Từng là giáo viên, sau khi nghỉ việc, bà Tý bắt đầu nhận chữa bệnh. Bệnh nhân của bà là những người bị gãy xương, sai khớp, đau lưng... Cách chữa bệnh của bà Tý cũng rất khác người: Không cần khám xét, không xem phim chụp, cũng không bắt mạch kê đơn..., “thần y” chỉ dùng tay bẻ cổ, bẻ chân, vuốt sống lưng bệnh nhân là... khỏi bệnh!
Muốn chữa bệnh, phải... “ngoan”
PV báo ĐS&PL có mặt tại thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang vào giữa trưa hè tháng Bảy nắng nóng. Thời tiết oi bức nên đường thị trấn khá vắng vẻ, ít người qua lại. Tuy nhiên, trước cửa số nhà 257 khu Dốc Đồn, thị trấn Chũ lại có rất nhiều người đứng xếp hàng dài hoặc tụ tập thành từng nhóm nhỏ, thậm chí đứng tràn ra lòng đường khiến xe cộ đi qua phải bấm còi inh ỏi.
Qua tìm hiểu của PV, được biết số nhà 257 là nơi chữa bệnh của bà Hoàng Thị Tý (còn được gọi là cô Tý). Bà này được mệnh danh là “thần y”, chuyên chữa bệnh gãy xương, sai khớp, đau lưng... Những người tụ tập trước cửa nhà chính là bệnh nhân đang chờ tới lượt chữa bệnh.
Để xác minh những thông tin trên, nhóm PV nhanh chóng hòa vào dòng người đang xếp hàng. Tuy là cơ sở chữa bệnh của bà Tý nhưng ngoài cửa nhà không thấy có biển hiệu quảng cáo cũng như tên của lương y. Ngôi nhà khá cũ, bên trong không có dụng cụ y tế hay bất cứ vật dụng gì liên quan tới ngành y, chỉ có một chiếc ban thờ nghi ngút khói hương cùng một chiếc trường kỉ và một chiếc giường. Xung quanh nhà bà Tý là các dịch vụ trông xe, nhà trọ, quán nước hoạt động khá rôm rả. Họ chia nhau ra chào mời những người khách tứ phương đến chữa bệnh.
Trong vai một người dân Thủ đô lặn lội lên tìm “cô Tý” để chữa bệnh đau lưng, PV báo ĐS&PL đã có “cơ hội” mục sở thị cách chữa bệnh của vị “thần y” này.
Khoảng 13h30 ngày 27/7, người đến chữa bệnh đã đông và xếp thành hàng dài. Tuy nhiên, theo chia sẻ của những hộ dân xung quanh thì lượng người đến chữa bệnh ngày hôm đó là khá ít, bởi có những ngày người bệnh phải xếp hàng đến 1km.
Qua quan sát, những bệnh nhân tới đây thuộc nhiều lứa tuổi nhưng chủ yếu là người già và phụ nữ. Đa phần họ bị gãy tay, chân hoặc có bệnh liên quan tới cột sống, xương khớp, có những người không đi nổi cũng được người nhà dìu tới tận nơi.
Người đàn ông giúp việc cho “cô” Tý còn lăng mạ, xúc phạm bệnh nhân. |
Đang loay hoay không biết phải làm những thủ tục gì để được khám bệnh, PV giật mình khi nghe thấy tiếng quát nạt của 2 người đàn ông, một già, một trẻ đang ngồi trước cửa nhà. Họ đang hướng dẫn mọi người xếp hàng. Hai người đàn ông này liên tục rao giảng thủ tục để được vào chữa bệnh.
Theo đó, người đến chữa bệnh không cần làm thủ tục giấy tờ gì cả, chỉ cần “ngoan ngoãn” xếp hàng theo thứ tự, đến lượt ai thì tự động đi vào. Nhiều người, đặc biệt là những người già chưa kịp nghe rõ chỉ dẫn thì lập tức bị 2 người đàn ông này quát nạt. Mặc cho người bệnh có thanh minh, nài nỉ, thậm chí van xin nhưng họ vẫn tiếp tục chửi bới, xưng mày - tao với người bệnh. PV càng ngạc nhiên hơn khi thấy 1 người phụ nữ trung tuổi từ trong nhà bước ra chửi xối xả những người không chịu xếp hàng.
