Hàng trăm gốc đào bị chặt phá chỉ sau một đêm.
Sớm hôm ấy, trời còn chưa hửng sáng, bên ngoài gió đông kéo từng cơn lạnh buốt. Ông Hào khoác vội tấm áo rét, hai hàm răng run cầm cập, đôi bàn tay xuýt xoa vì lạnh. Ông chạy vội ra thăm vườn đào, đêm qua xem đội tuyển Việt Nam đá bóng, ông ngủ ở nhà thay vì ở lại trông vườn. Những bước chân vội vã, chỉ mong con đường từ nhà ra vườn ngắn lại. Lòng ông vui lắm, chăm bón cây đào cả năm sắp đến ngày thu hoạch. Nào ngờ đâu...đào bị người ta chặt phá hết rồi.
Người đàn ông tên Nguyễn Văn Hào, 50 tuổi - một trong ba chủ vườn đào bị thiệt hại nặng nhất trong vụ hàng trăm gốc đào bị phá hoại trong đêm ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Nói chuyện với chúng tôi, nhìn ông già hơn cái tuổi 50, nếp nhăn trồng chéo in hằn trên khuôn mặt. Đến tuổi này có lẽ đã quá nửa đời người, đắng cay cũng đã nếm đủ. Ấy vậy mà, khi nhắc đến cây đào bị kẻ gian chặt phá, ông vẫn run rẩy, chua chát lắm. Đốt thuốc liên tục, ông chỉ tay vào cây đào đã bị bẻ ngọn nói: “10 năm từ khi bố tôi mất, tôi mới lại khóc. Uất ức quá!”.
Nghe câu nói ấy, chúng tôi giật mình lặng người đi, cảm giác như gai ốc nổi khắp thân mình. Quá chua xót... Phải gắn bó yêu thương cây đào thế nào, ông mới thốt lên như vậy. Có lẽ chính ông cũng không biết, cây đào đã thành máu thịt trong ông, thành người thân mất rồi. Mà mất người thân, ai chẳng đau đớn. Cái đau vượt lên cái mất mát vật chất nhiều nhiều lắm.
Ông Nguyễn Văn Hào (một trong ba chủ vườn đào bị thiệt hại nặng nhất) xót xa nhìn cây đào ông xem như máu thịt bị kẻ gian phá hoại. |
Khu phố Tỉnh Cầu, phường Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh là nơi xảy ra vụ việc hàng trăm gốc đào bị chặt phá trong đêm. Gọi là phố nhưng dân vùng này vẫn tự nhận mình là dân quê bám vào trồng cây, làm ruộng là chính. Trước đây, dân vùng này nhiều nghề lắm, làm hàng rởm, hàng giả cũng có luôn. Khoảng hai chục năm nay, dân làng bắt đầu chuyển hẳn sang trồng đào, chục năm nay là rầm rộ.
Trong tiếng cười hiếm hoi, ông Hào cho chúng tôi hay, ông làm cái nghề này cũng hơn chục năm rồi.
“Cũng coi như là trồng lâu năm, gọi là đã quen thuộc biết làm thế nào cho cây khoẻ, cây đẹp”, ông Hào kể.
Nói vậy chứ, vườn đào của ông cùng ông Ngô Văn Sử, ông Nguyễn Huy Thành ngay cạnh bên, được coi là 3 vườn đào đẹp nhất, nhiều cây khủng nhất khu này. Cay đắng thay, chính đây là những vườn đào bị thiệt hại nặng nhất.
Nhẩm tính sơ sơ, chỉ qua một đêm đào bị phá, ông Hào mất đứt 100 triệu, vườn nhà ông Sử thiệt hại khoảng 150 triệu còn vườn nhà ông Thành thì thiệt hại nhất. Theo ông Thành, nhà ông mất trắng hơn 200 triệu đồng.
“Sơ sơ 3 nhà mất gần 500 triệu, mà khu này có đến 11 nhà bị chặt, chú tính coi có cả bạc tỷ không”, ông Ngô Văn Sử, đã ngoài 60 tuổi - một trong 3 chủ vườn đào bị thiệt hại nặng nhất chua chát nói. Một tỷ bạc nhiều tiền lắm chứ, chừng ấy đâu chỉ để lo tết, còn lo cho cuộc sống sinh hoạt cả năm sau nữa. Chưa cần nói đâu xa, tết này các ông rồi biết xoay xở ra sao.
Khác với ông Hào, nhìn ông Sử đúng thật là một lão nông thứ thiệt. Đầu đội nón lá, chân đi ủng cao, làn da ngăm đen vì nắng. Giọng nói ông cũng nhẹ nhàng, chân chất đúng y chang như con người ông vậy. Ông không cao giọng, không nói lớn mà chỉ lầm rầm.
“Mỗi gốc đào này mất hai năm nữa mới chơi được, không phải năm nay xuất đi rồi, năm sau lại bán được đâu. Đào phải 2 năm mới được một lứa. Chăm mấy gốc này hai năm rồi giờ thêm hai năm nữa là 4 năm mới bán được đấy chú ơi”, ông Sử chia sẻ.
Một đêm phá bằng 4 năm trồng, người đời nói không sai: Dựng thì khó, chứ phá thì dễ lắm. Ông lại nói thêm “Nhà tôi còn đỡ vì còn có ruộng, bà nhà tôi còn có nghề nấu cỗ thuê chứ như nhà ông Thành mới khổ. Hai ông bà không có gì ngoài cây đào, chỉ trông vào đào nuôi con ăn học”.
Một năm 365 ngày, dễ chừng chỉ hơn chục ngày là các ông không ở vườn đào. Hơn 300 ngày lao động, chăm bón cho cây chỉ đợi mấy ngày giáp Tết. Với những ông chủ đào này, niềm vui không chỉ là thành quả lao động được đền đáp, mà vui hơn là các ông mang một phần Tết đi đến nhà nhà. Tết phải có sắc đỏ cành đào, không có đào, Tết kém vui lắm. Mà đào đã mất, Tết có còn không? Với những ông chủ vườn đào này, Tết đã đi theo những cây đào bị phá mất rồi.
Nhìn những gốc đào bị chặt, bẻ không liền hàng. Chỗ này một gốc, góc kia một cây, không chỉ cây to mà cả cây nhỏ. Chúng tôi thắc mắc với ông Sử, kẻ trộm giữa đêm, nếu thông thường thì cứ tiện tay mà phá, lý nào còn chạy khắp vườn.
Ông lão cười xoà cho hay: “Chúng nó chọn hết đấy, cây đẹp cây đắt mới phá. Chứ vườn rộng thế này sức nào mà phá hết. Một người chạy hết cái khu đào này cũng đủ mệt rồi. Phải thêm người đấy...”, ông bỏ lửng câu nói. Thêm người làm gì ai cũng biết rồi.
Vườn đào những ngày giáp Tết này đẹp lắm, nhìn đâu cũng thấy hoa, cũng thấy màu đỏ tươi rực rỡ. Chúng tôi hoa mắt chẳng biết cây nào đẹp nhất, liền quay ra hỏi ông Sử tiêu chí của một cây đào đẹp như thế nào? Ô hoá ra, tiêu chí nhiều lắm, chả phải cứ cây nào to là đẹp là đắt đâu. Sai bét. Phải để ý gốc, cành, cánh, nụ rồi màu hoa, thậm chí cả nụ dưới gốc cây. Thế mà cứ cây đào nào đủ tiêu chí ấy thì bị phá. Đẹp nhất - đắt nhất, nằm xa tận góc vườn cũng bị tìm đến phá. Tôi đồ rằng cái người phá cây ấy còn hiểu đào hơn gấp nhiều lần những người chơi cây.
Gắn bó với cây đào cả chục năm, những người dân trồng đào khu vực này không bao giờ nghĩ đến một đêm tai hoạ như thế. Mọi đêm, các ông chủ đào này đều có người ở lại vườn, trong những ngôi nhà dựng tạm để vật dụng, phân bón chăm cây. Chỉ đúng cái đêm hôm ấy, người người, nhà nhà xem bóng đá. Các ông cũng thế, xem bóng đá rồi không ở vườn. Qua đêm hôm ấy, cả nước tưng bừng vì đội ta lại thắng. Nhưng nơi thôn quê ấy, có giọt nước mắt rơi bên những gốc đào...
Tô Loan