Trong Tây Du Ký, tác giả Ngô Thừa Ân đã xây dựng một cốt truyện hư cấu về Tam Giới, có cả thần tiên, con người và yêu ma. Theo đó, Tôn Ngộ Không là nhân vật nổi bật nhất với bản lĩnh và 72 phép biến hoá thần thông quảng đại khiến ai cũng nể phục.
Những tưởng các phép thuật và những chiêu thức của Tôn Ngộ Không đều mang tính chất hư cấu, do tác giả sáng tạo nhưng có một loại võ thuật được Đại Thánh dùng khi đại náo Thiên cung lại là "hàng thật".
Cụ thể, trong làng võ Trung Quốc có một môn võ mang tên Đại Thánh Bát quái, được lấy cảm hứng từ loại võ thuật của Tôn Ngộ Không khi đại náo Thiên cung năm xưa. Môn võ này lấy chiêu thức nền tảng từ môn hầu quyền, còn gọi là võ khỉ.
Các nhà phân tích cho rằng năm xưa, khi sáng tác Tây Du Ký, Ngô Thừa Ân đã quan sát hầu quyền rất kỹ, từ đó, sáng tạo ra nhân vật Tôn Ngộ Không.
Theo tài liệu của Trung Quốc, hầu quyền đã phổ biến từ thời nhà Hán (206 trước Công Nguyên). Dưới thời Tây Hán, trong một buổi yến tiệc, một viên quan khi ngà ngà say đã trình diễn loại võ thuật này, khi ấy được biết đến là "vũ điệu Mi hầu". Từng thế võ đã khiến những người chứng kiến không khỏi bất ngờ.
Bên cạnh đó, một vài nhà phân tích cho rằng danh y Hoa Đà cũng là một trong những "ông tổ" của môn võ hầu quyền. Năm xưa, Hoa Đà đã sáng tạo ra những thế võ này để luyện tập, nâng sao sức khoẻ.
Được biết, hầu quyền vốn là môn võ được đánh giá cao bởi các thế võ luôn rất uyển chuyển, mang lại sự linh hoạt cho cơ thể. Các động tác đều mau lẹ và giúp người tập luyện có được sự bền bỉ và dẻo dai. Bên cạnh đó, môn võ này còn có thể lấy nhu chế cương, vô cùng lợi hại. Hầu quyền còn có thể được kết hợp thêm với các loại vũ khí khác như côn, kiếm.
Minh Hạnh (T/h)