+Aa-
    Zalo

    Tết ở Tây Nguyên lạ lùng với tục "bắt chồng"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nếu như các dân tộc vùng núi phía Bắc có tục “bắt vợ” thì các dân tộc ở Tây Nguyên cũng có tục “bắt chồng”.

    Nếu như các dân tộc vùng núi phía Bắc có tục “bắt vợ” thì các dân tộc ở Tây Nguyên cũng có tục “bắt chồng”. Vui trong tiết xuân tràn trề nhựa sống, say trong ché rượu cần ấm nồng tình lứa đôi, các chàng trai cô gái có tình ý với nhau sẽ ra dấu để nàng chuẩn bị “bắt chàng” về chung nhà.

    Thường bắt đầu từ mùng 1 Tết cho đến hết tháng 3 Âm lịch, mùa “bắt chồng” của các thiếu nữ dân tộc Chu Ru, Cil, Cơ Ho… ở Tây Nguyên diễn ra trong không khí vui tươi, nhộn nhịp.

    Người dân tộc Chu Ru, Cil, Cơ Ho... ở Tây Nguyên sống theo chế độ mẫu hệ vì vậy khi một thiếu nữ đến tuổi lấy chồng, không giống như các dân tộc khác, họ phải mang lễ vật đi hỏi chồng với chi phí khá tốn kém. Nhưng những thiếu nữ không đủ tiền để cưới chồng chỉ cần dệt cho mình 3 chiếc khăn thổ cẩm để làm lễ vật sang nhà trai.

    Theo phong tục, khi đã ưng ý một chàng trai nào đó, cô gái sẽ về thông báo với gia đình. Vào ban đêm, khi mọi người đã say giấc nồng, thiếu nữ cùng 10 người thân trong gia đình sẽ đến nhà trai. Cô gái sẽ đến đeo nhẫn vào tay người con trai trong đêm đẹp trời.

    Mặc dù có sự thăm viếng đột ngột nhưng nhà trai thường vẫn niềm nở đón khách. Sau đó, cô gái dâng 3 tấm khăn được gấp gọn ghẽ lên phía trước. Ông trưởng đoàn (thường là cậu ruột) sẽ xin thưa với nhà trai rằng, cháu gái họ đã để ý và đem lòng yêu thương chàng trai, mong gia đình chấp nhận. Sau cuộc trò chuyện giữa hai bên, nếu cha mẹ chàng trai đồng ý, sẽ vào gọi con trai ra và hỏi ý kiến con trước khi trả lời nhà gái.

    Trường hợp người con trai không thích có thể tháo nhẫn trả lại nhưng 7 ngày sau, cô gái lại chọn một đêm đẹp trời đến đeo nhẫn cho chàng trai và cứ thế lặp đi, lặp lại cho đến khi nào chàng trai thương và chấp nhận thì đám cưới diễn ra.

    Nhưng thường những đám “bắt chồng” đều thành công bởi ngày nay, nam nữ đã có dịp tìm hiểu và yêu thương trước khi quyết định kết hôn. Tục “bắt chồng” chỉ là một cái cớ để những cô gái nhà nghèo có thể kiếm được một tấm chồng ưng ý.

    Trước khi cưới 1 ngày, buôn làng tổ chức đêm hội gọi là “đêm bắt chồng”. Sau màn dặn dò và chia của hồi môn, mẹ cô gái choàng, thắt khăn cột đôi bạn trẻ lại với nhau. Việc trùm khăn lên cô dâu chú rể là một nghi thức quan trọng cầu cho lứa đôi hạnh phúc, luôn sát cánh bên nhau trong hạnh phúc cũng như hoạn nạn.

    Kể từ giây phút được trùm khăn trắng, đôi trai gái này đã thành vợ thành chồng. (Ảnh: VNE)

    Cũng trong đêm này, chàng trai và cô gái cần đọc một số câu luật tục riêng của đồng bào mình, trong đó có những câu độc đáo như: “Tìm vợ, tìm chồng phải hỏi mẹ cha; ăn ruộng, ăn rẫy phải hỏi tai con trâu, con bò; làm bẫy phải hỏi thần núi; về với vợ như về với nước...”.

    Ngày cưới, chàng trai và cô gái rút nhẫn ra hôn nhẫn rồi đeo lại cho nhau. Người thân, dân làng sẽ tổ chức màn đấu chiêng, cùng nhau uống rượu, múa hát với mong muốn mọi sự mâu thuẫn, bất đồng giữa hai họ sẽ được bỏ qua và chung vui chúc mừng cho cặp vợ chồng mới cưới.

    Sau đó, cô dâu sẽ phải ở nhà chồng 1 tuần. Ngoài việc trổ tài làm nội trợ và làm các công việc nặng nhọc khác, cô dâu mới còn phải tự bỏ tiền túi ra sắm sửa một số đồ dùng cần thiết cho chồng. Đến ngày thứ 8 hoặc thứ 10 thì nhà gái mới đem lễ vật, có thể là một con lợn hoặc lương thực, thực phẩm đủ làm 5 - 7 mâm cỗ cho hai bên gia đình thiết đãi họ hàng, bà con. Tàn cuộc vui, nhà gái đưa các con về ở bên nhà mình.

    Bên cạnh đó, sau lễ cưới 7 ngày, cô gái tháo nhẫn đưa mẹ chồng cất giữ và ngược lại nhẫn chàng trai do mẹ cô gái cất giữ. Theo tục lệ, chàng trai sẽ ở rể và hai bên dòng họ thử thách tình yêu của đôi vợ chồng trong năm đầu tiên. 1 năm sau, bên đằng trai cho vốn đôi vợ chồng tẻ, nhà có trâu cho trâu, có gì cho nấy như: quần áo, tô chén. Sau đó, bên nhà gái cũng cho vốn hai vợ chồng rồi hỏi hai vợ chồng muốn ăn riêng hay ở chung với bố mẹ. Nhưng dù ở chung hay ở riêng thì đôi vợ chồng vẫn luôn cố gắng yêu thương chăm sóc lẫn nhau, giữ trọn đạo hiếu với dòng họ và cha mẹ hai bên.

    Lễ hội bắt chồng của người Chu Ru, Cil, Cơ Ho… hiện vẫn còn được lưu giữ ở nhiều bản làng Tây Nguyên, tạo thêm nét độc đáo hấp dẫn trên vùng đất với nhiều huyền thoại của núi rừng.

    Việt Hương (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tet-o-tay-nguyen-la-lung-voi-tuc-bat-chong-a355402.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan