Vụ việc diễn ra sau giờ tan học buổi sáng ngày 12/9 (sau khai giảng 1 tuần) tại lớp 8B trường THCS Nam Tiến.
Theo tường trình của những học sinh liên quan, nguyên nhân dẫn đến sự việc trên được cho rằng, trong quá trình liên hoan Trung Thu trước đó (ngày 9/9), em Nguyễn Thúy H. (lớp 8B) nhìn đểu Dương Chu Bảo N. (lớp 8B) và Nguyễn Thị Hồng A. (lớp 8B).
Sau khi bị bạn đánh, em Nguyễn Thúy H. và một số học sinh khác có mặt chứng kiến đã che giấu toàn bộ sự việc, không báo cáo giáo viên, Nhà trường, gia đình và vẫn đi học bình thường.
Đến tối ngày 13/9, giáo viên chủ nhiệm lớp mới nhận được tin báo của gia đình rằng em H. bị các bạn đánh.
Ngay trong đêm, giáo viên chủ nhiệm đã đến nhà học sinh H. và các em liên quan để tìm hiểu sự việc.
Sáng ngày 14/9, giáo viên chủ nhiệm lớp 8B và 8C đã triệu tập các phụ huynh và học sinh liên quan về phòng Hội đồng Nhà trường để tường trình sự việc, kiểm tra, thu thập các hình ảnh, video, làm rõ sự việc và báo cáo Ban Giám hiệu.
Ngày 14/9, Chi bộ, Ban Giám hiệu Trường THCS Nam Tiến và giáo viên chủ nhiệm đã tổ chức cuộc họp để xác minh sự việc. Đồng thời, Nhà trường tổ chức họp Hội đồng sư phạm triển khai quy trình xem xét, kỷ luật những học sinh vi phạm theo quy định.
Theo đó, với 3 học sinh trực tiếp tham gia đánh em Nguyễn Thúy H., Hội đồng kỷ luật Nhà trường quyết định đình chỉ học tập 2 tuần.
Đối với những học sinh thấy bạn bị đánh nhưng thờ ơ, vô cảm không can ngăn, báo cho Nhà trường, thậm chí còn quay video, bị đình chỉ học tập 1 tuần.
Tại giờ sinh hoạt lớp 8B, 8C, có sự tham dự của các phụ huynh, giáo viên đã tổ chức họp xét kiểm điểm học sinh ngay trên lớp.
Về phía Phòng GD&ĐT TP.Phổ Yên, sau khi xem xét vụ việc, đã tiến hành kiểm điểm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nam Tiến và yêu cầu Hiệu trưởng Nhà trường kiểm điểm các tập thể và cá nhân có liên quan.
Từ vụ việc nêu trên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT yêu cầu lãnh đạo Trường THCS Nam Tiến thẳng thắn nhìn nhận thấu đáo, đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý, giáo dục học sinh. Thời gian tới, Nhà trường cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học cho học sinh. Đối với đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, phải gắn bó mật thiết, tăng cường nắm bắt các thông tin từ phía phụ huynh, học sinh, đặc biệt là hoàn cảnh của từng em để có biện pháp giáo dục phù hợp.
Việt Hương (T/h)