Trong Tây Du Ký, hành lý của 4 thầy trò Đường Tăng có 3 món bảo vật vô cùng giá trị là chiếc áo cà sa bằng gấm, chiếc bát xin cơm bằng vàng và văn bản thông quan. Theo đó, trong 3 huynh đệ, Sa Tăng đã được chọn làm người bảo vệ hành lý và những bảo vật trên.
Về nguyên nhân của quyết định này, trước tiên phải nói tới đại sư huynh Tôn Ngộ Không. Tôn Ngộ Không vốn là nhân vật bản lĩnh lợi hại, thừa lòng gan dạ, luôn xông pha chọn những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm nhất. Tuy nhiên nhược điểm lớn nhất của Ngộ Không là lòng ham hư vinh.
Điều này được thể hiện ngay qua câu cửa miệng của hầu tử: "Ta đây chính là Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không, 500 năm trước từng đại náo thiên cung".
Không những thế, Tôn Ngộ Không còn từng đem chiếc áo cà sa quý của sư phụ ra khoe khoang khiến bảo vật này từng một lần bị đánh cắp. Do đó, chắc chắn Ngộ Không không phù hợp với vị trí bảo vệ hành lý này.
Về Trư Bát Giới, nhị đồ đệ của Đường Tăng, ngoài thói xấu ham ăn và háo sắc, nhân vật này còn tham tiền, thấy vật quý khó kìm lòng. Việc này được thể hiện khi thầy trò Đường Tăng tới nước Ô Kê. Khi ấy, Tôn Ngộ Không đã nói dối rằng dưới giếng có bảo bối để lừa Bát Giới nửa đêm đi mò thi thể của quốc vương trong giếng. Không ngờ Bát Giới tin là thật, vì nổi lòng tham nên đã liều lĩnh nghe theo đại sư huynh.
Như vậy, giao hành lý có bảo vậy quý giá như áo cà ca và bát xin cơm vàng cho Bát Giới chắc chắn cũng khó mà an toàn.
Trong 3 huynh đệ chỉ còn lại Sa Tăng là người phù hợp với vai trò này. Được biết, Sa Tăng vốn là yêu quái sông Lưu Sa, sau được thu phục và trở thành đồ đệ thứ 3 của Đường Tăng. Trong hành trình đi lấy kinh, Sa Tăng cùng Trư Bát Giới được giao nhiệm vụ gánh hành lý và chăn ngựa. Trong số đó, việc trông coi hành lý được Sa Tăng đảm nhiệm là chủ yếu.
Nói Sa Tăng là người phù hợp bảo vệ hành lý nhất là bởi Sa Tăng sở hữu đức tính siêng năng, cần mẫn. Không chỉ vậy, vị đồ đệ này còn có một ưu điểm đó là luôn nghe lời sư phụ, đồng thời cũng nhất mực kiên trì với công cuộc thỉnh kinh. Ngoài ra, Sa Tăng còn rất tỉ mỉ, chu toàn. Minh chứng là khi lấy phải những cuốn sách kinh không có chữ, Sa Tăng chính là người đầu tiên trong 4 thầy trò phát hiện ra.
Minh Hạnh (T/h)