Nhờ liên tục nhận được sự “ưu ái” của chính quyền, doanh nghiệp đã tiến từng bước để đạt được mục đích cuối cùng....
Nhiều hộ dân tố việc doanh nghiệp hành xử theo kiểu xã hội đen |
Trong suốt quá trình đó, bất chấp sự phản ứng về những sai phạm từ dự án không chỉ làm đảo lộn đời sống của các hộ liền kề mà theo người dân, chủ doanh nghiệp còn sử dụng những đối tượng đặc biệt kiểu “xã hội đen” để trấn áp họ.
Trên danh nghĩa xây dựng phòng nghiên cứu, nuôi cấy mô tế bào để phục vụ sản nông nghiệp chất lượng cao nên Cty TNHH Chế biến lâm sản - thương mại Từ Sơn đã được giao hàng nghìn m2 đất cách trung tâm TP Thái Nguyên chưa tới 4km. Tuy nhiên, sau 3 năm được giao đất, doanh nghiệp này đã “biến”các phòng nuôi cấy mô thành 4 dãy nhà trọ và hàng chục ki-ốt để cho thuê kiếm lời.
Biến tướng
Dự án được Cty TNHH chế biến lâm sản - thương mại Từ Sơn (TP. Thái Nguyên) chọn thuộc nhóm ngành ưu tiên, khuyến khích đầu tư. Dự án có nội dung xây dựng phòng nghiên cứu, nuôi cấy mô tế bào để ươm giống hoa, cây cảnh chất lượng cao. Trên danh nghĩa đó, năm 2008, Cty đã được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép các thủ tục liên quan đến đầu tư, cho thuê để chuyển mục đích sử dụng 7.182,6m2 đất tại xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên). Đây là khu đất có vị trí đắc địa, lợi thế đối với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
Tuy nhiên, sau 3 năm được giao đất, người ta không hề thấy sự hiện diện nào của cái được gọi là dự án phát triển công nghệ sinh học, góp phần từng bước chuyển dịch trong sản xuất nông nghiệp. Khu văn phòng Cty TNHH Chế biến lâm sản - thương mại Từ Sơn lại là các cửa hàng bán đồ ăn sáng; cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Cty về mô tế bào được “biến” thành hiệu cắt tóc gội đầu. Các phòng nuôi cấy mô “biến” thành 4 dãy nhà trọ cho thuê.
Theo tìm hiểu của PV NNVN, ngay sau khi được cấp giấy CNQSDĐ, lãnh đạo doanh nghiệp này đã tự ý chuyển đổi 1.400m2 đất nông nghiệp sang xây nhà trọ mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; sử dụng 502,5m2 đất sai mục đích.
Những sai phạm về đất đai và đầu tư trong Dự án nói trên đã bị Sở TN-MT xử phạt vi phạm hành chính. Những tưởng, Dự án sẽ bị thu hồi giấy phép thì nó lại được chuyển sang bước thứ 2 khá êm ả. Năm 2011, Cty TNHH chế biến lâm sản - thương mại Từ Sơn đã được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án mới có tên là xây dựng Khu dân cư (KDC) số 1 (xã Quyết Thắng) với diện tích 1,1 ha. Không chỉ là Dự án “đầu voi, đuôi chuột” mà kiểu lập lờ đánh lận, chuyển từ xây dựng khu nuôi cấy mô, công nghệ sinh học sang xây dựng khu dân cư được nhiều người cho là Dự án “treo đầu dê, bán thịt chó”.
Chưa dừng lại ở đó, tháng 12/2012, UBND tỉnh Thái Nguyên lại tiếp tục điều chỉnh ranh giới thực hiện dự án đầu tư KDC số 1 (xã Quyết Thắng). Từ diện tích ban đầu chỉ có hơn 7.000 m2, được nâng lên thành 1,1 ha thì việc điều chỉnh ranh giới đã cho phép Cty này thực hiện Dự án trên diện tích 2,5 ha. Về tổng thể, KDC số 1 nói trên có diện tích 9,2 ha được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cho Trung tâm phát triển quỹ nhà đất tỉnh đầu tư xây dựng.
Vì việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT), ranh giới thực hiện Dự án cho Cty TNHH chế biến lâm sản - thương mại Từ Sơn nên Trung tâm phát triển quỹ nhà đất tỉnh Thái Nguyên chỉ còn thực hiện Dự án trên diện tích 6,7 ha. Ông Hoàng Quốc Khánh (Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ nhà đất và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên) cho biết, diện tích 2,5 ha được giao cho Cty TNHH chế biến lâm sản - thương mại Từ Sơn là phần lõi, vị trí trung tâm, đắc địa nhất của cả Dự án.