Những người có mặt ở đó cho biết, người đàn bà này chính là “cô Tý”, vị “thần y” chuyên chữa bệnh giúp người. Nhiều bệnh nhân và người nhà đã lắc đầu ngao ngán trước những hành động này nhưng phải cố gắng kiềm chế cho xong chuyện.
Chữa bệnh thần tốc
Theo tìm hiểu của PV, bà Tý hành nghề chữa bệnh đã nhiều năm nay. Rất nhiều người dân trong tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận tìm về với mong muốn được bà chữa trị. Theo lý giải của đội ngũ “bảo vệ” trước cửa nhà bà này, “cô Tý” không lấy tiền của ai mà để họ "tùy tâm". Sau khi khám xong, người bệnh đặt tiền lên chiếc đĩa trên ban thờ.
Theo chia sẻ của người dân, người bệnh đến đây thường đặt ít nhất 50.000 đồng. Với những bệnh nhân bị gãy xương, sau khi “cô Tý” chữa xong sẽ được phát thêm một cuộn băng gạc với giá 10.000 đồng. Số tiền này do 2 người đàn ông ngồi ngoài cửa trực tiếp thu.
“Thần y” chữa bệnh bằng cách bẻ ngược chân của bệnh nhân mà không cần khám xét. |
Điều khá đặc biệt ở cơ sở được coi là “kỳ diệu” này là bất kể bệnh nhân bị bong gân, chệch khớp hay gãy xương... đều được “thần y” chữa trị một cách chớp nhoáng. Theo đó, trung bình mỗi bệnh nhân được “cô” Tý chữa trị chỉ từ 1 đến 2 phút là xong. Chính vì thế, dù lượng bệnh nhân có kéo đến rất đông nhưng chỉ trong 2 giờ đồng hồ là “thần y” đã giải quyết xong, kể cả những ca bệnh nặng nhất. Khi kết thúc việc khám chữa bệnh, mỗi bệnh nhân sẽ được phát 1 gói thuốc đã tán nhỏ, màu xanh thẫm để đắp lên vết thương.
Khi được hỏi, bệnh khác nhau nhưng lại được phát chung 1 loại thuốc, họ đều lắc đầu và khẳng định “cô” bảo dùng thì cứ dùng, không được hỏi!
Sau thời gian dài xếp hàng và đặt 50.000 đồng lên ban thờ, “cô” Tý bảo PV nằm lên chiếc trường kỉ. Nghe PV nói mình bị đau lưng, vị “thần y” này không hề khám xét mà lập tức chữa bệnh ngay. Theo lời chỉ dẫn, PV nằm úp mặt, duỗi tay ra sau, “cô” Tý luồn tay vào trong áo PV, vuốt nhẹ từ gáy xuống hông, sau đó dùng hai tay nắm lấy chân phải của PV bẻ ngược ra đằng sau. Tiếp đó, PV được lệnh ngồi dậy, vị “thần y” này liền giữ đầu và cằm rồi vặn rất nhanh. Cả quá trình “điều trị” chỉ vẻn vẹn chưa đầy...1 phút.
Kết thúc, “cô” Tý chỉ nói cụt ngủn một câu: “Xong rồi” và không dặn thêm điều gì mà chuyển sang chiếc giường được kê đối diện để trị bệnh cho 1 người bị gãy tay cũng với phương pháp như đã làm với PV.
"Trò chuyện với PV, chị Nguyễn Thị H. (SN 1975, trú tại huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội) cho biết, em gái chị bị gãy xương, phải lên Bắc Giang nhờ “cô Tý” chữa bệnh. Tính đến ngày hôm nay, chị em chị đã ở nhà trọ 3 ngày nhưng vẫn chưa đến lượt chữa trị. Trong suốt cuộc trò chuyện, PV luôn bị cắt ngang bởi tiếng trẻ con khóc thét cùng với tiếng quát mắng được cho là của “cô” Tý. Đứa trẻ bị gãy xương bả vai, sau khi xếp hàng vào chữa bệnh đã được “cô” “trị bệnh” bằng cách kéo tay sang hai bên. Chứng kiến cảnh đó, trên khuôn mặt của những người đang xếp hàng không giấu được sự lo lắng." |
Quang Linh - Đỗ Chang