Một vụ nã rocket nhằm vào một căn cứ không quân tại miền Bắc Iraq đêm 15/2 đã khiến nhiều người thương vong.
Cửa kính bị vỡ sau vụ tấn công bằng rocket tại Arbil, Iraq. Ảnh: Reuters |
Hôm 16/2 (giờ địa phương), một vụ tấn công bằng tên lửa đã xảy ra ở bên ngoài sân bay gần căn cứ quân sự của Mỹ tại miền Bắc Iraq.
Vụ việc khiến một nhà thầu dân sự thiệt mạng và làm bị thương 5 người khác, bao gồm cả một thành viên quân đội Mỹ. Quốc tịch của nhà thầu bị thiệt mạng không được tiết lộ. Các quan chức Iraq cho biết, vụ việc hiện đang trong quá trình điều tra.
Đây là cuộc tấn công gây chết người nhằm vào các lực lượng do Mỹ dẫn đầu trong gần một năm qua ở Iraq, nơi căng thẳng leo thang giữa một bên là lực lượng Mỹ với các đồng minh người Kurd và chính quyền Iraq với bên còn lại là lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn.
Các phóng viên của Reuters cho biết đã nghe nhiều tiếng nổ lớn và nhìn thấy một đám cháy bùng phát gần sân bay.
Một tuyên bố từ Bộ Nội vụ người Kurd cho biết một số tên lửa đã được bắn về phía Erbil và vùng ngoại ô của nó vào khoảng 21h30 (giờ địa phương) khiến một số người đã bị thương nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Tổng thống Iraq Barham Saleh đã lên án cuộc tấn công và tuyên bố rằng, vụ việc đánh dấu một "sự leo thang nguy hiểm". Chính quyền người Kurd cảnh báo, cư dân Irbil tránh xa các khu vực bị tấn công và ở trong nhà của họ.
Trong một tuyên bố sau đó, một nhóm chiến binh người Shiite đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công. Nhóm này tuyên bố đã bắn 24 quả rocket vào các hệ thống phòng thủ của sân bay.
Một nhóm tự xưng Saraya Awliya al-Dam đã lên tiếng nhận trách nhiệm cho cuộc tấn công nhắm vào căn cứ quân sự do Mỹ dẫn đầu nói trên, nói rằng cuộc tấn công nhắm vào “sự chiếm đóng của Mỹ” ở Iraq, nhưng không đưa ra bằng chứng cho tuyên bố nhận trách nhiệm.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã đẩy Trung Đông đến bờ vực của một cuộc đối đầu toàn diện vào tháng 1/2020 sau khi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ đã giết chết tướng Iran - Qassem Soleimani ở Baghdad.
Mộc Miên (Theo New York Times)