Rõ ràng, việc “núp bóng” để xây dựng Khu dân cư như vậy càng khiến dư luận hoài nghi có sự chỉ đạo, giật dây buộc Trung tâm phát triển quỹ nhà đất và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên dù không muốn vẫn phải miễn cưỡng chấp thuận cho doanh nghiệp khác nghiễm nhiên hưởng lợi kiểu “cốc mò, cò xơi”.
Lấn chiếm đất?
Bà Nguyễn Thị Tuyết ở xóm Sơn Tiến, xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên) cho biết, khi doanh nghiệp về, nghe cán bộ giải thích đây là dự án nuôi cấy mô để nhân giống hoa, cây cảnh, lại tuyển con em vào làm công nhân nên các hộ trong xóm tôi mới đồng tình giao đất để hy vọng được đơn vị tạo công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ, giúp bà con chuyển đổi cây trồng. Nào ngờ, Công ty lại san mặt bằng xây nhà trọ, xây ki-ốt để cho thuê kiếm lời nên chúng tôi rất bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Gái (một người dân khác) cho biết, doanh nghiệp liên tục thực hiện hành vi lấn đất của dân bằng cách đổ đất san nền lên trên đất sản xuất. Khi dân có ý kiến thì đại diện doanh nghiệp coi như sự đã rồi. “Tôi có 2 thửa ruộng bị lấn chiếm, gào suốt 5, 6 năm nay nhưng hết lần nọ đến lần kia, họ hứa hẹn bồi thường song cuối cùng là mất hút con mẹ hàng lươn” - bà Gái nói.
Mới đây, vào tháng 1/2014, một số hộ dân đã viết đơn đề nghị chính quyền giải quyết tranh chấp đường đi chung. Theo đó, trong quá trình san lấp mặt bằng, Cty TNHH chế biến lâm sản - thương mại Từ Sơn đã cho máy xúc, máy ủi đào lấn vào đường đi chung của các hộ dân. Bà Nguyễn Thị Nhân ở xóm Sơn Tiến, xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên) cho biết, không chỉ đào lấn vào đường đi chung của các hộ dân mà máy xúc, máy ủi của doanh nghiệp còn làm vỡ đường ống thoát nước của chúng tôi.
Hành xử theo kiểu “xã hội đen”
Phóng viên đã bị một thanh niên liên tục “chăm sóc”, cản trở ghi hình và “đuổi” ra khỏi đất của Công ty |
Khi khảo sát thực địa, ngoài những thắc mắc, bức xúc có cơ sở của người dân, chúng tôi cũng đã bị một thanh niên có vẻ ngoài bặm trợn liên tục “chăm sóc”, cản trở ghi hình và đuổi “đất Công ty, vào làm gì?”. Chúng tôi đã phải liên hệ đến công an địa phương nhờ can thiệp để làm nhiệm vụ.
Phản ứng với những động thái của doanh nghiệp, các hộ dân đều nhận được thái độ thách thức, thậm chí là hù dọa của đại diện doanh nghiệp.
Bà Lương Thị Nguyên Hồng ở xóm Sơn Tiến, xã Quyết Thắng (Thái Nguyên) cho biết, hàng trăm phòng trọ của doanh nghiệp với số lượng chất thải lớn, hàng ngày thải ra môi trường khiến cả xóm u u mê mê. Doanh nghiệp còn đổ đất lấp suối làm nước thải dâng lên tràn hết ruộng của dân, không thể sản xuất, canh tác được.
Dân có ý kiến thì có doanh nghiệp lại “cử” bọn đầu xanh, đầu đỏ đến dằn mặt. Đã rất nhiều lần, chính quyền địa phương xuống lập biên bản nhưng rồi đâu lại vào đó.
Về thực tế đó, ông Lê Quang Vinh (một người dân) cho biết, doanh nghiệp này đã đổ đất lấn lên nhiều phần diện tích của nhân dân mà không bồi thường. Dân phản ứng thì doanh nghiệp lại mang “đầu gấu” đến dọa chém. “Chúng tôi là những người hiền lành chứ nếu cũng hung hãn như họ thì chắc chắn án mạng đã xảy ra từ lâu rồi” - ông Vinh nói.