Tây Du Ký là một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc, được sáng tác bởi nhà văn Ngô Thừa Ân. Tác phẩm kể về hành trình đi Tây Thiên thỉnh kinh của 4 thầy trò Đường Tăng, vượt qua biết bao kiếp nạn và trở ngại để tu thành chính quả. Theo đó, tiểu thuyết này đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà làm phim và rất nhiều lần được chuyển thế thể thành phim. Trong đó, phiên bản nổi tiếng và thành công nhất đến nay vẫn là Tây Du Ký 1986.
Được biết, Tây Du Ký 1986, nhiều nhà làm phim cả ở Trung Quốc và trên thế giới đều từng thử sức và sản xuất các bộ phim dựa trên nguyên tác ban đầu nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Trong đó, Tây Du Ký 1927, phiên bản phim đầu tiên từng được sản xuất, thậm chí còn bị cấm chiếu và bị lên án gay gắt vì sự phản cảm.
Cụ thể, Tây Du Ký 1927 có tên chính xác là Động Bàn Tơ, kể về kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng khi gặp phải các yêu tinh nhện ở Động Bàn Tơ. Vì thời lượng ngắn nên Tây Du Ký 1927 chỉ tập trung chủ yếu vào 2 chương 72, 73 của tiểu thuyết. Bộ phim Động Bàn Tơ năm ấy có sự góp mặt của nữ diễn viên tài sắc nổi danh bến Thượng Hải Ân Minh Châu trong vai nữ chính và do đạo diễn thế hệ đầu tiên của Trung Quốc Đán Đỗ Vũ thực hiện.
Ngay khi mới ra mắt, Tây Du Ký 1927 đã thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả thời bấy giờ. Theo trang 163, vào thời đó, giá vé xem phim là một đồng trong khi lương bình quân của lao động phổ thông chỉ khoảng năm đồng. Tuy nhiên, dù giá vé đắt đỏ nhưng bộ phim vẫn nhận được sự quan tâm của người dân vì đó là lần đầu tiên Tây Du Ký được chuyển thể thành phim.
Dù vậy, Tây Du Ký 1927 đã không thể tạo tiếng vang lớn, một phần vì thời ấy, phim ảnh vẫn chưa thật sự phổ biến bằng thời sau này. Quan trọng hơn, bộ phim đã vấp phải nhiều phản hồi tiêu cực vì không phù hợp thuần phong mỹ tục.
Trong đó, các nữ diễn viên đóng vai yêu tinh nhện trong Động Bàn Tơ bị lên án vì ăn mặc hở hang, không theo chuẩn mực, những ảnh yêu tinh nhện tắm suối, quyến rũ Đường Tăng cũng bị nói là quá táo bạo. Các phe phái bảo thủ liên tục chỉ trích bộ phim với lời lẽ nặng nề vì "bôi nhọ" hình ảnh người phụ nữ, làm lệch lạc văn hoá thẩm mỹ dân tộc…
Bên cạnh nội dung và kỹ thuật phim, các nhân vật trong Tây Du Ký 1927 có vẻ ngoài xù xì, xấu xí. Đặc biệt, Trư Bát Giới mang khuôn mặt dị hợm, gai góc, cực kỳ hung dữ được tái hiện qua thước phim đen trắng đã tạo thành "cơn ác mộng" điện ảnh thật sự với người xem.
Giới chuyên môn đã được tiếp cận với bộ phim Động Bàn Tơ nhận xét đây là tác phẩm tổng hợp các thể loại kinh dị, thần kỳ, du hành, tình cảm, hài hước, võ thuật… So với trình độ của điện ảnh cách đây gần 100 năm, các nhà làm phim đã nỗ lực tái hiện chân thực nhất các tình tiết được miêu tả trong tiểu thuyết. Dù còn nhiều tranh cãi nhưng các hình ảnh trong Tây Du Ký 1927 đã được khắc hoạ thông qua sự tìm tòi, tái hiện chất liệu dân tộc khá tốt của đoàn làm phim.
Minh Hạnh (T/h)