+Aa-
    Zalo

    Thăng trầm nghề đúc lư đồng An Hội giữa Sài thành

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Không ai ngờ, giữa chốn phố thị phồn hoa Sài thành vẫn tồn tại một làng nghề đúc lư đồng có tuổi đời hàng trăm năm.

    Không ai ngờ, giữa chốn phố thị phồn hoa Sài thành vẫn tồn tại một làng nghề đúc lư đồng có tuổi đời hàng trăm năm. Không ồn ào, náo nhiệt, những người thợ ở đây vẫn hăng say làm việc để tiếp tục giữ lửa làng nghề.

    Trăm năm danh tiếng...

    Làng đúc lư đồng An Hội (phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM) xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 và phát triển theo những thăng trầm của TP.HCM. Thị trường chuyển biến mạnh mẽ cùng với quá trình đô thị hóa quá nhanh đã khiến nhiều làng nghề truyền thống mai một, có nguy cơ bị xóa sổ. Tuy nhiên, mặc cho sự thăng trầm phát triển của xã hội, những nghệ nhân làng nghề An Hội vẫn giữ được nét truyền thống riêng cho mình. Đến nay, làng nghề vẫn còn một số xưởng nhỏ và một vài hộ gia đình bám trụ theo nghề.

    Tìm đến làng lư đồng An Hội vào những ngày cuối năm, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ ông Trần Văn Thắng (71 tuổi), người có thâm niên gần 50 năm trong nghề đúc lư đồng. Tại đây, chúng tôi được nghe ông kể về chặng đường thịnh, suy của nghề. Theo ông Thắng, nghề đúc đồng xuất hiện ở TP.HCM đã trên 200 năm nay. Xưa sôi động nhất là các lò ở Chợ Quán, Phú Lâm. Người Gò Vấp xưa có nghề trồng hoa kiểng nổi tiếng nhưng dòng họ Trần thì lại không có người theo nghề này.

    Những sản phẩm làm ra có mặt khắp Nam Kỳ lục tỉnh, thậm chí xuất sang cả nước láng giềng như: Campuchia, Lào, Myanmar... Và nghệ nhân khai sáng nghề đúc lư đồng tại An Hội là ông Trần Văn Kỉnh (hay còn gọi là ông Năm Kỉnh). Ông Thẳng kể: “Vì kinh tế khó khăn, để có nghề sinh nhai, ông Năm Kỉnh khăn gói ra mấy lò đúc đồng ở khu vực Chợ Quán để học nghề vì lư đồng ở đây được rất nhiều người ưa chuộng với các loại sản phẩm nổi tiếng như: Chảo, tượng phật, đồ tam khí, siêu đao...”.

    “Sau khi cứng nghề, ông về làng truyền nghề cho các hậu bối. Từ đó, hơn 40 cơ sở sản xuất ra đời. Hồi đó ở đây, đi đến đâu cũng thấy đúc lư đồng, ngày thường nhộn nhịp đã kể, chứ ngày Tết đến, người làm, người giao hàng rồi khách đặt hàng ra vào khiến không khí trong vùng lúc nào cũng sôi động. Làng nghề lư đồng An Hội bỗng dưng nổi danh khắp nơi vì những bộ lư tinh xảo”, ông Thắng kể.

    Lư đồng sản phẩm của làng nghề

    Muốn làm nghề, phải có tâm

    Theo quan sát của PV, nghề làm lư đồng khá vất vả bởi phải qua nhiều công đoạn. Tất cả lại làm thủ công nên đòi hỏi người thợ không chỉ có kỹ thuật cao mà còn phải kiên trì, khéo léo và tỉ mỉ. Mỗi thợ thường chỉ đảm nhiệm một công đoạn. Để tạo ra 1 bộ lư đồng hoàn chỉnh, các nghệ nhân ở đây phải thực hiện nhiều công đoạn khác nhau. Người thợ bắt đầu từ việc làm khuôn và nung khuôn để khuôn cứng cáp. Tiếp đến là giai đoạn nấu đồng tan chảy để đổ vào khuôn và làm nguội để lấy sản phẩm.

    Công đoạn cuối cùng là quan trọng nhất, những nghệ nhân tại đây bằng bàn tay điêu luyện của mình sẽ hàn và chạm thêm họa tiết cho những lư đồng và đánh bóng sản phẩm để cho ra 1 bộ lư hoàn chỉnh. Với nhiều công phu nên mỗi bộ lư cần khoảng thời gian 20 ngày mới hoàn chỉnh. Nói về quá trình làm nghề và giữ lửa nghề đúc lư đồng, ông Thắng chia sẻ: “Muốn làm được nghề này, trước tiên cần có cái tâm với nghề. Vì nghề đúc lư đồng là một nghề khá vất vả, đòi hỏi ở người thợ không chỉ có kỹ thuật cao mà còn khéo léo, tỉ mỉ và kiên trì trong mỗi khâu. Từ đó đến tận bây giờ, tôi sống bằng nghề, lớn lên cùng với nghề nên không thể nào từ bỏ được. Bằng mọi cách tôi sẽ cố gắng truyền nghề lại cho con cháu để nghề không bị mai một và mất đi”, ông Thắng cho biết.

    Mai một theo năm tháng...

    Một trong những khó khăn rất lớn với những nghệ nhân làng nghề là những năm gần đây, thị trường lư đồng có sự góp mặt của lư đồng được sản xuất theo mô hình công nghiệp. Điều này khiến những lư đồng được sản xuất thủ công ngày càng ít được ưa chuộng trên thị trường. Theo ông Thắng, chừng 10 năm trước, những tháng cận Tết, về làng lư người ta còn thấy không khí làng nghề rất xôm tụ, thương lái về đặt hàng nườm nượp. Do đó, dù làm cực khổ nhưng ai nấy đều vui vẻ. Hiện nay, làng nghề rơi vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu.

    “Từ làng nghề đông đúc nhộn nhịp với hàng trăm nghệ nhân, công nhân làm việc cả ngày lẫn đêm, nay An Hội chỉ còn 5 hộ gia đình gắn bó với nghề truyền thống gồm các lò Hai Thắng, Năm Toàn, Sáu Bảnh, Ba Cồ và Út Kiển. Những người của thế hệ chúng tôi vẫn luôn bám và theo nghề chứ thế hệ trẻ bây giờ chẳng còn hứng thú với nghề như tôi ngày xưa vì nghề này cực khổ và vất vả. Ngay cả những đứa con của tôi chỉ có 2 đứa theo nghiệp còn mấy đứa kia chọn công việc nhẹ nhàng hơn để làm”.

    Chị Trần Thị Thu Xương, con gái của ông Thắng chia sẻ: “Tôi là con gái lớn trong nhà. Tuy nhiên, mấy em tôi không muốn theo nghề nên tôi quyết định theo nghiệp của cha. Cha tôi thì lớn tuổi rồi, nếu lỡ một mai cha mất đi tôi nghĩ cái nghề này bị mai một thì tiếc lắm nên tôi quyết định sẽ bám nghề và giữ nghề. Tôi mong sao Nhà nước kịp thời hỗ trợ để chúng tôi giữ được làng nghề truyền thống mà vẫn đảm bảo được các tiêu chí về môi trường. Tôi không muốn làng nghề truyền thống của ông cha bị mai một. Vì vậy, tôi và em trai sẽ gắn bó với nghề và phát huy nghề mạnh hơn nữa”.

    Hiện tại, riêng xưởng sản xuất lư đồng Hai Thắng một năm cho ra lò hơn một nghìn sản phẩm các kiểu với những mẫu mã đa dạng để phục vụ nhu cầu thờ cúng cho mọi người. Ngoài ra, xưởng ông còn tạo công ăn việc làm cho hơn 10 nhân công với mức thu nhập khá ổn định. Đây là một trong những xưởng đúc lư đồng theo lối sản xuất thủ công hiếm hoi còn tồn tại trên đất Sài thành. Đối với những cơ sở này, dù khó khăn đến đâu, nghệ nhân vẫn quyết tâm gắn bó với nghề của cha ông. Bởi, làng lư đồng An Hội không chỉ là nơi để sản xuất mà còn là cuộc sống, đứa con tinh thần đã “ăn sâu” vào ký ức của tuổi thơ mỗi người thợ.

    Văn Thi 

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số tháng Tết

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thang-tram-nghe-duc-lu-dong-an-hoi-giua-sai-thanh-a261250.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan