+Aa-
    Zalo

    Teckcombank đặt mục tiêu lợi nhuận “đi lùi”, không chia cổ tức bằng tiền mặt

    (ĐS&PL) - Năm 2023, Ban lãnh đạo Techcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện năm 2022. Khoản lợi nhuận này sẽ được duy trì dưới hình thức lợi nhuận không chia nhằm phục vụ cho các hoạt động kinh doanh của Techcombank.

    Ngân hàng đầu tiên đặt mục tiêu "đi lùi" lợi nhuận năm 2023

    Theo Tạp chí Nhà đầu tư, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – HoSE: TCB) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.

    Nội dung tờ trình được công bố nêu, ban lãnh đạo Techcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện năm 2022; dư nợ tín dụng tăng trưởng 15% ở mức 511.297 tỷ đồng; tỷ lệ nợ nhóm 3 - 5 duy trì thấp hơn 1,5%.

    Với mục tiêu lợi nhuận như trên, Techcombank là ngân hàng đầu tiên đặt mục tiêu lợi nhuận đi lùi năm nay. Hiện xét về chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023, VPBank đang là quán quân nhóm ngân hàng TMCP tư nhân với con số 24.000 tỷ đồng, Techcombank tụt hạng xuống vị trí thứ hai.

    techcombank la ngan hang gi
    Năm 2023, Ban lãnh đạo Techcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện năm 2022.

    Techcombank cho biết trong năm 2023 sẽ trích 32.675,8 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và 1.790,6 tỷ đồng cho quỹ dự phòng tài chính. Được biết, việc trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn là để phục vụ phương án tăng vốn điều lệ theo quyết định của ĐHĐCĐ vào thời điểm thích hợp.

    Sau trích lập, khoản lợi nhuận có thể phân phối của Techcombank còn gần 24.000 tỷ đồng, và dự kiến sẽ được duy trì dưới hình thức lợi nhuận không chia nhằm phục vụ cho các hoạt động kinh doanh của Techcombank.

    Nếu phương án này được ĐHĐCĐ thường niên thông qua, Techcombank sẽ có năm thứ 12 liên tiếp không chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.

    Hồi ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, trả lời cổ đông về lý do không chia cổ tức, Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết việc này cũng vì mang lại lợi ích cho cổ đông. Ngoài ra, việc chia hay không cũng phụ thuộc vào chiến lược phát triển của nhà băng.

    Ông Hồ Hùng Anh cũng cho biết, HĐQT Techcombank sẽ tính đến cả phương án chia cổ tức tăng vốn, phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài.

    Liên quan đến dư nợ trái phiếu, bất động sản chiếm tỷ trọng lớn, lãnh đạo Techcombank khi đó cũng khẳng định, ngân hàng “không có một vấn đề gì với cho vay bất động sản” trong 5 năm qua và cho rằng, thời gian qua, các động thái của cơ quan chức năng về việc thanh lọc thị trường tài chính, bất động sản là cần thiết để minh bạch thị trường. 

    Nâng tỷ lệ sở hữu tại Chứng khoán Kỹ thương lên 94%

    Trở lại với các kế hoạch của Techcombank trong năm 2023, nhà băng này dặt kế hoạch phát hành hơn 3,5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Vốn điều lệ ngân hàng theo đó dự kiến tăng lên mức 35.225,1 tỷ đồng nếu phát hành thành công. Số cổ phiếu mới sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm theo quy định kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

    Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2023, sau khi được NHNN, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận. Đối tượng tham gia sẽ bao gồm cả lao động nước ngoài nên sẽ có sự thay đổi về giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, ngân hàng sẽ trình cổ đông phê duyệt việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa thay đổi từ 22,4595% thành 22,4860%.

    Ngoài ra, theo báo Đầu tư, HĐQT Techcombank cũng trình ĐHĐCĐ nội dung mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ của CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS). Cụ thể, TCBS dự kiến phát hành 105 triệu cổ phiếu cho Techcombank với giá dự kiến là 97.542 đồng/CP.

    Tổng tiền thu được dự kiến sau đợt chào bán là 10.242 tỷ đồng, vốn điều lệ của TCBS sẽ tăng lên 2.176,1 tỷ đồng, đồng thời nâng tỷ lệ sở hữu của Techcombank tại công ty chứng khoán này từ 88,8% lên 94,2%.

    Theo lãnh đạo Techcombank, TCBS đã hoạt động hiệu quả trong 5 năm qua và trở thành một công ty chứng khoán hàng đầu với tỷ với tỷ lệ sinh lời (ROA và ROE) luôn được giữ ở mức cao. Tuy nhiên, khả năng phát triển mở rộng kinh doanh của công ty bị giới hạn bởi vốn chủ sở hữu (cụ thể là giới hạn đầu tư trái phiếu là 70% vốn chủ sở hữu và giới hạn cho vay margin bị giới hạn là 200% vốn chủ sở hữu).

    Trước đó, ĐHĐCĐ Techcombank đã thông qua Nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản vào ngày 5/12/2022 về việc nhà băng này mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ của TCBS.

    Tuy nhiên, ĐHĐCĐ của TCBS vào tháng 8/2022 đã thông qua đợt chào bán cổ phiếu cho cán bộ nhân viên và nộp hồ sơ cho UBCKNN. Theo quy định tại Luật chứng khoán, các đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán gần nhất.

    Để thực hiện việc chào bán riêng lẻ cho Techcombank, TCBS kỳ vọng có thể thay đổi kế hoạch triển khai đợt chào bán cho CBNV. Tuy nhiên, khi thực hiện việc thay đổi với UBCKNN thì được phản hồi là đã thụ lý hồ sơ và ghi nhận ngày hoàn thành của đợt chào bán trên là ngày 18/10/2022.

    Do đó, kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ của TCBS cho Techcombank sẽ được lùi sang giữa năm 2023, đảm bảo cách tối thiểu 6 tháng sau đợt chào bán cho cán bộ nhân viên TCBS.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/teckcombank-dat-muc-tieu-loi-nhuan-di-lui-khong-chia-co-tuc-bang-tien-mat-a570827.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan