+Aa-
    Zalo

    Tây du ký 1986: Tại sao có đến ba Đường Tăng?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đường Tăng là vai diễn được nhiều khán giả yêu thích trong "Tây du ký", nhưng đạo diễn Dương Khiết đã phải bất đắc dĩ thay diễn viên tới ba lần.

    Đường Tăng là vai diễn được nhiều khán giả yêu thích trong "Tây du ký", nhưng đạo diễn Dương Khiết đã phải bất đắc dĩ thay diễn viên tới ba lần.

    Đường Tăng đầu tiên ham danh nên bỏ cuộc giữa chừng

    Khi chuẩn bị quay "Tây du ký", đạo diễn Dương Khiết đã đến học viện kịch nghệ và học viện điện ảnh tìm diễn viên cho vai Đường Tăng. 

    Lúc ấy, học viện điện ảnh đang trong kỳ nghỉ, nên học sinh không lên lớp. Người của học viện đưa ảnh của các sinh viên vừa tốt nghiệp của khoa diễn xuất cho Dương Khiết xem. Trong số đó, bà chọn ra được Uông Việt.

    Uông Việt vào đoàn phim. Dương Khiết đưa nam diễn viên đến chùa Pháp Nguyên để trải nghiệm cuộc sống tu hành. 

    Tây du ký 1986: Tại sao có đến ba Đường Tăng? - Ảnh 1.

    Ban đầu, Uông Việt rất nỗ lực. Nam diễn viên cạo đầu, cả ngày đều mặc áo cà sa.

    Nhưng chỉ được khoảng 10 ngày, Uông Việt đã rời chùa về đoàn. Điều này khiến phó đạo diễn Chu Tiểu Phong không hài lòng, cho rằng anh là kẻ đào ngũ, không chịu được khổ cực.

    Khi ấy, Uông Việt đã giải thích với đạo diễn Dương Khiết: "Ở chùa có rất nhiều muỗi, muỗi không chỉ cắn khắp người, mà còn cắn cả chiếc đầu trọc! Hòa thượng ở đó lại không cho đập muỗi, bảo như vậy là sát sinh."

    Tây du ký 1986: Tại sao có đến ba Đường Tăng? - Ảnh 2.

    Uông Việt cũng cho Dương Khiết xem một bức ảnh anh chụp cùng phương trượng chùa Pháp Nguyên. Phía sau bức ảnh là lời đề tặng của phương trượng với ngụ ý: lời nói phải đi đôi với hành động, không tự kiêu tự đại, bền chí thì việc gì cũng làm được.

    Dương Khiết xem xong rồi dặn Uông Việt học theo lời của phương trượng: "Hy vọng cậu nói được làm được chứ đừng giữa đường lại bỏ. Cậu phải ghi nhớ điều đó!"

    Tuy vậy, trong tập diễn thử, Uông Việt lại diễn không tới. Khi đó, rất nhiều người đã khuyên Dương Khiết đổi diễn viên. Nhưng bà cho rằng tập đầu tiên mọi người đều chưa thể tìm được cảm giác với nhân vật, vì vậy nên cho Uông Việt một cơ hội.

    Về sau, Uông Việt đã vào vai Đường Tăng ngày một tốt hơn. Trong các tập "Họa khởi Quan Âm viện", "Ăn trộm quả nhân sâm" và "Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh", nam diễn viên diễn  khá thuần thục và tự tin. 

    Đặc biệt, ở phần kết trong tập "Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh", ánh mắt Đường Tăng nhìn Ngộ Không bay đi ngày một xa ánh lên vẻ đau xót và bất lực, diễn xuất của Uông Việt ở cảnh này đã đạt đến cao trào, chạm đến trái tim của khán giả.

    Tây du ký 1986: Tại sao có đến ba Đường Tăng? - Ảnh 3.

    Nhưng, sau khi thực hiện xong tập "Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh", Uông Việt lại nhận được lời mời vào vai chính cho một bộ phim điện ảnh. Anh muốn tận dụng thời gian không quay "Tây du ký" để tham gia bộ phim này, nên đã đề nghị Dương Khiết tạo điều kiện.

    Khi ấy, nữ đạo diễn Tây du ký đã nói với Uông Việt: "Nếu cậu coi trọng phim điện ảnh hơn thì cậu cứ đi đi! Chỗ tôi không thể là nơi lấp chỗ trống!" 

