+Aa-
    Zalo

    Tay cha trổ mùa xanh

    (ĐS&PL) - Tôi là đứa con gái may mắn được hầu trà cha tôi, thậm chí được cha pha trà cho uống. Thường là những buổi sáng hay buổi chiều cuối tuần, tôi ngồi bên cữ trà với cha. Cha bảo, tôi giống bà nội ở cái khoản biết uống trà. Ấy là ông đang nhớ đấng sinh thành của mình, tôi biết. Cha tôi hồi hưu đã mấy mươi năm. Đời quân ngũ tồng tênh của ông, của nả chẳng có gì. Trong khi các bạn cùng trang lứa cậy cục, ai cũng được phân một căn hộ lắp ghép hay mảnh đất đàng hoàng giữa Hà Nội, thì cha tôi khép lại đời lính bằng cuốn sổ hưu và đôi bàn tay chai sần.

    Chai sần, dài, rộng là bàn tay của cha. Người chưa từng giơ roi với 3 đứa con, tay để ôm con vào lòng và làm tất cả mọi việc. Những con chữ tròn đều tăm tắp từ tay ấy. May vá, sàng, giần, nấu nướng, chăm yêu gia đình, gây dựng sự nghiệp, xúc cơm, tắm gội cho bố mẹ, con cháu. Đến giờ tôi vẫn tự hỏi về đôi bàn tay giản dị mà phi thường của cha.

    tay cha tro mua xanh 1
    Ảnh minh họa.

    Bên ấm trà thơm, cha bắt đầu những câu chuyện miên man. Mà người già thường sống bằng ký ức, nếu có nhắc tương lai, thì cũng rất gần. Có gì đâu, khi quỹ thời gian đời người không còn nhiều, họ thường sống với hiện tại, mong được cận kề con cháu. Còn những phút ôn cố tri tân, tựa như một cách trả nợ cho chính mình vì những nỗ lực vượt thoát thử thách để đến được ngày hôm nay. Khi nhắc đến ông bà nội và tuổi thơ của 3 chị em tôi, ánh mắt cha ngời lên. Những tháng ngày hạnh phúc ấy, đã đi qua và để lại hồi quang lấp lánh, khi ấy khuôn mặt cha dãn ra, những nếp nhăn như không hiện diện.

    Trong đám tang của ông bà tôi, cha không khóc. Có lẽ vì bao giọt yêu thương của người đã thấm vào đôi bàn tay, qua những lần nấu nướng, rửa bát, giặt giũ bởi đôi bàn tay của người con trai chăm sóc song thân lúc sinh thời. Khi ông tôi mất, cha tôi ngày nào cũng cặm cụi vào chăm bà. Cha chẳng nề hà việc gì. Và hôm nào cũng thế, người đợi bà ăn xong, dọn dẹp gọn gàng đâu vào đấy, rồi mới về. Tôi bao lần tự nhủ, liệu sau này tôi có chăm cha được như vậy không.

    Bàn tay phải của cha có một nốt chai ở ngón giữa. Năm tháng và phù sa cuộc đời đã bồi thêm cho nó. Tôi quen đến độ, cứ ngỡ đó là dấu vết bàn tay của bất kỳ người cha nào. Hồi còn đang công tác, cứ hè về là cha cho tôi ra cơ quan chơi. Tôi ngồi sau cái xe gióng ngang của ông, hểnh háo nhìn đất trời. Cơ quan cha là cả một thế giới mới lạ, đầy háo hức với đứa trẻ nhà quê như tôi. Ngày đó, ông đóng quân ở Xuân Mai, Hòa Bình. Xung quanh dãy nhà tập thể dành cho những quân nhân xa nhà là những ụ sắn xanh tốt. Sắn từng vồng, từng vồng. Sau giờ làm việc, cha mang cuốc ra dỡ sắn. Người cẩn thận tách hết lớp áo ngoài thô ráp, để lộ cùi sắn trắng tinh, nuột nà, láng mịn. Sau khi ngâm với nước muối tầm 1 giờ, cha rửa sạch và đưa sắn vào xửng hấp lên. Vị sắn bùi, thơm, bở tung giờ vẫn gọi dậy trong tôi sự háo hức, muốn cắn ngập răng vào. Khi đưa sắn cho tôi, nốt chai ở ngón tay ông, sắn dính vào, những chấm trắng li ti như hạt bụi, nom bàn tay cha lúc đó dịu dàng như những lần mẹ chăm yêu tôi.

