Trong nửa năm đầu, người dân có động thái rút tiền khỏi hệ thống các ngân hàng, diễn biến này trái ngược với cùng kỳ năm 2023 khi tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng liên tục cho đến tháng cuối năm mới đảo chiều. Trước tình hình đầy biến động, các ngân hàng đã "nhích" dần mức lãi suất huy động.
Theo ghi nhận từ báo Dân trí, số lượng ngân hàng có mức lãi suất từ 5%/năm trở lên ngày càng nhiều sau khi được điều chỉnh tăng từ 0,1-0,5 điểm % như:
Eximbank mới đây đã tăng 0,1 điểm % lãi suất ở tất cả kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-2-3 tháng tại đây lần lượt là 3,1%-3,3%-3,4%/năm. Kỳ hạn 12 tháng vừa chạm mốc 5%/năm, kỳ hạn 15 tháng 5,1%/năm.
Hiện lãi suất kỳ hạn 18 tháng đã được Eximbank nâng lên 5,2%/năm. Lãi suất cao nhất thuộc về kỳ hạn 24-36 tháng, ở mức 5,3%/năm.
Trước đó, ngân hàng này cũng đã có 2 lần tăng lãi suất huy động vào tháng 3 và tháng 4.
Cùng chiều hướng tăng là VIB lần gần nhất điều chỉnh tăng 0,2 điểm % cho các kỳ hạn 6-11 tháng, lên mức 4,3%/năm. Lãi suất tiền gửi cao nhất tại VIB vẫn là 5,1%/năm cho các kỳ hạn 24-36 tháng.
Báo Lao động cũng điểm danh top những ngân hàng tăng mức lãi suất cao từ đầu tháng 6 như: PVcomBank kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng đang dẫn đầu (9,5%), áp dụng với khoản tiền gửi từ 2.000 tỉ đồng trở lên.
Kế tiếp là HDBank, với lãi suất cao nhất là 8,1% áp dụng tại kỳ hạn gửi tiền 13 tháng với số tiền gửi từ 500 tỉ đồng trở lên.
Bên cạnh đó, HDBank cũng niêm yết kỳ hạn gửi tiền 12 tháng với lãi suất cao nhất là 7,8%, áp dụng khi gửi tiền từ 500 tỉ đồng trở lên.
Tại OCB, kỳ hạn áp dụng lãi suất cao nhất là 36 tháng (6,0%); kế tiếp là kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 5,8%.
Lãi suất huy động cao nhất đầu tháng 6 của NCB là 5,9%, áp dụng với kỳ hạn gửi tiền từ 18 tháng trở lên.
MSB cũng áp dụng mức lãi suất khá cao với lãi suất tiền gửi tại quầy ngân hàng lên tới 8%/năm cho kì hạn 13 tháng. Điều kiện áp dụng là sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1/1/2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế, đối với những ngân hàng có lãi suất cao vượt bậc lên đến 7-9%/năm cũng đòi hỏi khách hàng đáp ứng điều kiện ngân hàng đưa ra.
Công thức tính tiền lãi gửi ngân hàng:
Tiền lãi = Tiền gửi x lãi suất (%)/12 tháng x kỳ hạn gửi tiền.
Ví dụ: Khách hàng gửi 200 triệu tại ngân hàng Agribank từ đầu tháng 6 tùy vào kỳ hạn gửi tiền là lãi suất tương ứng, số tiền lãi bạn nhận được sẽ khác nhau. Trường hợp gửi trong 24 tháng, khách hàng sẽ nhận mức lãi suất 4,7%/năm tương đương 18,8 triệu đồng