    Khi ấy, phim truyền hình vẫn còn khá mới với khán giả, trong khi phim điện ảnh lại có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ. Một sinh viên mới tốt nghiệp như Uông Việt rất cần những vai diễn trên màn ảnh rộng để khẳng định bản thân.

    Vì vậy, dù trong lòng mâu thuẫn, nhưng Uông Việt vẫn quyết định rời đoàn. Đó là ngày mùng 5 tháng 6 năm 1983.

    Vậy là chưa "lấy được chân kinh", "Đường Tăng" Uông Việt đã bỏ cuộc giữa chừng. 

    Đường Tăng thứ hai bỏ phim để đi học

    Sau khi Uông Việt rời đi, Dương Khiết phải bắt tay tìm kiếm diễn viên đóng vai Đường Tăng từ đầu.

    Tình cờ, trong quá trình xem bộ phim "Tinh biến", bà vô tình phát hiện ra nhân vật Phong thiếu gia có ngoại hình khôi ngô tuấn tú, nho nhã thư sinh rất hợp cho vai Tiểu Bạch Long. Đó chính là nam diễn viên Từ Thiếu Hoa, diễn viên đoàn Thoại kịch Sơn Đông.

    Ngay sau đó, Dương Khiết đã hẹn gặp Từ Thiếu Hoa đến thử vai Tiểu Bạch Long, đi cùng còn có một diễn viên khác của đoàn Thoại Kịch thử vai Đường Tăng.

    Ngày hôm đó, phó đài Nguyễn Nhược Lâm cũng có mặt. Sau khi hóa trang xong, Dương Khiết nhìn Đường Tăng của vị diễn viên từ đoàn Thoại Kịch không có chút nho nhã, phóng khoáng nào, còn khi vào vai Tiểu Bạch Long lại thiếu hẳn đi vẻ dũng khí cần thiết. 

    Trong khi đó, Tiểu Bạch Long của Từ Thiếu Hoa thì lại thư sinh nho nhã, tuy có hơi gầy một chút. Lúc đó, phó đài Nguyễn liền quyết định để cho Từ Thiếu Hoa đóng vai Đường Tăng. 

    Tây du ký 1986: Tại sao có đến ba Đường Tăng? - Ảnh 4.

    Sau khi những tập "Giam cầm Ngũ Hành Sơn", "Hầu Vương hộ tống Đường Tăng", "Thu nhận Trư Bát Giới", "Dọc đường 3 lần gặp nạn", "Trí kích Mỹ Hầu Vương", "Đại chiến Hồng Hài Nhi", "Đoạt bảo Liên Hoa động", "Đấu phép hàng tam quái" lên sóng, vai diễn Đường Tăng của Từ Thiếu Hoa đã nhận được yêu mến nồng nhiệt của khán giả.

    Tây du ký 1986: Tại sao có đến ba Đường Tăng? - Ảnh 5.

    Tuy vậy đúng lúc này, Từ Thiếu Hoa lại được cử đi học ở Học viện Nghệ thuật Sơn Đông. Nam diễn viên đề nghị đoàn phim tạo điều kiện cho mình, để anh không phải lên lớp mà vẫn có thể nhận được bằng tốt nghiệp.

    Trước khi Thiếu Hoa đi, Dương Khiết đã thông báo lịch trình và thời gian quay tập tiếp theo cho anh.

    Nhưng sắp đến ngày khởi hành, Từ Thiếu Hoa vẫn bặt vô âm tín. Dương Khiết bèn gọi điện đến đoàn Thoại Kịch Sơn Đông hỏi thì được biết, Từ Thiếu Hoa và bạn gái đã đi học ở Học viện Nghệ thuật Sơn Đông rồi.

    Bà lại gọi điện đến khoa Diễn xuất của học viện này thì người phụ trách ở đây nói,  không hề có sinh viên nào có tên như vậy.

    Dương Khiết đã bắt đầu thấy nóng mặt liền gọi điện ngay cho phòng giáo vụ của trường. Khi nối máy được với trưởng phòng giáo vụ của Học viện Nghệ thuật Sơn Đông, Dương Khiết yêu cầu cho gọi Từ Thiếu Hoa ngay lập tức phải trở về đoàn để đóng phim. 

    Tây du ký 1986: Tại sao có đến ba Đường Tăng? - Ảnh 6.