    Nhưng mùa hè ấy, niềm vui của tôi chưa đầy tuần, thì cha tôi bị cơn sốt rét cũ tái phát, kéo theo chứng tụt huyết áp. Chú y sĩ ở trạm quân y khám, chỉ định cha tôi phải chuyển đến bệnh viện 103 để điều trị. Tôi nhớ, trên chiếc xe com măng ca, ngồi ở sau ghế lái xe, cha tôi chống tay phải vào cằm, ông nở nụ cười để tôi an tâm, xe vút đi, để lại trong tôi là vai áo rộng gió lùa thốc tháo và bàn tay to bản của cha. Nhưng vốn là đứa trẻ ham vui, lại được đồng đội của cha chăm sóc, nên chẳng mấy chốc tôi đã hết buồn. Tuổi thơ, buồn vui dễ qua như cơn mưa bóng mây.

    Rồi tôi lớn lên, tuổi thơ ở lại trong ký ức ngây dại, đường đời dài hơn trên triền dốc chênh vênh và đầy thử thách. Số phận toan bức tử tôi bao lần chẳng thành. Cha vẫn thế: chi chút cho gia đình và yêu thương tôi, nhưng ngày một già đi. Có lần về thăm, tôi ngắm ông ngồi dưới hàng hiên thưởng trà, mái tóc cắt ngắn nôn nao sợi bạc, bàn tay ông đưa lên vuốt vuốt. Những ngón tay sạm, nhăn nheo lại lẫn với màu trắng thời gian. Tôi lặng đi. Tháng năm thật vô tình.

    Ông bà tôi đã về trời ngót chừng 10 năm. Ngôi nhà tuổi xưa mà tôi an ấm bên họ, nắng mưa gội phai. Từ ngày cha hồi hưu, cả gia đình tôi đã ở trên ngôi nhà mới, nhưng nhà cũ vẫn là chốn đi về. Tôi thường tìm về chốn ấy vào cuối mỗi tuần, để có cảm giác gần ông bà. Cha thì ngày nào cũng về. Vào mỗi dịp áp Tết, hai cha con dọn dẹp ban thờ. Bàn tay Người tỉ mỉ xóa từng từng vệt bụi thời gian, lẫn trong tiếng thở dài kìm nén và mùi hương trầm bảng lảng. Cha mở chiếc tủ cổ, lấy ra chiếc áo quân phục của ông và tràng hạt của bà. Tôi ngắm những ngón tay cha run run trên từng nếp kỷ vật. Thầm biết ơn bàn tay cha, năm nào cũng dẫn tôi trở về tuổi thơ đẹp hơn cổ tích bên ông bà. Đó là miền trong trẻo nhất, là điểm tựa để tôi vững vàng vượt qua những sóng gió của cuộc đời.

    Năm nay nhuận, mùa đông dùng dằng giữa cơn nóng lạnh bất thường. Tiết khắc nghiệt ấy khiến cái chân cha lại đau hơn mọi bận. Nhưng mỗi lần về, là mỗi lần tôi thấy ông cặm cụi vườn, ao. Ông rất mát tay, cần cù chiu chắt từng vạt đất, mầm cây, con vật. Nên dù đã hồi hưu mấy mươi năm, nhưng ông hầu như không có thời gian rảnh. Ở góc mảnh vườn nhỏ, cây táo ông chiết từ ngôi nhà cũ, cứ đến mùa lại kết quả sai trĩu. Nó vốn là một cành nhỏ từ cây táo ông nội tôi đã trồng. Cha đem về ngôi nhà của chúng tôi, để cái cây ký ức ấy, mãi nảy mầm xanh tươi. Không chỉ cha, mỗi lần về nhà, tôi thường ra đứng dưới gốc táo. Những cành táo rung rung, quả ửng mọng, tôi như nhìn thấy vai áo quen thuộc của ông nội và nghe thấy tiếng chổi quét sân lạo xạo của bà. Ôi, cái cây đã đổ bóng vào tôi cả một trời thương nhớ.

    Cuộc sống vốn dĩ ngày mai là một bí mật, để con người luôn phải nỗ lực phấn đấu. Và cuộc sống cũng đầy bất trắc. Trong một biến cố dữ dội xảy đến với gia đình tôi, tấm lưng cha sụp xuống như vừa bị một trận bão kinh hoàng quét qua. Cha không né bão, mà im lìm như một cây cột chống chọi với thiên tai của số phận. Có buổi chiều ngang qua đời tôi như một vệt buồn thăm thẳm, tôi ngồi bên cha. Cha như bất động. Mắt ông nhìn vào khoảng không trước mặt, ánh mắt buồn hơn bóng tối. Bàn tay cha khum khum che lên miệng chén trà, hơi nóng của trà đọng lại trên từng ngón tay cha, tựa hồ như một vạt sương khói mong manh. Chưa bao giờ tôi thấy cha ở lâu trong nỗi buồn đến như thế. Tôi bàng hoàng nhận ra, cha đã già thật rồi, càng thấm thía câu răn: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Tôi trưởng thành hơn từ nỗi buồn cha.

    Một người bạn họa sĩ có lần tâm sự với tôi rằng: khi vẽ cơ thể người, thì vẽ bàn tay người là khó nhất, một cấu trúc tuy nhỏ bé song vô cùng phức tạp về mặt thị giác. Mỗi bàn tay, với mỗi cấu trúc ngón tùy thuộc vào tâm trạng, số phận con người. Bàn tay hay mái tóc là khuôn mặt thứ hai của con người. Khi quan sát bàn tay cha, tôi thấy điều ấy chính xác vô cùng. Giờ đã tuổi trung niên, nhưng trước bàn tay cha, tôi thấy như quá khứ hiển hiện trọn vẹn. Đốt tay này cha chăm yêu khi tôi bé bỏng, đốt tay cha dẫn tôi vào cuộc đời rộng lớn, Người nói về đường đời không dễ nhưng cũng nhiều thú vị, để tôi vững tâm bước. Có đốt tay cha mất ngủ vì những lần sơ sểnh, dại khờ của tôi. Với tôi, tay cha còn là một bảo tàng ký ức và cả những lạ lẫm ở tương lai mà tôi không thể đoán định.

    Khi đông còn than thở trên những lá vàng úa, thì mảnh vườn cha chồi non đã bừng thức nghinh xuân. Cha nhặt những quả cà chua chín mọng như những chiếc đèn lồng tí hon, bắp cải tròn xoe, hành, tỏi hăng, ớt cay xè, bỏ vào chiếc túi nhỏ cho tôi. Người cặm cụi bên cây táo, chăm một cành đẹp và nhiều lộc nhất, vào đúng đêm trừ tịch, cha bứng nó lên ban thờ. Ấy mới đủ đầy cho cái Tết cổ truyền của cha. Cha năm nào cũng thế, cần mẫn gói giò xào: tai, mũi, lưỡi và mộc nhĩ, nấm hương, tiêu thơm lừng gian bếp. Rồi Người dành riêng một phần đẹp nhất, ngon nhất dâng lên ông bà tôi. Người còn cẩn thận chia đều cho 3 chị em tôi, mỗi đứa một phần ăn lấy thảo.

    Trong tôi thi thoảng lại dấy lên niềm mơ hồ về một ngày nào đó, trở về ngôi nhà thân yêu, không còn thấy cha với đôi bàn tay chai sần, bên bàn trà mỗi sớm mai hay khi chiều buông nữa. Vẫn biết, thời gian sẽ nghiệt ngã cuốn đi tất cả, nhưng tôi hạnh phúc vô cùng vì được lớn lên từ bàn tay ấm áp, mạnh mẽ và yêu thương của cha- bàn tay có năng lực đảo chiều số phận để kiến tạo cuộc sống theo cách dễ chịu nhất!

    Nguyên Tô

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật gộp 10 số từ 32-41 (6/2 đến 17/2/2024)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tay-cha-tro-mua-xanh-a610150.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Chợ Nủa - Giữ gìn không khí Tết xưa của vùng quê Bắc bộ

    Chợ Nủa - Giữ gìn không khí Tết xưa của vùng quê Bắc bộ

    Đến với chợ Nủa (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội) vào những ngày cận Tết Nguyên đán, chúng ta có thể cảm nhận rõ không khí Tết xưa cũ của vùng thôn quê Bắc bộ khi hầu như những giá trị văn hóa, thói quen xưa vẫn được gìn giữ.