Trong các số báo trước, sau khi ông Nguyễn Minh Hùng - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty VN Pharma bị bắt, Báo CATP đã điều tra và cung cấp đến bạn đọc thông tin về “nghệ thuật” làm ăn của vị doanh nhân trẻ tuổi này, cũng như việc có hay không sự ưu ái đối với các doanh nghiệp do ông Hùng lập ra trong việc đấu thầu cung cấp các mặt hàng thuốc cho hệ thống bệnh viện tại TPHCM. Tuy nhiên, vụ việc chưa dừng lại ở đó!
Thuốc không rõ nguồn gốc tiếp tục... trúng thầu?
Hai văn bản Cục QLD cho 5 đơn vị y tế phía Bắc nhập thuốc không có đơn vị nào thuộc TP. HCM. |
Sau khi chúng tôi phát hiện văn bản số 1309/QLD-KD ký ngày 31/8/2012 đồng ý cho Công ty Hapharco (Công ty dược phẩm và thiết bị y tế Hà Nội) nhập khẩu thuốc Bicnu 100mg (điều trị bệnh ung thư) do Ấn Độ sản xuất sử dụng riêng cho Bệnh viện Chợ Rẫy và công văn số 2085/QLD-KD ký ngày 6/2/2013 (hai văn bản này đều có giá trị trong một năm) cho phép Hapharco nhập khẩu thuốc Erwinnase 10.000 UI dạng tiêm, duy nhất cho BV truyền máu và Huyết học TW nhưng không hiểu sao Công ty Việt Pháp lại có được hai văn bản này để tham gia đấu thầu và trúng thầu hàng trăm triệu đồng tại Sở Y tế TP. HCM?
Chưa hết, trong quá trình điều tra, chúng tôi lại tiếp cận được với một thông tin “bất thường” khác trong bộ hồ sơ trúng thầu của Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế TP thể hiện tại văn bản số 18056/QLD-KD ký ngày 20/11/2012 của Cục Quản lý dược (QLD) gửi Công ty TNHH MTV Dược phẩm TW1 cho nhập thuốc hiếm, dạng ống tiêm DIGOXIN 0,5mg/2ml (dùng cho điều trị suy tim) của công ty Laboratoria Sterop - Bỉ sản xuất, số lượng 110.000 ống cung cấp chỉ duy nhất cho 5 đơn vị: Công ty TNHH MTV BV Đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa) theo dự trù số 111/DT-BV ngày 25/9/2012; BV Đa khoa tư nhân Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) theo dự trù số 3110 ngày 27/9/2012; BV Đa khoa tỉnh Ninh Bình theo dự trù số 214/BC-BV ngày 27/9/2012; BV Bạch Mai (Hà Nội) theo dự trù số 696/BM-KD ngày 28/9/2012 và BV tỉnh Quảng Nam theo dự trù 07/DTBV ngày 26/9/2012.
Như vậy, không có bệnh viện nào ở TPHCM có trong danh sách trên. Cũng theo văn bản 18056 nêu trên, Cục Quản lý dược chỉ cho phép Công ty Dược phẩm Trung ương 1 được nhập khẩu các loại thuốc này trong thời gian một năm kể từ ngày ký (20/11/2012). Nghĩa là sau ngày 20/11/2013, văn bản cho phép Công ty Dược phẩm Trung ương 1 nhập khẩu thuốc nêu trên không còn giá trị.
Tuy nhiên, theo danh sách sản phẩm thuốc đề nghị trúng thầu đợt 1 năm 2013-2014 của Sở Y tế TPHCM (tháng 4/2014 mới có kết quả thầu) ở số thứ tự 5, số hồ sơ mời thầu 171, Công ty dược phẩm TW1 lại sử dụng chính công văn này để tham gia đấu thầu và trúng lô hàng DIGOXIN 0,5mg/2ml do Công ty Laboratoria - Bỉ sản xuất theo kế hoạch nhập gần 32.000 ống với tổng giá gói thầu gần 550 triệu đồng tại Sở Y tế TP.HCM.
Câu hỏi đặt ra ở đây là các loại thuốc trúng thầu này có hợp pháp không, trong khi Cục QLD không cấp phép loại thuốc hiếm này cho gói thầu của Sở Ytế TPHCM? Dư luận cũng đặt ra nghi ngờ liệu đây có phải là thuốc không rõ nguồn gốc tuồn vào bệnh viện bằng con đường đấu thầu hợp pháp như VN Pharma đã làm?
Cần hủy thầu để bảo đảm sức khỏe cho nhân dân!
Chiều 29/9, tiếp xúc với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - PCT Hội Luật gia TPHCM cho biết: Theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 17 của Luật Đấu thầu thì gói thầu có thể bị hủy trong trường hợp: “Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án”.
Hoặc “Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư”.
Như vậy ta thấy, ở trong tình huống bài báo (Báo CATP - PV) đã nêu thì đã xảy ra nhiều sai phạm khi thực hiện gói thầu trên, cũng như có nhiều biểu hiện không khách quan, không trung thực khi lựa chọn kết quả trúng thầu và điều đó phù hợp với các cơ sở được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 17 của Luật Đấu thầu để hủy thầu.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu. |
Khi đề cập đến trách nhiệm của Hội đồng đầu thầu Sở Y tế TP. HCM luật sư Hậu chia sẻ: “Đối với vấn đề trách nhiệm cụ thể của HĐĐT như thế nào thì cần phải có kết luận của cơ quan chức năng để xác định HĐĐT có lỗi cố ý hay lỗi vô ý khi để xảy ra những sai phạm như trên. Từ đó mới có đủ cơ sở để xác định trách nhiệm dân sự, hành chính hoặc hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ sai phạm.
Về trách nhiệm chung, theo quy định tại Điều 18 của Luật Đấu thầu về trách nhiệm khi hủy thầu thì: “Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 17 của Luật này phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật” và khoản 6 Điều 76 của Luật Đấu thầu về trách nhiệm của tổ chuyên gia thì phải “Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật cho các bên liên quan nếu thiệt hại đó do lỗi của mình gây ra”.
Do đó, trước mắt HĐĐT cũng có lỗi trong việc để xảy ra những vi phạm trên nên sẽ phải thực hiện việc bồi thường cho những tổn thất ngân sách Nhà nước trong suốt thời gian đấu thầu vừa qua, còn trách nhiệm cụ thể thì còn phải đợi kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Qua những thông tin mà chúng tôi đã cung cấp đến bạn đọc về hành vi giả mạo hồ sơ nhập thuốc không rõ nguồn gốc của ông Nguyễn Minh Hùng - TGĐ Công ty VN Pharma cũng như việc sử dụng các công văn cho phép nhập thuốc hiếm đã hết hạn, không đúng đối tượng như đã nêu trên hoàn toàn nằm trong các chế định của Luật đấu thầu, Nghị định của Chính phủ và cả quy định trong “dữ liệu đấu thầu” của Sở y tế TPHCM.
Từ đó, việc các nhà chuyên môn cho rằng cần thiết phải hủy gói thầu này, tiến hành làm lại để ổn định lòng tin của người bệnh, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân là điều cần thiết. Rất mong UBND TPHCM sớm có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này.