    Từ Thiếu Hoa cuối cùng cũng về đoàn, nhưng trong lòng không vui. Nam diễn viên miễn cưỡng hoàn thành các cảnh quay của mình trong phần "Nữ nhi quốc". Nhưng sau khi quay xong, dù ba "đồ đệ" cùng mọi người ra sức khuyên nhủ, nhưng Từ Thiếu Hoa vẫn kiên quyết đòi về trường. 

    Cuối cùng, đạo diễn Dương đã đồng ý cử hai nhân viên chế tác của đoàn đi cùng Từ Thiếu Hoa đến Tế Nam để gặp lãnh đạo trường, hy vọng trường sẽ chiếu cố cho Từ Thiếu Hoa có thể vắng mặt trên lớp một thời gian, đảm bảo tiến độ quay phim và nhận bằng tốt nghiệp một cách thuận lợi.

    Khi tới Tế Nam, hai nhân viên của đoàn gọi về báo cáo cho biết, sau khi đi gặp lãnh đạo trường để thương lượng thì nhà trường quay sang hỏi Từ Thiếu Hoa rằng việc học với việc đóng phim thì bên nào quan trọng hơn, Từ Thiếu Hoa liền trả lời: "Đương nhiên việc học quan trọng hơn". 

    Dương Khiết sau đó đã báo chuyện này với phó đài Nguyễn Nhược Lâm, và nhận được câu trả lời: "Vậy thì thay người đi! Diễn viên đâu có thiếu, ai mặc được áo cà sa, người đó là Đường Tăng!"

    Vậy là, một Đường Tăng nữa lại ra đi. Đó là đầu tháng 11 năm 1985.

    Đường Tăng thứ ba đã lấy được chân kinh

    Sau khi Từ Thiếu Hoa rời đi, người trong đoàn đều vô cùng lo lắng, vì Tây du ký khi đó đã đi được hơn nửa chặng đường, nhân vật Đường Tăng đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, hình tượng, khí chất của Đường Tăng cũng đã dần được định hình, không thể chọn tùy tiện chọn diễn viên.

    Một chiều tối nọ, sau khi kết thúc công việc tại đài truyền hình trung ương, Dương Khiết xuống cầu thang cùng thư ký trường quay Vu Hồng. Bất ngờ, có một thanh niên cũng đi từ dưới lên.

    Thoáng nhìn qua, Dương Khiết thấy người thanh niên đó có thân hình mập mạp, tướng mạo đẹp nên liền gọi người đó lại. Dường như bị tiếng gọi của Dương Khiết làm cho giật mình, anh ta quay lại hỏi: "Chị gọi tôi hả?". 

    Khi Dương Khiết hỏi tên tuổi của người này thì Vu Hồng liền nói: "Cậu ấy là Trì Trọng Thụy, là diễn viên của đoàn ta chứ ai". Như vớ được vàng khi người này là diễn viên của đoàn, Dương Khiết liền gọi Trì Trọng Thụy đến phòng biên tập để quan sát kĩ hơn.

    Tây du ký 1986: Tại sao có đến ba Đường Tăng? - Ảnh 7.

    Khi mở đèn lên, Dương Khiết mới nhìn rõ tướng mạo của Trì Trọng Thụy, ngoại hình cũng đường hoàng, điệu bộ ôn tồn, hòa nhã. Trong lòng Dương Khiết đã nhận định Trì Trọng Thụy chính là Đường Tăng, nhưng nữ đạo diễn vẫn muốn hỏi thêm: "Cậu có chịu đóng vai Đường Tăng trong Tây Du Ký không?".

    Tây du ký 1986: Tại sao có đến ba Đường Tăng? - Ảnh 8.

    Sau khi Trì Trọng Thụy hóa trang xong và bước ra đã khiến cho đạo diễn Dương mừng vui khôn xiết khi đã không nhìn lầm người, khuôn mặt từ bi hỉ xả, tai to và có tính Phật. Vậy là, Đường Tăng thứ ba đã được tìm thấy.

    Tây du ký 1986: Tại sao có đến ba Đường Tăng? - Ảnh 9.

    Trì Trọng Thụy cũng là người kiên trì bền bỉ nhất trong ba diễn viên vào vai Đường Tăng. Cuối cùng, vị Đường Tăng này đã cùng ba "đồ đệ" của mình tu thành chính quả, lấy được chân kinh. 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tay-du-ky-1986-tai-sao-co-den-ba-duong-tang-a204882.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan