+Aa-
    Zalo

    Tết đoàn viên của những người Lào gốc Việt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Với người làng Đăk Răng (xã Đăk Dục, Ngọc Hồi, Kon Tum), Tết năm nay thật đặc biệt. Bởi làng mới đón nhận thêm 9 thành viên chính thức được mang quốc tịch Việt

    Với người làng Đăk Răng (xã Đăk Dục, Ngọc Hồi, Kon Tum), Tết năm nay thật đặc biệt. Bởi làng mới đón nhận thêm 9 thành viên chính thức được mang quốc tịch Việt, được hồi hương sau nhiều năm lang bạt trên đất nước Lào.

    Làng văn hóa Đăk Răng đón nhận thêm những thành viên mới.

    Trong số các trường hợp được hồi hương có những cuộc tình xuyên biên giới, đầy cách trở. Nhưng, một cái kết thật viên mãn cũng đã đến. Những câu chuyện tình đẹp của các đôi uyên ương cuối cùng được hưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn. Từ nay, vợ chồng có giấy đăng ký kết hôn, con sinh ra có giấy khai sinh, hạnh phúc sum vầy cùng nhau.

    Hòa chung niềm vui với những hộ gia đình có người thân mới được nhập tịch, về đoàn tụ với gia đình, buôn làng, trò chuyện với chúng tôi, ông Blong Hâm - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục - cho biết: “Xã có 7 hộ, 9 khẩu (trong đó 6 nam, 3 nữ) mới được trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam. Hiện, những người này đang định cư tại địa bàn xã. Đây là một điều đáng mừng, từ nay gia đình họ được toàn tụ, tập trung làm ăn phát triển kinh tế”.

    Theo ông Hâm, sở dĩ có nhiều người dân tộc Giẻ Triêng hiện đang sinh sống trên nước bạn Lào, do thời chiến khu vực họ đang ở gọi là khu H40 (đây là vùng giáp ranh giữa 2 nước Việt - Lào). Sau khi chiến tranh kết thúc, người Việt ở H40 (lúc này thuộc huyện Đăk Chưng, tỉnh Sê Công, Lào) một phần ở lại Lào sinh sống, phần khác thì di chuyển đến xã Đăk Dục làm kinh tế mới. Thế nhưng, vốn xuất phát điểm là người cùng làng nên người dân thường qua lại thăm nhau. Có người dù quốc tịch Lào nhưng khi về thăm người thân tại Việt Nam thì ở lại định cư không về nữa.

    Các công dân được nhập quốc tịch Việt Nam đều bày tỏ lòng tri ân đối với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương khi đã hỗ trợ làm các thủ tục pháp lý, tạo điều kiện cho họ được nhập quốc tịch Việt Nam. Họ hứa sẽ cố gắng phấn đấu, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc với cộng đồng dân cư ở địa phương nơi cư trú, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình, nghiêm túc chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam.

    Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng anh Brol Thị (SN 1980) rạng ngời niềm hạnh phúc trên khuôn mặt. Anh vui vì mình chính thức được là một công dân Việt Nam hợp pháp. Chị vui vì cuộc sống từ nay có anh, gia đình được sum họp chung dưới một mái nhà. Anh Brol Thị mừng rỡ khoe: “Mình chính thức có tên trong sổ hộ khẩu của gia đình. Từ nay, mình được làm một công dân hợp pháp tại xã Đăk Dục. Giờ đây, vợ chồng mình đã có thể được vay vốn ngân hàng để làm ăn, phát triển kinh tế”.

    Theo anh Brol Thị, anh sinh ra và lớn lên ở huyện Đăk Chưng (tỉnh Sê Công, Lào). Ở Lào, gia đình anh cũng như bao gia đình khác, kinh tế phụ thuộc vào làm nông. Đất đai cằn cỗi, gia đình nào cuộc sống cũng khó khăn, vất vả. Năm 20 tuổi, trong một lần qua thăm bà con tại xã Đăk Dục anh đem lòng yêu mến chị Y Hằng. Sau đó, hai người nên duyên vợ chồng nhưng không có hôn thú, khiến cuộc sống gặp nhiều trắc trở.

    Anh Thị ngậm ngùi: “Mình thuộc diện nhập cư bất hợp pháp nên đi đâu, xin làm công việc gì cũng không ai nhận. Sống lay lắt một thời gian mình đành bỏ lại vợ con về lại bên Lào. Được sự quan tâm của Nhà nước, đã cử cán bộ hướng dẫn cho mình làm hồ sơ nhập quốc tịch và hoàn thành các thủ tục pháp lý để đảm bảo vệ quyền lợi như giấy đăng ký kết hôn, được làm giấy khai sinh, sổ hộ khẩu. Mình vui lắm, nhà cửa, vợ con của mình đều ở đây”.

    Cùng hòa chung niềm hân hoan khi người con rể là anh Xiêng Lăng Nhương (SN 1982) mới được nhập tịch, bà Y Du vỡ òa niềm hạnh phúc. Trong căn bếp chật chội, bà Du dáng vẻ lam lũ, khắc khổ, mái tóc bạc trắng theo thời gian. Bà không nhớ rõ năm nay mình đã bao nhiêu tuổi.

    Bà nói: “Già thấy rất vui vì con rể đã được nhập quốc tịch, đã có thể đứng ra lo cho 2 đứa cháu. Gia đình khó khăn, con gái già phải bỏ lại 2 đứa nhỏ vào tỉnh Bình Dương làm công nhân. Bố nó, không có chứng minh nhân dân, không có hộ khẩu nên không làm được gì cả. Giờ thì nó đã được Nhà nước công nhận rồi, già vui lắm. Đợi mấy hôm nữa con gái về, năm nay cả gia đình già được đón Tết cùng nhau rồi”.

    Ngồi đối diện chúng tôi, anh Nhương bộc bạch: “Nhiều năm chờ đợi cuối cùng tôi cũng được là công dân Việt Nam rồi. Giờ đây, ốm đau đến bệnh viện đã có bảo hiểm. Cũng không bị gọi là người nhập cư bất hợp pháp, tôi tự hào lắm. Tôi sẽ cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế để vươn lên thoát đói nghèo. Năm mới cận kề, tôi hy vọng rằng năm nay được tự tay gói những chiếc bánh chưng, ủ những bình rượu cần thơm phức, được cùng vợ, và các con đón một cái Tết thật đầm ấm mà bao nhiêu năm qua vẫn thầm ao ước. Tôi rất biết ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện hỗ trợ các giấy tờ về pháp lý, tạo điều kiện cho tôi được nhập quốc tịch Việt Nam”.

    Hồ Nam

    Bài viết đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số chủ nhật (3)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tet-doan-vien-cua-nhung-nguoi-lao-goc-viet-a353731.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan